Thành công với các tựa phim “Searching” và gần đây nhất là “Missing”, dòng phim Screenlife ngày càng được khán giả trẻ yêu thích và nhận về những đánh giá cực cao từ giới phê bình.
Screenlife là dòng phim mà các diễn biến phim đều được thể hiện qua màn hình laptop, máy tính bảng hoặc các thiết bị di động nói chung. Dòng phim này có nguồn gốc từ Found-Footage – thể loại phim với nội dung được xâu chuỗi từ nhiều đoạn video góp nhặt, hoặc các đoạn băng ghi hình qua những thiết bị khác nhau như máy ảnh, điện thoại,…
Trở nên phổ biến từ những năm 2010 khi Internet bắt đầu bùng nổ, nhưng phải đến 8 năm sau thì dòng phim Screenlife mới gây được tiếng vang lớn trên toàn thế giới với siêu phẩm “Searching”. Ra mắt tại LHP Sundance 2018, “Searching” nhận được vô số lời khen từ khán giả lẫn giới phê bình, nghiễm nhiên ẵm trọn giải Alfred P. Sloan Prize và NEXT Audience Award.
Tuy kinh phí sản xuất thấp, “Searching” vẫn mang về lợi nhuận khủng cho đoàn làm phim (ước tính đến hơn 75 triệu USD) nhờ vào nội dung phim hấp dẫn. Chuyện phim xoay quanh người cha David Kim trên hành trình tìm kiếm người con gái mất tích thông qua các tài khoản xã hội của cô bé. Những mảnh ghép của câu chuyện – được truyền tải qua thế giới Internet – khiến cho khán giả phải bất ngờ, hồi hộp với từng diễn biến phim.
Timur Bekmambetov, vị đạo diễn đứng sau thành công của “Searching”, đồng thời là cái tên tiên phong của dòng phim Screenlife đã trở lại cùng khán giả trong dự án phim mới với tựa là “Missing” (Tựa Việt: “Mất Tích”), cũng chính là phần hậu truyện của siêu phẩm “Searching”. Nhiều gương mặt cộm cán của đoàn làm phim từ năm 2018 cũng tái xuất trên phim trường, đặc biệt là khi hai biên tập kỳ cựu của “Searching” là Will Merrick và Nick Johnson đảm nhiệm vai trò đạo diễn cho phần phim mới.
“Missing” là câu chuyện ly kỳ của bà mẹ đơn thân Grace và bạn trai Kevin Lin, cả hai cùng đi du lịch và mất tích ở Colombia. Lúc này, cô con gái June buộc phải sử dụng các mối quan hệ cũng như truy cập vào nhiều tài khoản điện tử để tìm tung tích mẹ. Cũng từ đây mà June khám phá ra nhiều bí mật kinh hoàng về thế giới xung quanh mình.
So với những thành tích của phần tiền truyện, “Missing” cũng thành công không kém khi mang về 29.7 triệu USD cho nhà sản xuất dù ra mắt cùng thời với nhiều siêu phẩm đáng gờm như “Avatar: The Way of Water”, hay “Puss in Boots: The Last Wish” và “M3GAN”. Phim nhận điểm số 86% trên Rotten Tomatoes và nhiều đánh giá tích cực từ khán giả.
Có ý kiến cho rằng: “Missing khiến người xem phải liên tục đưa ra suy đoán về những gì sắp xảy ra. Nhịp phim nhanh và cùng yếu tố giật gân với kỹ thuật độc đáo khiến mọi thứ trở nên xoắn não.” Với nội dung hấp dẫn và phát huy tối đa sự độc đáo, kịch tính của phần phim trước, “Missing” hứa hẹn là siêu phẩm mà công chúng không nên bỏ lỡ, đặc biệt là với những ai hứng thú với thế giới trên Internet.