Tiêu tiền như ở Chu Minh, núi vàng Ba Vì cũng hết

Anh Đỗ Duy Hải, một tay đã từng có thâm niên nhiều năm trong nghề khai thác vàng sa khoáng nay đã chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết, nếu nói đi đào vàng sa khoáng được không, phải khẳng định là được, nếu “trúng quả” vàng cục trở thành tỷ phú trong nháy mắt và biết tu chí, thì dân Chu Minh xây biệt thự, tậu xe hơi, thành trùm đất… là chuyện “muỗi”.

Nhưng theo anh Hải có hai mặt trái ở Chu Minh. Thứ nhất là nếu đầu tư thuyền đào vàng lên tới 2 -3 tỷ đồng, mà phần lớn vay ngân hàng, không khéo tính toán có mà vỡ nợ. Thứ hai là tệ nạn xã hội, ma túy luôn rình rập. Ở Chu Minh nhà nào ít có 1 người nghiện, nhà nhiều có tới 2 – 3 người nghiện hút.

 

Trước môi trường tệ nạn, nhiều thanh niên ở Chu Minh dính vào “nàng tiên nâu”

“Từ năm 1994 đến nay, lượng vàng mà người dân ở đây khai thác lên đến hàng chục tấn, nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển. Phá lắm! Tôi đã từng làm vàng nên biết, với cách tiêu tiền của họ thì có núi vàng to như núi Ba Vì rồi cũng hết. Cũng tại “ngắn” cái chữ thôi, thấy làm được tiền dễ là tiêu phung phí, có người ngày tiêu đến bạc triệu.” – Anh Hải xót xa.

Theo đại diện cán bộ UBND xã thì trong số những hộ vay tiền ngân hàng để đi làm thuyền đãi vàng chỉ có khoảng một nửa làm ăn có hiệu quả, còn lại là thua lỗ… Số tiền mà người dân Chu Minh còn nợ ngân hàng lên đến hàng chục tỷ đồng. Làm thuyền vàng nếu biết tu chí thì chả mấy chốc thu hồi vốn nhưng cái môi trường ở bãi vàng, tệ nạn luôn rình rập khiến nhiều người không giữ được mình.

Không chỉ có vậy, thuyền vàng chỉ có tuổi thọ 3- 4 năm, trong khi đó chi phí phát sinh rất lớn. Một chiếc thuyền đãi vàng trị giá khoảng 1 – 2 tỷ, thì tiền đầu tư thêm vào đó trong quá trình sử dụng có thể lên tới cả tỷ đồng, nếu không biết tính toán khấu hao chi phí thì chuyện thua lỗ là điều đương nhiên.


Ở Chu Minh, nhiều nhà đi khai thác vàng một thời, nhưng giờ chạy ăn từng bữa

Kể từ ngày có cái nghề đãi vàng, thanh niên trai tráng trong làng gần như không còn. Khoảng 15 -16 tuổi có sức khoẻ một chút đã bắt đầu xuống thuyền. Thoạt nghe thấy thì mừng cho lớp trẻ ở đây, vì sớm có được cái “cần câu cơm” trong tay, nhưng nghĩ lại thì không khỏi lo. Cũng chính từ những chuyến đi lênh đênh trên sông nước đó, sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến cho không ít thanh niên sa ngã trước sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”.

Anh Đỗ Danh Thủy – Trưởng Công an xã Chu Minh cho biết, toàn xã hiện nay có trên 50 đối tượng trong danh sách nghiện, thời kỳ cao điểm có tới trên 80 đối tượng nghiện ngập và được coi là điểm nóng về tệ nạn ma túy của huyện Ba Vì. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, công an xã, tệ nạn ma túy, tàng trữ, mua bán, hút chính đã thuyên giảm.

Hầu hết những đối tượng nghiện trước đây đã từng đi thuyền đãi vàng và có người giàu lên nhanh chóng, chính từ những chuyến đi lênh đênh trên sông nước đó nhiều thanh niên đã không cưỡng được lại trước sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Khi về nhà, lúc đầu còn tiền rủng rỉnh chẳng ai biết ai nghiện, nhưng dần dần mọi thứ trong nhà cứ lần lượt ra đi thì mới vỡ lẽ.

 

Anh Đỗ Danh Thủy, Trưởng Công an xã Chu Minh cho biết xã đang quản lý hàng chục hồ sơ đối tượng nghiện ma túy

Điển hình trường hợp anh Đỗ Duy Lý, trước đây anh đã từng đi khai thác vàng, mỗi tháng ẵm về 4 -5 cây, sau khi trừ hết chi phí. Anh dành dụm được số vốn kha khá để dự định mua gạch xây nhà cửa khang trang cho vợ con.

Tuy nhiên sau vài lần đi khai thác vàng ở Sơn La để kiếm thêm chút vốn, anh đã dính vào “nàng tiên nâu” lúc nào không biết. Dần dần số tiền tiết kiệm được cứ đội nón ra đi, hết tiền mua thuốc thì đến số gạch mua trước đó chưa xây được nhà cũng được anh Lý cho bay theo ma túy. Đang là một người khá giả, vì ma túy, gia đình anh Lý giờ phải chạy ăn từng bữa cũng không xong.

 

Người giàu bạc tỷ chẳng thiếu, người chạy ăn từng bữa cũng nhiều

Trường hợp anh Trần Duy Dũng, trước đây đi buôn gỗ dọc sông Lô, sông Đà. Sau nhiều năm anh tích cóp được khoản tiền kha khá, có tiền đầu tư thuyền đào mót vàng hàng tỷ đồng, rồi thuê chục thợ là thanh niên trai tráng trong làng đi theo đào vàng khắp vùng Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang…

Sau nhiều lần “trúng đậm” anh Dũng phất lên nhanh chóng. Vừa có tiền trả nợ, lại dự định mua đất xây nhà tầng. Tuy nhiên, môi trường vàng phức tạp, ở vùng rừng núi buồn chán, bạn bè rủ vài lần thử “nàng tiên nâu” anh đâm ra nghiện từ lúc nào không hay. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp từ đào vàng cũng ra đi, còn người ở lại.

 

Tiêu tiền như ở Chu Minh thì núi vàng to như Ba Vì cũng hết

Đến năm 2008, anh bị bắt vì tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy, xử tù 8 năm. Thế là bao nhiêu năm đào vàng chỉ vì “nàng tiên nâu”, giờ không chỉ riêng mình Dũng mà nhiều thanh niên trong làng khác đều tàn lụi, trở về tay trắng… Hay như nhiều trường hợp thanh niên Đỗ Công Chiến, Đỗ Danh Chiến… đều đi vào vết xe của “nàng tiên nâu”. Đúng như câu tục ngữ cha ông thường nói “ Được vàng lại sợ vàng rơi, hay tàn lụi vì vàng” quả không sai chút nào khi nghĩ về mặt trái tệ nạn ở Chu Minh.

Nói dân Chu Minh giàu cũng đúng mà nghèo cũng chẳng sai, người tích trữ cả bạc tỷ, hàng trăm cây vàng, xây biệt thự, sắm xe ô tô chẳng thiếu… người chạy ăn từng bữa cũng nhiều. Người dân Chu Minh đang vào mùa làm ăn, họ có cái nghề trong tay và nhanh giàu lắm! Nhưng cuộc sống của họ bất an vì ma tuý, tệ nạn xã hội luôn rình rập…

Theo Infonet

From the same category