Tiêu đẹp

Lịch sử phát triển của loài người là những cố gắng không mỏi mệt thoát khỏi sự nghèo khó đến chỗ đầy đủ và dư thừa. Cái đẹp đã trở thành một nhu cầu bức thiết của một xã hội khá giả mà người ta thường gọi là xã hội tiêu dùng. Một xã hội tiêu dùng nhất thiết phải học tập cách tiêu dùng đẹp.

Thoạt kỳ thủy, đúng là con người không cần đẹp.
Đẹp không phải là một nhu yếu phẩm.
Con người không có ăn thì chết đói.
Con người không có mặc thì chết rét.
Chưa ai chết vì không được đẹp cả.

Chính vì thế mà trong thời gian bao cấp, khi nhà nước tự nhận lấy trách nhiệm cung cấp những nhu yếu phẩm cho dân, chưa từng có tem phiếu mỹ phẩm cho cái đẹp.

Trong văn chương, có một lần tôi đọc thấy ở Max Jacob, một nhà thơ lớn người Pháp gốc Do Thái câu thơ mà tôi đánh giá là tuyệt vời sau đây:

Anh ngã lăn đùng vì cái đẹp sét đánh!

Các nhà thơ “sến” thường nhai đi nhai lại hình ảnh cũ mèm “tiếng sét ái tình” nhưng hầu như chưa ai đi xa được như Max Jacob: Tiếng sét đẹp.

Đó là điểm phân biệt giữa những nhà thơ nhàng nhàng chỉ dám đi đến nửa chừng với các nhà thơ “nòi” dám đi đến tận cùng.

Hình như con người là loại động vật duy nhất không những đòi hỏi phải thỏa mãn cả những điều kiện cần lẫn những điều kiện đủ. Hơn nữa với đà phát triển của văn minh, các điều kiện đủ dần dần trở thành các điều kiện cần.

Việc không ngừng thỏa mãn những điều kiện đủ đánh dấu trình độ phát triển của một xã hội một quốc gia. Ta hãy lấy một ví dụ hết sức đơn giản để minh họa cho nhận định này.

Pháp ngữ dùng một biểu thức nhiều hàm nghĩa để chỉ việc đi đại tiện: đi nhu cầu (aller aux besoins). Việc đi nhu cầu theo lịch sử đã trải qua nhiều thăng trầm. Bắt đầu từ hình thức hết sức đơn giản nơi bụi cây bãi cỏ, đi bô, đào một cái hố và bắc một miếng ván ngang qua… Câu ca dao đầy hương đồng gió nội của Đồng bằng Bắc bộ:

Thứ nhất là đỗ thủ khoa
Thứ nhì tiến sĩ thứ ba ỉa đồng.

Dưới góc nhìn xây dựng nông thôn mới bỗng trở thành bất lịch sự và mất vệ sinh.
Ở miền Nam nước Việt Nam, nơi những sông rạch chằng chịt thì chỉ cần bắc một cây cầu thô sơ để dốc bầu tâm sự trôi theo dòng nước (có lẽ vì thế mà sinh ra từ đi cầu chăng?).

 Rồi đến những nhà vệ sinh sang trọng của thế kỷ 21, có nước thơm, có tấu nhạc, có màn hình kỹ thuật số hệt phòng ngủ một khách sạn năm sao. Đến mức một nhà kiến trúc A. Loos đã phải phát biểu: Cứ xem tình trạng những nhà vệ sinh sở tại thì biết trình độ phát triển văn hóa của một quốc gia, một xã hội như thế nào.

Vào thế kỷ mới có thể khẳng định rằng cái đẹp đã dần dần trở thành một nhu yếu phẩm. Điều kiện đủ của một thế hệ trước có thể trở thành điều kiện cần của một thế hệ sau theo quá trình tiến hóa của lịch sử.

Câu tục ngữ: “Phú quý sinh lễ nghĩa” đã một thời thường được sử dụng theo phương thức dè bỉu giờ đây đã lấy lại đầy đủ ý nghĩa sâu xa của nó.

Lịch sử phát triển của loài người là những cố gắng không mỏi mệt thoát khỏi sự nghèo khó đến chỗ đầy đủ và dư thừa. Cái đẹp đã trở thành một nhu cầu bức thiết của một xã hội khá giả mà người ta thường gọi là xã hội tiêu dùng. Một xã hội tiêu dùng nhất thiết phải học tập cách tiêu dùng đẹp.

Tôi rất phục tài năng của Moliere, nhưng tôi rất không thích thái độ diễu cợt của ông khi viết vở hài kịch nổi tiếng “Trưởng giả học làm sang”. Từ “trưởng giả” bản thân nó đã mang một hàm nghĩa lạc hậu của một lịch sử quá nhiều thế kỷ nghèo khổ. Nó cũng chẳng báu gì để ta cứ khư khư ôm lấy nó. Theo tôi đó là một truyền thống xấu chứ không phải một truyền thống đẹp. Trong một xã hội văn minh mọi sự kỳ thị đều phải được coi là xấu chơi và cần phải thổi còi.

Nhà giàu nhất thiết phải học làm sang, hay nói một cách khác, học một phương thức tiêu dùng đẹp để mau chóng ra thoát khỏi tình trạng trọc phú(?) mà giới quý tộc thường dùng để dè bỉu giới nhà giàu.

 Sang trọng không phải là đặc quyền của giới quý tộc. Mọi tầng lớp đều có quyền sang trọng như nhau. Nhưng muốn thế thì phải học.

Loài người trong nhiều thế kỷ đã quá quen với sự nghèo khổ và chưa thể gọi là từng trải với sự giàu có.

Không nói gì ở ta hay ở nhiều nước phương Đông. Bắt đầu thế kỷ 20, sự phát triển tốc độ cao của khoa học hiện đại đã tạo những tiền đề cho sự phát triển “nhãn tiền” của một nền kinh tế khá giả.

 Ngay tại một số nước phát triển, loài người hình như vẫn còn bỡ ngỡ trước hình ảnh một cuộc sống giàu có. Những khái niệm xã hội học phổ biến thời này như xã hội tiêu dùng (société de consommation) và xã hội lãng phí (société de gaspillagé), theo tôi đều xuất phát từ góc nhìn của sự nghèo khổ.

Trong lịch sử nhân loại giàu có thường đi kèm với sự đồi bại, trụy lạc.
Khi đế chế La Mã phát triển tới tột cùng giàu sang của nó, người ta chứng kiến một thực tế thật rợn người.

Các nhà quý tộc của một nền văn minh rực rỡ bắt đầu chìm đắm trong một sinh hoạt hết sức xa hoa và thú vật. Nó còn đi xa hơn thơ Đỗ Phủ rất nhiều: “Trong nhà rượu thịt ôi / Đầy đường người chết đói”.

Giới nhà giàu La Mã nằm ăn suốt ngày (Người La Mã có thói quen nằm ăn). Những ông lang thuốc tiêu hóa phất lên như diều, người ta đua nhau uống thuốc tiêu để giúp dạ dày thải nhanh đầu ra, giúp đầu vào tiếp nhận hàng mới.

 Thậm chí người ta còn sáng tạo ra những chiếc bô mỹ thuật hết ý hiện diện trong hầu hết các bữa tiệc để thực khách có thể móc cổ nôn một cách thoải mái(!) chuẩn bị cho một “tăng” khác. Và chính sử gọi đó là thời kỳ đồi trụy của nền văn minh La Mã.

Aniban là một vị tướng khét tiếng thành Cartagiơ từng làm rung chuyển cả đế chế La Mã. Việc trú quân hơi lâu ở Capu, nơi thừa mứa rượu ngon và gái đẹp đã đánh bại đoàn quân bách thắng này. Và trong ngôn ngữ văn học “Những khoái lạc thành Capu” đồng nghĩa với sự hư hỏng và đồi bại trong hưởng thụ.

Không phải trong lịch sử, loài người không nghĩ đến một cách đẹp trong tiêu dùng, nói một cách lý luận hơn là một văn hóa tiêu dùng.

Thời trung cổ, bên cạnh hình ảnh oai phong lẫm liệt của người Hiệp sĩ “thanh gươm, yên ngựa” là hình ảnh hào hoa, và tao nhã của người Mạnh Thường Quân chiêu hiền đãi sĩ.

Ở thời đại công nghiệp của chúng ta, bên cạnh hình ảnh những ông vua tập đoàn dầu lửa, tài chính, bất động sản “giàu nứt đố đổ vách” mắc bệnh cuồng đôla là hình ảnh văn minh sang trọng của những quỹ văn hóa lớn: Quỹ Nobel của ông vua thuốc nổ, quỹ Rockfeller, Carnegie…

Tôi rất ngạc nhiên và thán phục khi được đọc trong chương trình tài trợ của Quỹ Rockfeller có ghi khoản tài trợ cho một nhà khoa học nghiên cứu bướm Nam Mỹ trong ba năm, với số tiền hàng trăm vạn đôla.

Người ta không thể không nhắc tới ở đây quỹ Bill Gates – một quỹ từ thiện và tài trợ khoa học trên quy mô toàn thế giới. Mặc dầu vậy, nó vẫn không chứng tỏ rằng nền văn hóa tiêu tiền đã có một truyền thống vững chắc và phổ biến cần thiết.

Bài này không phải nhằm phân tích và phê phán những quỹ tài trợ của các Mạnh Thường Quân mà chỉ muốn nhấn mạnh đến một điểm: Khi xã hội đã bắt đầu giàu có, một vấn đề bức thiết cần được đặt ra là xây dựng một cách tiêu tiền đẹp hay là xây dựng một nền văn hóa tiêu tiền cho những doanh nhân.

Một nhà thơ già nói về văn hóa tiêu tiền thoạt nghe như một nghịch lý lố bịch. Túi anh chỉ toàn chữ, tiền nhiều lắm cũng chỉ dăm bảy trăm nghìn đồng còm, anh biết cái gì mà tiêu đẹp hay tiêu xấu.

Đúng là nhà thơ không có tiền, nhưng ngược lại nhà thơ có một khả năng đặc biệt mà người ta thường gọi là hóa thân. Giới phê bình đã từng nức lời khen một nhà thơ đồng dao: “Ông ấy không phải là sâu bọ mà nói còn thật và hay hơn sâu bọ(!)”. Thì lẽ dĩ nhiên.

Người ta không nên quên rằng tác phẩm xuất sắc nhất của một nhà văn Việt Nam trứ danh là một truyện nói về loài Dế Mèn.

Đã lâu lắm rồi tôi không gặp lại ông Lê Lựu – Giám đốc văn hóa của giới doanh nhân, tôi muốn nhắn khẽ ông: “Liệu có nên tổ chức một cuộc trao đổi nhẹ trong giới về thể loại đẹp đặc biệt này – cái đẹp tiêu tiền?”.

 Nhà thơ Lê Đạt

 

 


From the same category