Tiêu cực tại Công ty cho thuê tài chính 2: Hàng trăm tỉ đồng bốc hơi

Tiêu cực tại Công ty cho thuê tài chính 2: Hàng trăm tỉ đồng bốc hơi
Minh họa: DAD

Theo kết luận điều tra, trong năm 2008 và 2009, lãnh đạo ALC II câu kết với cấp dưới và người ngoài ký kết 10 hợp đồng cho thuê tài chính khống để rút 785 tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 523 tỉ đồng.

Từ sai phạm này, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 11 bị can, gồm: Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc ALC II), Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó tổng giám đốc ALC II), Phạm Xuân Nghị (nguyên Trưởng phòng Cho thuê ALC II), Tôn Việt Quang (nguyên Phó phòng Cho thuê ALC II), Nguyễn Văn Thọ (nguyên Phó phòng Cho thuê ALC II), Lê Thị Tám (nguyên Phó phòng Kế toán ALC II), Hoàng Quốc Thịnh (cán bộ Phòng Cho thuê ALC II), Đặng Văn Hai (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Quang Vinh), Lê Văn Phong (Tổng giám đốc Công ty CP Hàm Rồng), Phạm Minh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Xuân Việt) và Khương Minh Hiệp (Giám đốc Công ty Đại Phú Gia).

Đây mới chỉ là một phần nhỏ trong sai phạm tại ALC II mà cơ quan công an vừa bóc tách.

Cần cẩu 30 tỉ thành 93 tỉ

Trong quá trình điều hành ALC II, Vũ Quốc Hảo đã để doanh nghiệp lâm vào cảnh thua lỗ, nợ xấu gây khó khăn cho việc cổ phần hóa. Với mục đích giảm tỷ lệ nợ xấu, đạt chỉ tiêu lợi nhuận để nhanh cổ phần hóa, Hảo đưa ra chủ trương cho cán bộ ALC II và người quen ở ngoài tiến hành huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng và doanh nghiệp để được hưởng chi phí hoa hồng cao. Khi huy động được vốn, Hảo bàn bạc với các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần cùng nhau ký kết các hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng mua bán khống để rút tiền thanh toán cho các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp tại ALC II; đồng thời đầu tư vốn cho doanh nghiệp là bạn bè thân thiết của Hảo kinh doanh và sử dụng cho công việc cá nhân.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì công ty cho thuê tài chính xem xét quyết định cho thuê tài chính đối với bên thuê trên cơ sở đánh giá tính khả thi hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của bên thuê. Tuy nhiên, qua xem xét 9 hợp đồng đã ký kết với Công ty Quang Vinh, Công ty CP Hàm Rồng, Công ty thương mại và dịch vụ Xuân Việt cho thấy có nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Trong số này, Đặng Văn Hai, 55 tuổi, ngụ tại Q.1, TP.HCM đã lập ra 6 doanh nghiệp, tự mình và người thân đứng ra quản lý điều hành. Giữa Hai và Hảo đã ký kết một số hợp đồng với lý do doanh nghiệp của Hai được Chính phủ giao cho dự án lớn tại Cần Thơ nên cần phải ký các hợp đồng cho thuê tài chính với ALC II để thực hiện dự án. Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy lý do trên là không có cơ sở, thực chất Hai và Hảo có mối quan hệ bạn bè làm ăn với nhau và việc ký kết các hợp đồng vi phạm nhiều quy định pháp luật.

Đơn cử, trong hợp đồng số 35 ký kết ngày 23.4.2008, Hai đã “đạo diễn” mua một chiếc cần cẩu bánh xích giá 30 tỉ đồng rồi phù phép hóa đơn chứng từ thành 93 tỉ đồng và nhanh chóng được ALC II thanh toán mà không phải trải qua các khâu thẩm định. Trong thương vụ này, cá nhân Hai được hưởng hơn 49 tỉ đồng, Hảo được hưởng 3 tỉ đồng. Mặc dù hợp đồng ký kết, tiền đã chuyển nhưng chiếc cần cẩu sau đó cũng không được bàn giao về cho ALC II như cam kết.

Xem tiền nhà nước như của riêng

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định trong nhiều hợp đồng mua bán, cho thuê tài chính khác, ALC II phải thanh toán cho đối tác hàng trăm tỉ đồng nhưng sau đó đối tác không thực hiện hợp đồng, không bàn giao tài sản trở lại gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước. Sở dĩ có tình trạng này là do Vũ Quốc Hảo đã tự ý cho phép khách hàng không thực hiện hoặc gia hạn nghĩa vụ đặt cọc ký cược khi giao kết hợp đồng (với Công ty Quang Vinh), cho phép Công ty TNHH Hải Hà nợ tiền đặt cọc do khó khăn về tài chính…

Năm 2007, trong quá trình ký kết các hợp đồng cho thuê tài chính, doanh nghiệp tư nhân Anh Phương còn nợ ALC II khoản tiền 11,6 tỉ đồng. Ban đầu, ALC II thu hồi các tài sản của doanh nghiệp Anh Phương gồm xe cẩu, ô tô các loại để thu nợ nhưng sau đó cho doanh nghiệp này bán thanh lý để lấy tiền trả nợ. Số tài sản này sau đó được bán với giá 7,5 tỉ đồng, doanh nghiệp Anh Phương trả cho ALC II 6 tỉ đồng, 1,5 tỉ còn lại trả sau. Nhưng sau đó, Vũ Quốc Hảo không những không đòi khoản tiền thiếu mà còn cho lại chủ doanh nghiệp Anh Phương 2 tỉ đồng. Số còn lại Hảo không nhập quỹ mà sử dụng vào mục đích cá nhân.

Theo cơ quan điều tra, trong vụ án này Vũ Quốc Hảo có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Riêng trong 9 hợp đồng ký khống, Hảo đã chiếm hưởng cá nhân gần 79 tỉ đồng, Đặng Văn Hai đã chiếm hưởng cá nhân hơn 127 tỉ đồng. Vũ Quang Hảo phải chịu trách nhiệm hình sự về thiệt hại gần 445 tỉ đồng.

 

Xem xét trách nhiệm lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn

Liên quan đến sai phạm tại ALC II, hồi tháng 4.2011, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước VN kết luận, tổn thất tại ALC II ước tính là 4.689 tỉ đồng. Trong đó, riêng việc cho vay đối với 6 nhóm khách hàng gây tổn thất 1.846 tỉ đồng. Trong kết luận điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng cho rằng, đối với hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý của lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn VN (các chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, ban kiểm soát…) sẽ tiếp tục được xem xét do vụ án có nhiều nội dung phải tách ra. Khi nào có kết luận tất cả các vụ việc sẽ xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

 

Hàng loạt sai phạm khác

Ngoài các hành vi vi phạm nói trên, quá trình điều tra cơ quan công an còn phát hiện nhiều sai phạm giữa Vũ Quốc Hảo, ALC II và các đơn vị có liên quan như: Hảo ký 4 hợp đồng cho thuê tài chính với Công ty cổ phần Phúc Long để rút tiền nhà nước sử dụng cá nhân; Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải thương mại Phương Thao thuê 7 con tàu của ALC II nhưng sau đó bán lại cho các tổ chức, cá nhân khác;… Các vụ việc trên hiện đang chờ kết quả giám định về thiệt hại. Do thời hạn điều tra đã hết nên Bộ Công an và VKSND tối cao tách ra thành các vụ việc riêng để tiếp tục điều tra.

Theo Thanh Niên


From the same category