Nếu Giáng sinh gắn liền với những gì ấm áp và an yên, thì tính chất tự nhiên của cây tầm gửi dường như mang các đặc điểm trái ngược hoàn toàn. Tầm gửi là một loài thực vật gây hại, chuyên sống bám vào các cây khác, hút hết nhựa sống và chất dinh dưỡng của cây “chủ nhà”. Thế nên tên khoa học của cây tầm gửi chẳng đẹp đẽ gì mấy: Phoradendron nghĩa là… kẻ trộm trên cành cây.
Éo le thay, tên thông thường trong tiếng Anh của cây tầm gửi còn tệ hơn cả cái tên mà khoa học định danh cho nó. Mistletoe có nguồn gốc là sự kết hợp của hai từ mistel và tan trong tiếng Anglo-Saxon, mà dịch ra có nghĩa là… “phân” trên cành cây – bắt nguồn từ thực tế rằng tầm gửi thường xuất hiện ở những nơi chim muông để lại… chất thải.
Nhưng có gọi tầm gửi là “kẻ trộm” hay “phân” đi chăng nữa thì có vẻ vẫn còn quá nhẹ nhàng so với những gì loài cây này đối xử với cây “chủ nhà” của mình. Bằng việc hút chất dinh dưỡng và nước, về lâu dài tầm gửi sẽ hại chết cả cây mà mình bám vào. Đặc biệt là tầm gửi lùn phát tán cực kỳ nhanh và đu bám nhiều “nạn nhân” mới, có thể trở thành mối đe doạ to lớn với ngành lâm nghiệp của… cả một quốc gia!
Nên chẳng lấy làm lạ nếu nhiều người thắc mắc: cớ gì phương Tây lại chọn một loài cây sống ký sinh gây hại như tầm gửi làm một trong những biểu tượng của mùa Giáng sinh an lành?
Có người cho rằng mọi chuyện khởi nguồn từ một thần thoại Bắc Âu. Ở ngày xa xưa ấy, nữ thần tình yêu và sắc đẹp vì quá thương yêu con trai mình nên đã bảo bọc cậu bé bằng một phép màu, khiến mọi thứ sinh ra từ mặt đất không thể làm hại được cậu ta. Con trai bà nhờ thế mà lớn lên khoẻ mạnh. Thế nhưng trong một trận chiến, kẻ địch đã bắn vào chàng trai một mũi tên làm từ cây tầm gửi. Phép màu bảo vệ của người mẹ vô hiệu với loài cây sống ký sinh trên thân cây khác này, thế là người con trai tử nạn một cách đầy đau đớn.
Nữ thần tình yêu và sắc đẹp đã khóc cạn nước mắt khi hay tin dữ về con trai mình. Chính tấm lòng mẫu tử đó của bà đã lay động được cây tầm gửi. Quả cây chuyển từ đỏ sang trắng, đem sinh mạng của người con trai quay trở lại dương gian. Quá đỗi hạnh phúc, vị nữ thần quyết định ban tiếng tốt cho cây tầm gửi, và bà trao nụ hôn cho những ai bước qua dưới nhành cây như một cách tạ ơn.
Cũng từ thần thoại này mà các cặp tình nhân phương Tây bắt đầu hôn nhau dưới nhành cây tầm gửi mỗi dịp Giáng sinh đến, với mong ước được nữ thần tình yêu và sắc đẹp chứng kiến, ban phước lành bảo bọc tình yêu của họ mãi mãi về sau.
Còn ai thực tế hơn thì chắc sẽ thoả mãn với cách lý giải thứ hai, nghiêng về đặc tính sinh sôi của loài cây tầm gửi. Đó là tầm gửi ra quả ngay giữa mùa đông khắc nghiệt, và luôn tìm được cách để nhân giống đi khắp cả khu rừng.
Nhiều loài chim sử dụng tầm gửi để làm tổ, nên tầm gửi phát tán hạt mầm đi xa thông qua mỏ, chân và cơ quan tiêu hoá của chim. Nếu không có chim, khi quả tầm gửi lùn chín, nó cũng sẽ tự động nổ tung và bắn các hạt đi xa để nhân giống rộng hơn. Bởi vậy mà người ta xem tầm gửi là biểu tượng của sự phì nhiêu nảy nở, phù hợp với mong ước ngàn đời của con người vào mỗi dịp Giáng sinh.
Dù là vì lý do gì chăng nữa, thì tập tục gắn liền với loài cây tầm gửi vẫn là một tập tục đẹp, khiến con người xích lại gần nhau hơn trong những ngày mùa đông lạnh giá. Kể cả trong thời kỳ chiến tranh, khi các binh sĩ chạm trán nhau dưới nhành cây tầm gửi trong rừng, họ cũng phải hạ vũ khí và ngừng bắn cho tới tận ngày hôm sau.
Vậy nên mùa Giáng sinh này, hãy thử tìm cho mình một nhành cây tầm gửi để trang trí trong nhà. Và nếu có thể, tìm thêm một ai đó để hôn. Nếu không có vị nữ thần sắc đẹp nào bảo hộ cho tình yêu của bạn, thì ít nhất tầm gửi cũng sẽ mang lại cho ngôi nhà nơi nó trú ngụ một cảm giác an yên, và cả niềm hi vọng về một tương lai hạnh phúc đủ đầy dành riêng cho bạn.
Trung Đăng