Tiêu điểm 2014: Một năm nhìn lại đời sống giải trí

Âm nhạc quốc tế

1. “Happy” – ca khúc nổi bật nhất năm

Năm 2014, những thế lực mới K-pop không tạo ra thêm điều gì gây sốt kiểu như “Gangnam style”. Và “Happy” của Pharrell đã vượt qua “Let it go” của phim “Frozen”, trở thành ca khúc nổi bật nhất năm do yếu tố “xã hội hóa” mạnh hơn, khi nó tạo ra rất nhiều bản cover, các bản remix và được “ứng dụng” trong nhiều hoạt động khác nhau.

2. Taylor Swift “cứu rỗi” nền công nghiệp âm nhạc

Hồi cuối tháng 10/2014, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ RIAA công bố, album nhạc phim “Frozen” là sản phẩm âm nhạc duy nhất đạt đĩa Bạch kim trong năm 2014. Nhưng thật may, album “1989” của Taylor Swift đã phá vỡ bầu không khí u ám của nền âm nhạc năm 2014. Bởi chỉ sau 2 tuần phát hành, lượng đĩa nhạc này đã bán ra được hơn 1,2 triệu bản.

3. Nghệ sỹ thế giới “đại chiến” với Ebola

Ba mươi năm sau khi ca khúc “Do they know it’s Christmas” được phát hành để quyên tiền cứu trợ cho nạn đói năm 1983-1985 tại Ethiopia, một loạt nghệ sĩ Anh như Chris Martin, Ed Sheehan hay Sam Smith… đã cùng nhau ghi âm lại ca khúc này và doanh thu từ album được phát hành hôm 17/11 sẽ dành cho việc chống lại dịch bệnh Ebola.

Tối 16/11, khi những hình ảnh đầu tiên về dự án này được công bố trong chương trình X-Factor, nó đã tạo một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ và gây xúc động mạnh cho cư dân mạng toàn cầu. Giai điệu đầy ý nghĩa của ca khúc này chắc chắn sẽ vang lên suốt mùa Giáng sinh năm 2014 và hẳn là sự kiện đẹp để khép lại một năm của làng nhạc thế giới.

Điện ảnh quốc tế: 

1. Brad Pitt trở thành người đàn ông thành công nhất tại Hollywood 2014 khi đầu năm, bộ phim “12 Years a Slave” do anh sản xuất đoạt giải Oscar Phim hay nhất. Cuối năm, bộ phim “Fury” anh tham gia vai chính được đánh giá cao, cũng là phim sáng giá cho mùa Oscar năm tới. Chưa kể, 2014 còn là năm được Brad Pitt chọn để chính thức tổ chức lễ cưới với người phụ nữ cả thế giới mơ ước Angelina Jolie.

2. Những cái chết gây tiếc nuối: Sau khi nam diễn viên trẻ Paul Walker qua đời đột ngột vào cuối năm 2013, thế giới liên tiếp chứng kiến sự ra đi của hàng loạt tài năng khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng. Đầu tiên là nam diễn viên Philip Seymour Hoffman (do bị sốc ma túy), sau đó là danh hài Robin Williams (tự sát). Ngoài ra, sự ra đi của huyền thoại Lauren Bacall, Mickey Rooney, Shirley Temple cũng khiến nhiều người phải tiếc nuối.

3. 2014 có mùa hè đáng thất vọng tại Hollywood. So với các mùa trước thì mùa phim hè năm nay doanh thu phòng vé nội địa giảm sút thê thảm. Nếu như năm ngoái có tới 2 tác phẩm kiếm về hơn 300 triệu USD là “Iron Man 3” (409 triệu đô la) và “Despicable Me 2” (368 triệu đô la) thì năm nay chỉ có duy nhất “Guardians of the Galaxy” làm được điều ấy (330 triệu đô la). Rất nhiều tác phẩm lớn khác đã không đạt được doanh thu mong muốn, trong đó có “Transformers: Age of Extinction”, “The Amazing Spider-Man 2”, “How to Train Your Dragon 2”… 

Việt Nam

1. Năm 2014 đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp đã ghi danh nền điện ảnh Việt trong một Liên hoan phim quốc tế danh giá, khi bộ phim của chị, “Đập cánh giữa không trung” giành giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình Quốc tế Venice, bên lề LHP Venice.

2. Lần đầu tiên, Việt Nam có festival âm nhạc đúng nghĩa: Chương trình “Monsoon music Festival” do nhạc sĩ Quốc Trung khởi xướng và tổ chức vào đầu tháng 10/2014 nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của khán giả Hà Nội, với mỗi ngày khoảng 10.000 lượt khán giả. Đây là tiền đề để những festival âm nhạc thường niên được tổ chức trong thời gian tới tại Việt Nam.

3. Đạo nhạc, câu chuyện không mới nhưng đã trở thành tâm điểm ồn ào dịp cuối năm. Sự việc liên quan đến một ca sĩ trẻ đang sở hữu lượng fan trong nước khổng lồ là Sơn Tùng M-TP. Một “hội đồng” các nhạc sĩ có tên tuổi đưa ra kết luận ca khúc mới của Sơn Tùng “Chắc ai đó sẽ về” là sản phẩm đạo nhạc. Nhưng sau đó, một số người đã lên tiếng phân tích sự việc này với cái nhìn nương nhẹ hơn, với lý do Sơn Tùng là một người viết trẻ, và lỗi của người trẻ, có một phần do người lớn. 

Bài: Thục Khôi

logo


From the same category