Tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp chuyển trụ sở về nhà

Vật lộn với tình hình kinh doanh ngày một khó khăn, các doanh nghiệp tìm mọi cách tiết giảm chi phí. Doanh nghiệp lớn thì chuyển từ văn phòng to, đẹp ở vị trí trung tâm sang những nơi nhỏ hơn, chấp nhận xa trung tâm hơn để tiết kiệm. Doanh nghiệp nhỏ thì rủ nhau thuê chung văn phòng hoặc thậm chí chuyển trụ sở về nhà.

Anh Nguyễn Văn Tân, giám đốc một công ty bất động sản đã thuê văn phòng làm việc diện tích hơn 100m2 trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy từ 3 năm nay. Trước đây, công ty làm ăn được thì khoản tiền thuê 10 triệu đồng mỗi tháng không đáng kể gì. Từ năm ngoái đến nay, bên cạnh việc giảm một số chi phí, anh Tân tính đến chuyện cho thuê lại một nửa văn phòng.

Văn phòng của công ty anh Tân được trang bị đầy đủ thiết bị nội thất sang trọng, gồm bàn ghế, tủ tài liệu máy tính, quầy lễ tân. “Nếu đơn vị nào thuê sẽ không phải đầu tư thiết bị, nội thất. Riêng có quầy lễ tân và phòng khách, hai bên dùng chung. Giá thuê mỗi bên còn 5 triệu đồng một tháng”, anh Tân nói.

Anh Tân cho biết, với tình hình làm ăn hiện giờ của công ty thì mỗi tháng tiền thuê 10 triệu đồng là hơi cao. “Trong khi đó, chúng tôi vẫn có thể thu xếp văn phòng gọn hơn để cho thuê một nửa còn lại, tiết kiệm chi phí. Chắc chắn nhiều công ty cũng đang có nhu cầu tương tự”, anh Tân cho biết.

Giám đốc một công ty chuyên về kiến trúc ở quận Hoàng Mai, anh Nguyễn Đăng Khoa cũng đang có nhu cầu tìm người thuê lại một nửa văn phòng. Văn phòng anh Khoa đang thuê rộng 60m2, nằm trên mặt đường lớn. Công ty anh Khoa thành lập từ tháng 8/2011 nên đã đầu tư đầy đủ bàn ghế, điện nước, mạng internet, wifi…

Nhưng một năm qua, kinh doanh khó khăn, ít việc hơn trước, nhân viên cũng phải cắt giảm, vì thế nhu cầu sử dụng văn phòng không còn lớn như trước. Anh Khoa tính kế cho thuê, mới đăng tin trên mạng vài ngày anh đã nhận được rất nhiều lời hỏi thuê.

Ảnh

Nhiều doanh nghiệp tính chuyện thu hẹp văn phòng tối đa để tiết giảm chi phí. Ảnh: Hoàng Lan

Anh Hoàng Văn Vinh, giám đốc một công ty luật lại có một “mưu” khác để cắt giảm khoản thuê văn phòng. Trước đây, công ty đặt trụ sở tại một tòa nhà ngay mặt đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy với giá 12 triệu đồng. Nay anh Vinh quyết định chuyển văn phòng công ty về nhà mình ở Mai Dịch, Cầu Giấy.

Khi trả văn phòng, anh Vinh cho biết còn mất một khoản tiền phạt vì thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Hơn nữa, theo anh Vinh, việc văn phòng công ty chuyển về nhà khá chật chội và bất tiện nhưng để giảm chi phí hoạt động thì không còn cách nào khác. “Mọi năm việc làm không xuể nhưng năm nay mỗi tháng chỉ lác đác vài hợp đồng. Hơn nữa, chủ yếu trong số này là hợp đồng có giá trị nhỏ nên chỉ đủ để duy trì công ty”, anh Vinh chia sẻ.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mọi năm bước sang quý IV là mùa gặt hái thành quả của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm nay tình hình vẫn khá im ắng và cũng không hứa hẹn khả quan hơn trong tháng còn lại của năm.

“Tình hình thế giới cũng như Việt Nam chưa có những căn cứ vững chắc để nói rằng mọi chuyện sẽ lạc quan hơn trong năm 2013. Do đó, trước mắt, điều cần làm của doanh nghiệp là phải tự cứu mình bằng cách cắt giảm tối đa các chi phí”, ông Huỳnh nói.

Theo chuyên gia này, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nút thắt lớn nhất vẫn là lãi suất. “Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu lãi suất cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Nếu điều này không được cải thiện, doanh nghiệp còn tiếp tục gặp khó và số lượng giải thể còn gia tăng”, ông Huỳnh cho hay.

Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội cho thấy 9 tháng đầu năm có hơn 51.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có tới 40.000 đơn vị phá sản, ngừng hoạt động.

Theo VnExpress

From the same category