Tìm con: Gian nan cả chặng đường

Tình cờ quen chị trong một lớp học dược tá buổi tối, đã 40 tuổi nhưng nhìn chị T L G (Q Phú Nhuận, TP.HCM) trẻ như mới đôi mươi. Chị luôn tươi cười mỗi khi kể về hai đứa con nuôi của mình. Thế nhưng, để có được hạnh phúc như hiện tại, chị đã trải qua một hành trình đầy đau khổ vì đi chữa vô sinh trong suốt 11 năm ròng.

Có tiền chưa chắc đã có con

Kết hôn năm 21 tuổi nhưng vì kinh tế gia đình lúc ấy còn eo hẹp nên vợ chồng chị G vẫn chưa muốn có con vội. Mãi đến 3 năm sau, chị mới bắt đầu lên kế hoạch sinh con. Dù vậy, sau gần một năm không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào, chị vẫn không có thai. “Bấy giờ tôi mới thấy lo lắng nên cùng chồng đến bệnh viện phụ sản để kiểm tra”, chị G kể lại.

 

Các bác sĩ chẩn đoán chị bị hiếm muộn do trứng không trưởng thành, chu kỳ phát triển không đều, Khi hay tin dữ, vợ chồng chị rất buồn, riêng chị càng cảm thấy mặc cảm ơn vì trục trặc từ phía mình. Tuy tủi phận nhưng chồng chị khá tâm lý, biết vợ hay suy nghĩ nên anh thường động viên chị, anh bảo: “Nếu bỏ tiền đi chữa ở nhiều nơi thì thế nào cũng có con”. Giữ vững niềm tin ấy, vợ chồng chị đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, cứ nghe ai mách bác sĩ nào giỏi là chị tìm đến.

Nghe bác sĩ tư vấn, vợ chồng chị áp dụng cả phương pháp thụt inh trong ống nghiệm, tốn cả gần 200 triệu cho 3 lần nhưng đều thất bại. Mỗi lần bơm phôi vào tử cung, vợ chồng chị lại nuôi hy vọng rồi thất vọng tràn trề vì phôi không bám lại trong tử cung để phát triển thành thai.

Sau 4 năm theo thuốc Tây không khả quan, chị chuyển sang chữa thuốc Nam. “Có lần nghe một người bạn mách ở Bến Tre có ông thầy lang chữa vô sinh mát tay lắm, vậy là tôi sắp xếp công việc, một mình bắt xe đi xuống miền tây từ 3h sáng vậy mà vẫn “trắng tay”. Lúc ấy, tôi thấy tủi thân vô cùng, tiền của nhiều mà không có lấy một mụn con thì cũng chẳng để làm gì” – chị nhớ lại.

Mỗi lần nhắc đến quãng thời gian khó khăn ấy là mắt chị lại ngân ngấn nước. Biết chữa hiếm muộn rất tốn kém nên chị chủ động đi làm một lúc hai công ty. Vì phải thức khuya để giải quyết công việc cộng với việc dùng thuốc liên tục và lo nghĩ nhiều nên chị G già và tiều tụy đi, mắt sâu trũng, thâm quầng chứ không được như hiện giờ. Kiên trì đến năm thứ 11, vợ chồng chị bán bớt một căn nhà để qua Thái Lan chữa trị nhưng không ăn thua. Nản quá, vợ chồng chị mới quyết định nuôi con nuôi, cũng may hai bé khá ngoan nên anh chị cũng cảm thấy an lòng hơn.

 

Trường hợp của chị G chỉ là điển hình, đó là khẳng định của bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM. Bác sĩ Tuyết kể, trước đây từng có một bệnh nhân quê ở Long An đến bệnh viện để chữa hiếm muộn từ những ngày Khoa Hiếm muộn mới thành lập (năm 1997) cho tới tận năm 2008. Dù chị đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn để lấy tiền thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đến lần thứ 7 rồi mà vẫn không thành công.

Bác sĩ Tuyết cho biết, theo tình hình thực tế, không phải hễ có tiền thì ai cũng sẽ có con được. Bởi dù được điều trị bằng những phương pháp hiện đại nhất, một số người vẫn không thể có con và cho đến giờ, khoa học chưa xác minh được nguyên nhân vì sao. Thông thường, nguyên nhân gây hiếm muộn có 30% là do người vợ, 30% do người chồng, 30% từ cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Riêng tại Bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ vô sinh không rõ nguyên nhân trung bình là 12%.

Có con chưa chắc hạnh phúc

Tưởng chừng sau một khoảng thời gian dài điều trị hiếm muộn, khó khăn lắm mới có một mụn con, gia đình sẽ vui vẻ, thế nhưng khi đứa bé chào đời, hạnh phúc lại đỗ vỡ.

Đã gần một năm kể từ ngày sinh bé Bo, gia đình chị N T L (24 tuổi, Đồng Nai) vẫn chưa trả xong món nợ 60 triệu đồng cho ngân hàng. Hai năm trước, để có tiền đi chữa hiếm muộn, vợ chồng chị phải vay mượn tiền của tất cả anh em họ hàng và cầm cố căn nhà đang ở để vay thêm tiền ngân hàng. Ngày chị L đi siêu âm và phát hiện có thai, vợ chồng chị ôm nhau khóc ròng. Thế nhưng cùng với niềm vui ấy, vợ chồng chị bắt đầu lo về những khoản nợ. Chị L là giáo viên mầm non, mức lương khoảng trên 2 triệu / tháng, chồng chị là công nhân nên lương cũng chẳng khá hơn. Tiền lương của cả hai vợ chồng chỉ đủ cho sinh hoạt gia đình nên mỗi khi cuối tháng không có tiền trả lãi cho ngân hàng, vợ chồng chị lại cãi cọ. Cũng vì vậy, chồng chị sinh tật nhậu nhẹt, mỗi lần say xỉn về, anh mắng vợ rồi chì chiết đứa con nhỏ. Không khí gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn chứ không còn đầm ấm như trước nữa.

 

Không phải bận tâm về tài chính như gia đình chị L, nhưng từ khi có con, gia đình chị PA (38 tuổi, Bình Dương) cũng không ít lần cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Chồng chị vốn bị vô sinh do không có tinh trùng nên dù điều trị hiếm muộn đã lâu mà vẫn không có kết quả. Vì quá mong con, hơn nữa tuổi tác của hai vợ chồng cũng đã cao, anh tán thành việc xin tinh trùng của người khác để có con như lời bác sĩ tư vấn. Sau khi thực hiện thụ tinh nhân tạo, chị đã có tin vui. Lúc mới sinh, nhìn chồng yêu thương, chăm sóc con chu đáo, chị A vui lắm. Thế nhưng, khi thấy bé càng lớn, khuôn mặt càng không giống bố thì anh buồn ra mặt.

“Giận nhất là khi vợ chồng đưa con ra ngoài chơi, gặp người nào lỡ miệng bảo con sao chẳng có nét gì giống bố là y như rằng hôm đó về nhà anh không nói với vợ con một câu nào, mặt mày cứ lầm lì rất đáng sợ”, chị A buồn bã nói. Vui vẻ thì không sao, nhưng hễ khi nào có chuyện buồn bực là chồng chị lại trút cơn giận lên con. Có lần anh còn mắng con “mày không phải là con tao” khiến thằng bé tủi thân cứ khóc suốt. Khi chị A nhắc chồng đừng nói vậy kẻo làm tổn thương con thì anh lại mắng cả chị. Nhiều khi không chịu nổi thái độ của chồng đối với con, chị A chỉ muốn ôm con bỏ đi nơi khác mà sống.

Ám ảnh tâm lý

Theo bác sĩ Diễm Tuyết, một số phụ nữ bị suy giảm chức năng buồng trứng (thường gặp ở những phụ nữ trên 40 tuổi), xét về độ tuổi của người mẹ, khả năng thành công, chi phí điều trị, sức khỏe em bé thì việc xin trứng và thụ tinh trong ống nghiệm là giải pháp kinh tế, hiệu quả và an toàn nhất.

Dù dùng trứng của người khác nhưng người mẹ đã mang nặng đẻ đau nên khi đứa trẻ sinh ra, họ sẽ nghiễm nhiên coi đứa bé là máu mủ ruột thịt. Tuy nhiên với nam giới thì khác, nếu người đàn ông không có tinh trùng muốn có con, họ phải xin tinh trùng của người khác để kết hợp với trứng của người vợ. Do họ không có nhiều thời gian tiếp xúc với đứa trẻ, lại nhìn con không giống bố nên dễ gây tâm lý kỳ thị, rất nhiều gia đình đổ vỡ cũng vì lý do hết sức nhạy cảm này.

Theo Thế giới gia đình

From the same category