Tiến sĩ Phương Mai: Không nội chiến khéo cũng… nghiện Facebook!

 

Hai nhà báo nữ tới Trung Đông

“Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” – dù chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học 2015 Svetlana Aleksievich nói thế (đúng hơn là ước thế), thì chiến tranh vẫn có khuôn mặt phụ nữ, ở góc này hay góc khác. Nên ít nhất, có hai người phụ nữ Việt: 1 nhà báo và 1 “cựu nhà báo” đã đặt chân tới một phần của Trung Đông, nơi bản tin thời sự lắm lúc cũng đồng thời là bản tin chiến sự.

Cùng một điểm đến, nhưng lộ trình và mục đích của họ hoàn toàn khác nhau: Nếu như lựa chọn của nhà báo Lê Bình cùng cộng sự của chị ở Trung tâm Tin tức VTV24 (trong vòng 12 ngày tại các trại tị nạn thuộc biên giới Syria – Liban, Hy Lạp – Macedonia) là xoáy vào một điểm nhấn đặc biệt trong lịch sử xung đột đã làm nên cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người kể từ sau Thế chiến II, thì lộ trình của Tiến sĩ/“cựu nhà báo” Phương Mai (trong vòng 8 tháng tại 13 nước Trung Đông, khi nơi đây vẫn đang nghi ngút khói lửa chiến tranh hậu Mùa xuân Ả Rập) lại là lần theo một dải văn minh kéo dài suốt mấy thế kỷ.

Những trải nghiệm dũng cảm cuối cùng cũng đã mang tới cho họ “khúc khải hoàn”: Chương trình “Tạp chí Kinh tế cuối năm” cùng bộ phim tài liệu “Hành trình của sự sống và cái chết” (phát sóng cuối năm 2015 và đầu năm 2016) đã được coi là một chương trình truyền hình gây ấn tượng mạnh; còn “Con đường Hồi giáo” của Phương Mai (riêng dành 16 kỳ trên Đẹp trước khi xuất bản thành sách, năm 2014) thì được cho là một cuốn du ký đáng đọc, thuộc hàng của hiếm.

Những chuyến đi và thành quả là mơ ước với bất kỳ nhà báo nào còn tâm huyết với nghề…

Đọc thêm:  Nhà báo Lê Bình: Còn một Trung Đông khác!

“Lý do đến Trung Đông của tôi thật ra… rất phù phiếm”

– “Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy” – “Con đường Hồi giáo” (CĐHG) của chị đã đi theo trình tự ấy. Còn với nhà báo Lê Bình cùng cộng sự thì lại là lần theo hành trình tha hương của những người tị nạn Syria. Nếu đến Trung Đông ở thời điểm này, lộ trình của chị liệu có thay đổi theo hướng đó?

– Chắc chắn không, vì đây là hai lộ trình hoàn toàn khác nhau về cả mục đích, quỹ đạo thời gian và cung độ tình cảm.

Lộ trình của Lê Bình và cộng sự là lộ trình của một điểm nhấn đặc biệt trong lịch sử xung đột, với mục đích báo chí và chịu ảnh hưởng của cơn khủng hoảng tị nạn đang làm cả thế giới đau đầu. Lộ trình của tôi là một dải văn minh kéo dài vài thế kỷ. Trong quá trình hình thành dải văn minh ấy, có hàng ngàn cuộc xung đột đẫm máu nhưng cũng có hàng ngàn nét văn hóa tuyệt đẹp được chuyển giao từ vùng đất này đến vùng đất khác, có hàng triệu người chạy tị nạn và chết thảm nhưng cũng có hàng triệu kẻ tự nguyện tìm đến quê hương mới hào hứng lập nghiệp, có rất nhiều độc tài nhưng cũng có vô số những
anh nhân…

Mục đích của Lê Bình và ê kíp là để thông tin khách quan và kịp thời cho độc giả về một sự kiện. Còn mục đích của tôi, nói thật ra, ngay từ đầu chỉ là sự tò mò cá nhân vô cùng phù phiếm. Khi đã viết thành sách rồi, tôi mới thực sự nhận thấy ý nghĩa của chuyến đi. Một cách tình cờ, bức tranh bao quát mà tôi vẽ ra trong CĐHG đã góp phần giúp rất nhiều bạn đọc có cái nhìn  tổng thể hơn trong việc lý giải sự tàn khốc của những điểm nhấn sự kiện mà Lê Bình và cộng sự đã cất công lột tả. Ngược lại, phóng sự của Lê Bình giúp bạn đọc của tôi có cái nhìn sâu hơn về một điểm dừng trong hành trình CĐHG.

– Nếu như chị đến Trung Đông trong tâm thế “lên đường như một tờ giấy trắng, với khao khát được phủ kín, được lấp đầy” thì nhà báo Lê Bình lại nói với tôi rằng họ lên đường với một tờ giấy chi chít gạch đầu dòng, nhưng sau đó, nhiều gạch đầu dòng trong đó đã bị thay thế. Với “tờ giấy” nào thì theo chị sẽ nhìn thấy Trung Đông được rõ hơn, và đúng là nó hơn?

– Cả hai. Đặt chân lên một vùng đất mới thì cái đầu phải nạp kín thông tin, nhưng đồng thời trái tim phải được lộn trái ra, rũ bỏ sạch định kiến. Làm được điều này rất khó, vì thông tin luôn dẫn đến định kiến. Nếu bạn đọc được một câu chuyện nói rằng nhà độc tài Assad thực ra là vị cứu tinh của các sắc dân thiểu số, một cách máy móc, bạn sẽ dần dần hình thành một cảm xúc yêu ghét đối với ông ta. Chính vì thế, tôi luôn cố gắng đọc thật nhiều các tư liệu đối đầu. Những gạch đầu dòng của tôi luôn chọi nhau chan chát. Đó cũng là một cách để trái tim cảm thấy “khó hiểu” và làm chậm dần quá trình hình thành định kiến. Assad xấu hay tốt, cứ đọc thật nhiều vào, rồi khi đặt chân đến Syria kết luận sau cũng chưa muộn.

– Chị từng khẳng định: “Trung Đông không chỉ có thuốc súng mà còn có phấn hoa, không chỉ có chiến trận mà còn có dạ vũ hoan ca”. Và giễu cợt: “Một nhà báo bất thần buổi sáng thức dậy thấy mình ở Trung Đông sẽ hỏi: Đêm qua có nổi dậy không? Có ai bị ném đá hay treo cổ không? Không có à? Chán nhỉ!”… Trong khi, chiến sự và cuộc sống khốn khổ của những người Syria tị nạn lại là bức tranh chính được đặc tả trong “Hành trình của sự sống và cái chết”…

– Tôi cho rằng từ Trung Đông trong câu trích không thể dùng trong văn cảnh này. Trung Đông bao gồm 22 quốc gia, kéo dài cả nửa vòng trái đất, vắt qua ba châu lục. Nếu để thực sự hiểu Trung Đông thì ít nhất phải hiểu được Trung Đông rộng lớn, đa sắc màu như thế nào. Sản phẩm của Lê Bình và cộng sự có tiêu điểm là Syria và con đường của người tị nạn Syria, chứ không phải là toàn bộ Trung Đông. Việc đánh đồng Syria với Trung Đông sẽ làm tồi tệ thêm định kiến mà chúng ta đang có về vùng đất rộng lớn này.

Chúng ta nghĩ sao nếu cả thế giới nhìn vào xung đột tôn giáo ở Myanmar, nơi tín đồ Phật giáo đàn áp người Hồi và cho rằng Châu Á tràn ngập bạo lực? Tôi đã viết lại trong sách câu chuyện về những cuộc chơi bời nhảy nhót thâu đêm ở Damascus khi trên màn hình ti vi có cảm giác như cả Syria đang bốc cháy. Điều đó để nói rằng ngay tại Syria thì không phải cứ ra đường là ăn đạn vào đầu. Một vết thương rỏ máu cần chữa trị nhưng không có nghĩa là cả thân người nát bét không còn chỗ nào lành lặn. Lê Bình và ê kíp có sứ mệnh đặc tả vết thương thì đương nhiên sản phẩm của các bạn ấy sẽ khác với sản phẩm của tôi: cố gắng bình thản đi qua cả những vết thương và những thịt da hoa phấn tích tụ từ khởi nguyên của một tôn giáo.

“Sự khổ cực của kẻ khác không thể là cái cớ vuốt ve bản thân”

– Điều Lê Bình mong muốn nếu còn có dịp trở lại là được… phỏng vấn Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nếu chị có cơ hội đó, chị sẽ sử dụng nó thế nào?

– Tôi tò mò về Assad đã lâu vì có rất nhiều bạn bè căm ghét và tôn thờ ông ta. Assad xuất thân người Hồi dòng Alawite, được coi là một nhánh của Shia, thống trị một đất nước mà 80% là người Hồi dòng Sunni. Nhờ Assad mà người Alawite chấm dứt hàng trăm năm bị xua đuổi. Nhưng giờ đây, cũng vì Assad mà 1/3 đàn ông Alawite chết trận. Người Alawite sợ rằng nếu Assad sụp đổ thì họ sẽ bị đa số Sunni trả thù nên cả những kẻ không trung thành với Assad cũng không còn con đường nào khác là cầm súng bảo vệ ông ta. Tuy nhiên, họ có gan bảo vệ ông ta đến người Alawite cuối cùng không? Không! Vì mục đích bảo vệ ông ta là để bảo vệ giống nòi Alawite. Nếu được hỏi ông ta một câu, có lẽ là: “Ông nghĩ sao nếu cộng đồng Alawite tuyên bố hy sinh ông để tránh thảm họa diệt vong cho cả dòng tôn giáo?”.

– Những bãi biển chất đầy áo phao là hình ảnh thương tâm về hành trình tị nạn của người Syria. Nếu so sánh nó với những bãi biển bị ô nhiễm vừa qua tại miền Trung nước ta, hay những bãi biển đầy rác sau mỗi kỳ nghỉ lễ ở Việt Nam, chị sẽ nói gì?

– Nhìn từ trên cao xuống, bãi biển và sa mạc là những tấm canvas lớn nhất của quả địa cầu. Những niềm vui hay đau thương mà loài người chúng ta gây ra cho nhau sẽ lộ nguyên hình một cách rõ ràng nhất, bi tráng nhất trên những khung tranh khổng lồ này, nơi chỉ có cát làm nền và không còn gì có thể giấu giếm. “Loài người là sinh vật viễn thị” (châm ngôn). Chúng ta từ chối nhìn thấy vấn đề khi nó xảy ra ngay bên. Chỉ khi lùi ra xa, bị đập vào mắt cả một mênh mang là cát trắng và chết chóc thì ta mới chịu giật mình.

– Vui vì biết rằng… ở đâu đó còn có ai đó khổ hơn mình – Cảm giác đó theo chị là tích cực, hay ngược lại, nếu nhìn từ Trung Đông?

– Tôi cho rằng nó là một liều thuốc an thần. Thuốc an thần thì chỉ có tác dụng ngay lúc đó thôi, chả ai muốn cả đời uống thuốc an thần mà sống an nhiên cả. Với cá nhân mình, sự sung sướng của bản thân không có nghĩa là tôi dừng đấu tranh cho những quyền lợi mà mình xứng đáng được hưởng. Tương tự, sự khổ cực của kẻ khác không thể là cái cớ để ve vuốt cho bản thân tự hài lòng. Cuộc sống lúc nào cũng có thể đẹp hơn, tốt hơn. Và bất công, dù ít hay nhiều, đều cần phải được chỉ đích danh, bất kể bất công đó xảy ra với kẻ tỉ phú hay hạng bần cùng.  

– Lê Bình và cộng sự chỉ có 12 ngày ở Trung Đông, nhưng chị thì có tới 8 tháng. Độc thân quả là dễ xoay trở?

– Tuy không vướng bận con cái nhưng tôi cũng có gia đình và những người yêu thương. Con cái đâu phải là cái túi đựng tất cả tình yêu trên đời này? Đặt chân lên các vùng đất có chiến sự, ai cũng sẽ phải tự hỏi mình: “Nếu mình có mệnh hệ gì thì hậu quả sẽ ra sao?”. Vì vậy, điều quan trọng là tâm thế của chính mình thôi.

– Khoảnh khắc khiến chị sợ hãi nhất ở Trung Đông là gì?

– Là lần bị giật mất túi ở Syria. Kẻ giật túi là hai di dân người Liban. Những người dân sống ở khu phố cổ đã bắt được kẻ cướp, thậm chí đòi cắt tóc cho chừa, may mà tôi ngăn kịp. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu họ báo cảnh sát thì họ lại xin cho kẻ phạm tội, với lý do rằng chúng còn trẻ thế, vào tù sẽ hỏng thêm ra. Tôi đã rất xúc động trước “phiên tòa nhân dân” đầy tình người này.

– Trung Đông liệu đã giúp chị trả lời câu hỏi: “Bạo lực sinh ra từ đâu?” chưa?

– Bạo lực và căn nguyên của nó chưa bao giờ là mục đích tìm hiểu của tôi.
 
– Chị có nghĩ rằng, vẫn còn một “Trung Đông” khác trên Facebook – nơi cũng đầy rẫy “tên rơi đạn lạc” được bắn ra bởi những “quan tòa bàn phím”, và những đứa trẻ đôi khi thiếu bố thiếu mẹ chỉ vì họ là những… “con ghiền Facebook”? 

– Tôi cho rằng đây là sự so sánh khập khiễng. Cuộc chiến ở Syria là cuộc chiến của máu thật, của chết thật, của đói ăn thật, của những gia đình tan nát thật sự và những linh hồn mãi mãi không thể trở về trần gian. Facebook dù có là chốn thị phi đến mấy nhưng so với Syria thì vẫn là thiên đường.

Chúng ta không nên quên rằng nếu Syria không bị xé toang bởi nội chiến thì tại chính nơi đây cũng sẽ có những đứa trẻ thiếu cha mẹ trong bữa ăn vì cả nhà cắm đầu vào Facebook.

 Về “quan tòa bàn phím”, người Ả Rập còn khoái cãi nhau, tranh luận và làm điều đó hăng hái, kích động gấp nhiều lần dân Việt Nam. Ngạn ngữ Ả Rập có câu: “Tôi chống lại con trai tôi. Tôi và con trai tôi chống lại thằng cháu họ”. Tôi nghĩ chẳng ai dám hỏi những người dân Syria xem họ chọn cuộc sống nào: Tên rơi đạn lạc, gia đình tan tác như bây giờ, hay cãi nhau, chửi nhau, căm ghét nhau trên Facebook… 

– Chị còn nợ Trung Đông gì không?

– Tôi còn một nửa cung đường mà các chiến binh Hồi giáo tỏa ra từ Saudi sang phía Đông, qua Iraq, Iran, Trung Á, Pakistan. Đây là một chuyến đi dài và tôi đang tìm kiếm tài trợ cho chuyến đi này.

– Với Lê Bình và cộng sự, Trung Đông là “hành trình của sự sống và cái chết’. Với chị thì sao?

– Nếu tôi tác nghiệp với tư cách nhà báo, hẳn tôi cũng cho rằng Syria là hành trình của sống và chết. Tuy nhiên, một lát cắt lịch sử chắc chắn phải khác với một bức tranh tổng thể. Với tôi, sau 8 tháng qua 13 nước Trung Đông, vùng đất này đọng lại trong tôi vẫn là một bản giao hưởng đa sắc màu, không chỉ có thuốc súng mà còn có phấn hoa, không chỉ có chiến trận mà còn có dạ vũ hoan ca…

Thực hiện: Thủy Lê

logo


From the same category