Tiếng chuông nữ quyền - Tạp chí Đẹp

Tiếng chuông nữ quyền

Sống

Paris mùa đông. Điện thoại nhà tôi đột nhiên reo sớm, dấu hiệu cho biết bên kia đầu dây là người trong nước, hoặc trong nước mới sang. Giọng phụ nữ lập cập nhưng hớn hở: “Cô N. nè. Cô đã qua Pháp, đang ở B. Lạnh quá, nhưng biển B. rất đẹp…”. Trời, đặt máy xuống mà tôi vẫn bàng hoàng: Rốt cuộc cô đã tới trạm đầu của cuộc phiêu lưu!

Cô là cô họ của tôi, dạy tiếng Pháp ở một trường phổ thông tỉnh lẻ. Cô khá đẹp, nhanh nhẹn, chồng mất sớm đã 5 năm do bạo bệnh, con cháu đề huề. Vài năm nay cô hưu trí, sống lất phất bằng nghề dịch thuê. Còn nhớ lần về quê cách đây nửa năm, tôi hơi khó chịu, khó hiểu thấy cô mới xăm môi, cắt mắt. Sau bữa cơm cô kéo tôi ra góc, thì thào hỏi thủ tục kết hôn bên Pháp. Nhìn gương mặt vẫn đang hum húp sưng, tôi truy cô lý do cải tạo nhan sắc, để nhận câu trả lời bẽn lẽn nhưng nghiêm trang: cô mới quen một ông Tây cùng tuổi qua… mạng. Tôi cười rú, không thể hình dung một bà ngoại tuổi 63 tỉnh lẻ, bỗng dưng “đổ đốn”, theo đàm tiếu xôn xao, như vậy. Tôi nghiêm mặt khuyến cáo cô giao du lớt chớt trên mạng coi chừng trớt quớt. Cô nín thinh.

Vậy rồi bây giờ cô đã ở bên Tây, dù một nơi hẻo lánh, đã làm xong thủ tục kết hôn! Cô nói người đàn ông của cô là công nhân về hưu, học ít, tiền ít, nhưng có thể làm bạn đời. Cô nói hàng ngày họ thức dậy, ăn sáng, làm vườn, ăn trưa, nghỉ ngơi, ăn tối, coi ti vi, đi dạo, ngủ… Cô nói hơi đơn điệu nhưng có nhiều thứ lần đầu tiên cô trải nghiệm: thí dụ băng giá, thí dụ câu gọi nóng ấm “Ma pe-tite femme” (Em dễ thương của anh).

Tờ hôn thú chưa hẳn cột chắc cô với, hoặc ông chồng tử tế, nếu cô may mắn, hoặc gã ti tiện, nếu cô xui rủi; cuộc phiêu lưu của cô chưa tới hồi kết, nhưng ít ra cô đã dám làm một việc mà không phải phụ nữ nào cũng dám: Đi ra khỏi lũy tre an phận, một mình, xa tít, khi tuổi xế chiều…

Chị

Chị gọi điện cho tôi vào buổi tối, cũng ở Paris.

Khác cô, chị không phải dân tỉnh lẻ mà ở Sai Gòn; cũng không hoàn toàn vô danh mà là chị của một nghệ sĩ nổi tiếng. Ở tuổi 45, khi niềm hy vọng hôn nhân cầm như nguội tắt, chị được người quen giới thiệu với một ông Tây về hưu. Ông này bay đến Việt Nam, cưới chị, dắt đi nghỉ trăng mật… Đấy là chị kể tôi nghe chứ tôi không có dịp chứng kiến. Nhưng đó chỉ là đoạn mở của câu chuyện, đoạn nối tiếp – cái lý do chị tìm đến tôi – là cuộc sống bất hạnh.

Chị kể, ngay sau khi chị đặt chân tới đất Pháp, đúng hơn, tới căn nhà ngoại ô Paris tum húm, bừa bộn ; ông chồng Tây bảnh bao của chị ở Việt Nam bắt chị phải đi làm “để trả lại” những chi phí mà ông đã bỏ ra cưới chị, từ vé máy bay, quà cáp, tiệc tùng, du lịch… Theo đó, toàn bộ lương giữ trẻ của chị, ông ta lấy tuốt, chỉ đưa chị một ít, thậm ít, để tiêu vặt. Ê chề hơn, ông chồng bảnh bao kia còn hay giấu thức ăn ngon để sử dụng một mình. Chị khóc thầm, khóc trước tôi, nhưng không muốn ly dị, không muốn kể lại với người thân trong nước, sợ họ buồn, sợ mất thể diện…

Bẵng đi mấy năm, bỗng hôm nay chị gọi điện cho tôi, nhờ tìm một việc làm “plein temps” (việc làm cả ngày). Chị nhắc đi nhắc lại “pleine temps”, chứ không phải nửa ngày, thậm chí cả đêm cũng được. Tôi hỏi chị cần tiền đến vậy sao. Chị bảo không, vài năm nay ông ta đã không còn cớ để lấy tiền của chị. “Vậy chị làm việc nhiều để làm gì?”. “Để ít phải ở nhà với ông ta”. Chị trả lời gọn lỏn, hơi cười. Trong câu nói cay đắng mà cương quyết đó, tôi biết chị muốn thực hiện cái quyền duy nhất đang có thể: quyền tránh xa cái cay đắng…

Và em

Có tiếng chuông cửa.

Tôi biết đó là em, vì em hẹn tá túc chỗ tôi mấy ngày sau chuyến công tác châu Âu.

Tôi không thân em, chỉ đơn giản quý nhau qua công việc, cũng không biết rõ lắm đời tư của em, ngoài chuyện con cái em giỏi giang, chồng em là cán bộ doanh nhân nhiệt thành. Trong mắt tôi và nhiều người khác, em sành điệu, tươi tắn, vô ưu, viên mãn; vậy rồi ở chung, tôi mới biết em không hạnh phúc: Em nói em và chồng em có xuất thân quá khác nhau – sự khác nhau, sau những ngày ghìm nén trong gian nan chiến tranh, trong tất bật sinh kế, đã ngồn ngộn bung ra, hiển nhiên, hun hút… Em nói sự khác nhau đã có từ rất sớm, nhưng cả hai cứ cho qua, để khuất qua giữa muôn trùng bổn phận. Bây giờ, khi kinh tế dễ thở, con cái phương trưởng, họ mới nghiệm ra sự lạc nhịp giữa họ là vô phương cứu chữa, rằng cuộc khổ hạnh giữa họ thật ra đã quá trọn, quá dài…

Tôi hỏi vậy mà sao em luôn vui? Em nói em vui vì đã tìm ra quyết sách: đổi quan hệ phu thê thành bạn hữu. Chồng em cũng thuận lòng, và họ đã sống với nhau thuận thảo như vậy mấy năm nay, thậm chí em còn đang lo cưới vợ cho… chồng.

Tôi nhìn em, mang máng con sóng lớn…

Bài: Đạo diễn Việt Linh
Ảnh: S.T

Thực hiện: depweb

07/03/2011, 16:03