Trong mấy ngày qua, người đi chợ vẫn phải chấp nhận giá cả ở mức cao hơn trước tết rất nhiều. Tất cả các mặt hàng thực phẩm đều đội giá ngoại trừ rau xanh có phần hạ nhiệt. Trong đó giá thủy sản, đặc biệt là cá dẫn đầu trong các mặt hàng tăng giá.
Cụ thể, tại nhiều chợ như Bà Hom (Tân Phú), Bà Chiểu (Bình Thạnh) cá thu tăng từ 210.000 đồng lên 220.000 đồng/kg, cá hường, cá bạc má từ 80.000 tăng lên 90.000 đồng/kg, cá ba sa tăng thêm 8.000 đồng ở mức 50.000 đồng/kg chỉ trong vòng một tuần…
Trong khi đó, các loại cá có sức tiêu thụ mạnh và mức giá bình dân hơn như cá lóc, cá điêu hồng cũng tăng thêm 5.000-7.000 đồng/kg so với một tuần trước đây. Cụ thể cá lóc nuôi vọt lên 90.000 – 100.000 đồng/kg, tôm càng loại nhỏ giá bán từ 10.000 – 20.000 đồng/con…
Chị Minh Hồng ở Gò Vấp cho biết: “Đi chợ ngày cúng thần tài mua cá lóc với giá 90.000 đồng/kg đã thấy cao. Mỗi khay đựng cá cũng chỉ lèo tèo vài con nên không có nhiều sự lựa chọn. Cứ sau mỗi đợt tăng không biết tới lúc nào giá sẽ ổn định trở lại mà người dân lúc nào cũng buộc phải mua.”
Tiếp sau các mặt hàng thủy sản thì các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn đang neo giá ở mức cao. Hiện giá thịt nạc, thịt đùi hay ba rọi loại ngon tại chợ Căn Cứ (Gò Vấp) vẫn được các tiểu thương rao ở mức 90.000-110.000 đồng/kg, các loại thịt gà công nghiệp, gà tam hoàng nhích thêm 5.000-7.000 đồng, neo giá ở mức 50.000 đồng/kg gà công nghiệp và 78.000-80.000 đồng/kg gà tam hoàng…
Tuy nhiên, điều đáng bàn trong khi giá hàng hóa tại các chợ cóc, chợ lẻ tăng mạnh thì đại diện một số chủ trang trại chăn nuôi cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, giá lợn hơi các trại bán ra chỉ khoảng 40.000 đ/kg. Giá thịt lợn tại các chợ đầu mối chỉ tương đương ngày thường và lượng tiêu thụ cũng chỉ tương đương mọi năm.
Mặc dù các mặt hàng thủy sản ở các chợ giá tăng mạnh nhất, nhưng hiện nay các tiểu thương kinh doanh tại chợ chỉ bày bán các loại tôm, cá nuôi là chủ yếu. Các loại cá biển cũng chỉ là hàng đông lạnh dự trữ từ trước Tết, song lượng hàng không đáng kể. Ngay cả các thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm vẫn chưa bày bán nhiều so với sức mua của người dân. Hầu như các tiểu thương đều khẳng định: “Ra Tết không có hàng để bán”. Tuy nhiên ghi nhận thực tế nguồn cung hàng ở các chợ đầu mối luôn dồi dào mà các tiểu thương vẫn chưa muốn nhập nhiều.
Theo các thương lái ở Đồng Nai chuyên đưa heo về các chợ đầu mối TP.HCM tiêu thụ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, giá thịt heo tại các chợ đầu mối chỉ tương đương ngày thường và lượng tiêu thụ được chỉ bằng 2/3 mọi năm. Ông Bùi Văn Lợi, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, mọi năm vào khoảng mùng 6 Tết thương lái từ TP.HCM thường đến mua heo tại Đồng Nai khá nhiều, song năm nay đã đến đã qua mùng 10 Tết các thương lái vẫn thưa thớt và lấy hàng cũng nhỏ lẻ nên đầu ra khá ế hàng. Được biết các tiểu thương ở các chợ trên TP.HCM vẫn chưa muốn nhập nhiều hàng nên thương lái cũng dè dặt lấy hàng hơn.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết, đến thời điểm này, lượng rau củ về chợ vẫn đều và ổn định, trung bình 3.000 tấn/đêm, cao hơn ngày thường hơn 30%, vì thế giá chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương đã lấy hàng về chợ lẻ ít so với ngày thường rồi cố tình “neo” giá chứ thực tế lượng hàng tại chợ không thiếu.
Theo các tiểu thương tại hầu khắp các chợ cho biết, đầu năm không muốn nhập nhiều hàng vì mong muốn mua may bán đắt, không muốn bị ế trong những ngày đầu kinh doanh. Vì vậy luôn để giá cao và nhập hàng hạn chế, vừa phải.
Theo VEF