Tiền vệ, đội trưởng Đoàn Thị Kim Chi: Tôi vẫn chưa có người yêu - Tạp chí Đẹp

Tiền vệ, đội trưởng Đoàn Thị Kim Chi: Tôi vẫn chưa có người yêu

Bộ Sưu Tập

Là con gái của vùng biển Bến Tre, ngày dài tháng rộng, Chi cứ mãi miết chạy ven bờ biển. Chạy riết rồi Chi bén duyên… điền kinh, rồi được “chiêu” về tuyển điền kinh tỉnh Bến Tre. Nhưng Chi thừa nhận: “Thành tích của tôi kém lắm. Trước, chỉ đạt cấp một, đoạt được vài giải trẻ. Càng lớn, giải thưởng đối với tôi càng xa vời”. Nhưng gắn bó với thể thao, không lẽ lại không có một sự nghiệp, vậy là Chi về Thủ Đức học khoa Điền kinh, đại học TDTT. Tình cờ, thầy trò Chi vào sân bóng Tao Đàn. Lúc đó, Chi chẳng biết gì về bóng đá nữ. Thầy gọi xuống chơi thử, tò mò, thế là Chi xuống sân. Không ngờ sự tò mò đó lại trở thành một định mệnh! Chi thích, rồi đam mê, và bỏ tất cả để chạy theo bóng đá. Sau nhiều lần thử lửa, chẳng còn ai nghi ngờ vào khả năng múa bóng siêu hạng, sự khôn khéo, tốc độ và thể lực tuyệt vời của Chi.

Tại đấu trường SEA Games 21, 22, Chi đã cùng đồng nghiệp làm rạng danh bóng đá nữ Việt. Năm 2004, Qủa bóng vàng bóng đá nữ Việt Nam đã thuộc về Chi. SEA Games 23 vừa qua, một lần nữa, Chi lại cùng đồng đội làm nức lòng người hâm mộ Việt Nam, khi bước lên bục danh dự hôn những chiếc huy chương vàng. Vậy là, sau những cô gái vàng Lưu Ngọc Mai, Hiền Lương, Kim Hồng, Thúy Nga…, Đoàn Thị Kim Chi trở thành thế hệ cầu thủ thứ hai gánh trên vai trách nhiệm, sứ mệnh, niềm tin vinh quang của thể thao nước nhà, góp phần an ủi người hâm mộ trước những nốt trầm đáng buồn của bóng đá nam trong thời gian qua.
 
Thế hệ cầu thủ thứ hai của chị đã được xem là những cầu thủ chuyên nghiệp chưa?

Bóng đã nữ Việt Nam vẫn chưa thể dùng từ chuyên nghiệp. Dù đã được liên đoàn, xã hội quan tâm hơn, nhưng mức độ đầu tư, phát triển còn rất hạn chế. Ngay cả chế độ lương bổng cũng không thể coi là một sự chuyên nghiệp. Một tháng, ở CLB Bóng đá nữ Quận 1, chúng tôi nhận được 1 triệu đồng, nếu lên đội tuyển, thì được 3,3 triệu đồng. Nhưng 1 năm chỉ tập trung tuyển 1 – 2 tháng, cao lắm là 3 tháng. Sau đó tuyển trả về địa phương và lại ăn lương 1 triệu đồng/1 tháng.

Tiền thưởng sau mỗi kỳ SEA Games có đủ để chị hài lòng?

Chúng tôi không được nhận tiền thưởng một lúc. Thường tiền chuyển qua liên đoàn, liên đoàn phân chia rồi đưa cho cầu thủ làm nhiều đợt. Số tiền này cũng khấm khá so với mức sống của CLB. SEA Games 22 giúp tôi mua được chiếc xe Jupiter. SEA Games này tôi đọc báo thấy các doanh nghiệp thưởng cho bóng đá nữ cũng nhiều. Đợt đầu tôi đã nhận được 25 triệu đồng, nhưng vẫn chưa chia hết. Thú thật, những cầu thủ như chúng tôi chỉ mong sớm đến mùa SEA Games, vừa quyết tâm mang lại vinh quang cho đất nước, vừa hy vọng có cơ may được nhận tiền thưởng!

Đặt tiền thưởng sang một bên, với mức lương cầu thủ chị sống thế nào?

Tôi được ăn một ngày hai bữa, nên tiền lương gói gém cũng sống được. Hơn nữa, nhờ tập luyện suốt ngày, nên không có nhiều nhu cầu tiêu tiền. Tuy nhiên, tôi vẫn mong mức lương cao hơn, để chị em có thể dành dụm chút ít lo cho cuộc sống sau này.Vì không phải ai cũng vào được đội tuyển, và không phải đội tuyển sẽ vô địch mãi mãi. Phần tôi thì tạm yên tâm, vì Trung tâm Thể thao Quận 1 vừa nhận tôi vào làm công nhân viên, trước mắt là thu ngân, lương tháng được 800 – 900 ngàn đồng.

Gia đình có chấp nhận nghiệp quần đùi áo số của chị không?

Trước tôi chơi điền kinh, nên xa nhà cũng quen rồi. Ba tôi ủng hộ, chỉ có má là luôn lo lắng cho con gái. Sau SEA Games 21, tôi về nhà, má kể: “Thấy mày té mà má khóc, má xót mày quá”. Từ đó về sau, má không dám xem bóng đá nữa! Mỗi khi tôi đá bóng, má cứ đi lòng vòng ngoài sân, nghe có bàn thắng thì chạy vào ghé mắt xem một chút, chứ không dám ngồi lâu, vì sợ lại thấy cảnh con gái ngã. Tôi thương má, chỉ biết an ủi: “Không sao đâu má, ngã riết con cũng… quen rồi”.

Chị thường làm gì sau mỗi chiến thắng?

Dù vinh hay bại, trước mắt tôi sẽ về nhà. Ở đó có sự bình an cho tôi. Đội tuyển chiến thắng thì ba má còn vui hơn niềm vui của tôi, họ hàng lối xóm đến chúc tụng rôm rã lắm. Còn thất bại, tôi cũng nhận được những lời động viên, chia sẻ chân tình nhất. Nhờ đó, lấy lại cân bằng rất nhanh. Vừa rồi, tôi cũng tranh thủ về thăm nhà được mấy hôm, xa con hoài mà lần nào chia tay má tôi cũng bịn rịn không cầm được nước mắt.

Không được trắng trẻo, xinh đẹp, lại mang dáng dấp nam tính, những thiệt thòi này có làm chị nản không?

Nhiều lúc ra đường, hay đi dự đám tiệc, thấy những phụ nữ trắng trẻo, xinh xắn, ăn mặc thời trang. Nhìn lại mình đen đúa, xấu xí, tướng người cứng như con trai, tôi tủi lắm. Cũng muốn làm đẹp, muốn diện những bộ váy áo thật đẹp. Nhưng nghĩ mình chạy theo người ta, không phù hợp, càng đáng cười hơn. Nhiều người nói tại làm cầu thủ nên xấu, nhưng ngoài Bắc có những cầu thủ rất trắng trẻo, xinh xắn, nữ tính. Tại tôi sinh ra đã xấu và đen rồi. Nhiều khi tôi phải tự an ủi mình: Không đi đá bóng, mình cũng chỉ thế này thôi. Mình phải chấp nhận, như thế mới sống thoải mái được.

Trước khi tập thói quen chấp nhận, sao chị không trang điểm, mỹ phẩm sẽ làm chị xinh hơn?

Ba tôi thể hiện tình thương con gái bằng cách đọc trên báo, thấy có mỹ phẩm nào là khuyến khích tôi dùng. Nhưng tôi có đi đâu ngoài đá bóng, mà đi đá bóng thì trang điểm chẳng để làm gì, nên rất ít khi tôi dùng. Thường chỉ dùng kem dưỡng da để da đỡ bị nổi mụn. Thú thực, những lần đi chợ hay vào siêu thị, thấy bày bán mỹ phẩm, tôi hay tò mò đứng nhìn. Nhưng chỉ nhìn thôi, vì tôi chẳng biết dùng thế nào. Nhìn lại mình, đôi khi tôi có một tâm lí rất lạ, nhưng quay về với hoàn cảnh thực tế, tôi tinh táo ngay. Giờ tôi chỉ nghĩ đến đá bóng và chỉ tập trung vào nó. Mai mốt nghỉ đá bóng, có nhiều thời gian, tôi sẽ nghĩ đến việc làm đẹp.

Chị đã tìm được người đàn ông để chia sẻ những vui buổn của cuộc đời cầu thủ chưa?

Đến bây giờ tôi vẫn chưa có. Không quá nghĩ ngợi về chuyện này, nhưng nhiều người hỏi làm tôi cảm thấy buồn. Tôi nghĩ, tại mình chơi bóng đá, ít tiếp xúc với người khác phái. Người lớn thì nói: “Tại duyên số, có muốn cũng chẳng được. Thôi con cứ tập trung thi đấu tốt, nếu có duyên nó sẽ đến”. Còn ba má tôi thì rất lo lắng. Ba mua mỹ phẩm cho tôi cũng vì thế. Ba nói: “27 tuổi đầu rồi mà vẫn chưa có người yêu. Con phải chịu khó dùng mỹ phẩm cho trắng trẻo, chứ đen đúa thế này thì có thằng nào chịu ngó tới con!”. Tôi chẳng thương mình, nhưng tôi thương ba!

Sao chị không chủ động tìm kiếm tình yêu, khi cơ hội để người đàn ông “tự đến” không nhiều?

Tôi cũng đang mơ ước có một mái ấm gia đình. Tuy nhiên, có bạn trai chia sẻ rất tốt, nhưng chưa có cũng chẳng sao. Sống trong môi trường này, đồng đội, bạn bè tôi rất đông. Bố mẹ lại luôn dành cho tôi những tình cảm tốt đẹp nhất. Nên có vấn đề gì, tôi đã có những chỗ dựa vững chãi!/.

Thực hiện: depweb

17/01/2006, 10:24