Tham gia “Vợ ba” với nhiều cảnh nhạy cảm khi mới 13 tuổi, diễn viên Trà My đã trở thành đề tài tranh luận không hồi kết. Một phần dư luận ủng hộ em bởi sự hi sinh vì nghệ thuật, nhất là khi Trà My hoàn toàn tự nguyện và mẹ em khẳng định không có dư chấn tâm lí nào sau bộ phim. Tiến sĩ Hà Thanh Vân đã chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này.
Trên thế giới, có rất nhiều trường hợp tương tự và đạo diễn đã chọn cách xử lý khác. Nhiều bộ phim nổi tiếng do một phần vì diễn viên đóng cảnh nhạy cảm khi ở lứa tuổi thiếu niên, nhưng thật ra không hẳn vậy. Bộ phim “Taxi Driver” có những cảnh nhạy cảm do Jodie Foster đóng khi cô mới ở tuổi 14, vào vai một gái điếm. Bộ phim được khen ngợi và Jolie Foster được về cử giải Oscar ở hạng mục “Diễn viên phụ xuất sắc nhất”. Nhưng ít ai biết là vào thời điểm năm 1976, khi làm bộ phim này đạo diễn đã cho Connie Foster, chị gái của Jodie, sinh năm 1955, đóng thế Jodie trong các cảnh bạo lực và nhạy cảm.
Cũng có những trường hợp đạo diễn cho diễn viên tự đóng cảnh nóng như phim “Hounddogs” của đạo diễn Deborah Kampmeier. Trong phim, có phân đoạn nữ diễn viên Dakota Fanning bị cưỡng bức. Khoảnh khắc đó được thể hiện bằng biểu cảm gương mặt của diễn viên và tay của cô. Tuy nhiên, nó vẫn gây ám ảnh bởi Dakota mới chỉ 12. Bộ phim đã bị ra tòa, nhưng tòa xử là bộ phim không vi phạm luật vì đáp ứng được tiêu chí về luật chống khiêu dâm trong điện ảnh.
Tương tự như thế bộ phim “Lolita” dựa theo tác phẩm của nhà văn Vladimir Nabokov cũng bị lên án vì diễn viên Dominique Swain 14 tuổi trong vai cô bé Lolita đã trực tiếp thực hiện nhiều cảnh quay nhạy cảm. Danh sách những diễn viên nhí đóng cảnh nóng còn dài với những cái tên như Drew Barrymore khi chưa tròn 17 tuổi với phim “Poison Ivy”, David Bennet 12 tuổi với phim “The Tin Dum” – bộ phim này đã bị nhiều quốc gia cấm chiếu…
Vậy Hollywood đã có những chế tài gì trong trường hợp diễn viên nhí đóng cảnh nhạy cảm? Nghiệp đoàn diễn viên màn ảnh Mỹ (SAG), Hiệp hội công bằng diễn viên (AEA) và Luật phòng chống khiêu dâm trẻ em của Mỹ quy định rất rõ: Trước hết diễn viên nhí đóng những cảnh nhạy cảm phải được cha mẹ hay người giám hộ ký cam kết đồng ý. Nhưng cam kết này là chưa đủ. Diễn viên nhí chỉ được phép đóng cảnh ẩn dụ khi quay cảnh quan hệ tình dục. Nếu có quay trực tiếp các bộ phận cơ thể thì phải có người đóng thế, tương tự như trường hợp của Jodie Foster trong phim “Taxi Driver”.
Hàn Quốc có những luật lệ nghiêm minh đối với việc sử dụng trẻ em trong ngành công nghiệp giải trí. Chính phủ đã ban hành luật bảo hộ lao động cho các nghệ sĩ dưới 12 tuổi. Ví dụ một điều khoản nghiêm khắc là diễn viên chưa đến 12 tuổi thì không được phép tham gia bất kỳ các hoạt động sau 10 giờ đêm. Nhiều bộ phim của Hàn Quốc đã bị công chúng chỉ trích vì để diễn viên nhí tham gia đóng cảnh nhạy cảm như “Mây họa ánh trăng”, “Missing You”. Dù thực tế là chỉ đóng qua những hình ảnh ẩn dụ, hoặc qua lời kể của nhân vật.
Một ví dụ tiêu biểu ở Trung Quốc là bộ phim “Thiên dục” do Lý Tiểu Lộ đóng khi mới 16 tuổi. Ngay lập tức bộ phim đã dấy lên một làn sóng chỉ trích kịch liệt. Cục Điện ảnh Trung Quốc cấm chiếu bộ phim này, đạo diễn Trần Xung nhận hình phạt cấm làm phim 3 năm.
Ở Việt Nam ngành công nghiệp giải trí vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ nhưng phát triển rất nhanh. Vì thế, luật pháp không theo kịp với đà phát triển. Luật Điện ảnh và Luật Trẻ em vẫn không có điều khoản nào liên quan trực tiếp đến trường hợp gây tranh cãi này. Mà khi không có luật thì chắc hẳn mọi việc còn bị tranh cãi dài dài. Vậy điều quan trọng nhất bây giờ là cần có luật pháp nghiêm minh để làm cơ sở cho việc thực hiện các bộ phim tương tự tiếp theo. Nên chăng ngoài sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ, luật pháp Việt Nam rất cần những quy định cụ thể trong trường hợp này.
Theo như khẳng định của nữ đạo diễn Ash Mayfair (tên thật Nguyễn Phương Anh) và mẹ em Trà My thì bộ phim “Vợ ba” được quay với sự đồng thuận của cả hai bên và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhưng đây là là lời khẳng định một chiều từ phía chủ quan. Với quan niệm đạo đức của người Việt Nam, với việc xã hội Việt Nam đang lên án gắt gao hiện tượng ấu dâm, thì dù là các công tác ở phim trường được kiểm soát kĩ lưỡng lẫn sự đồng thuận từ tất cả các bên, đoàn phim vẫn phải đối mặt với dư luận công chúng.
Bởi lẽ không phải công chúng nào xem phim cũng với con mắt của người yêu nghệ thuật, mà còn có những người đi xem vì tò mò với những cảnh phô thân thể của diễn viên, thậm chí còn đưa ra bình luận ác ý, tiêu cực. Việc nhà sản xuất bộ phim gửi công văn cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xin ngừng chiếu bộ phim này có lẽ là do không chịu nổi sức ép từ dư luận.
Nên chăng việc để cho diễn viên nhỏ tuổi đóng cảnh nhạy cảm cần cân nhắc triệt để và cũng không nhất thiết phải sử dụng chính những diễn viên này, mà nên sử dụng những diễn viên thay thế như là biện pháp thông thường ở Hollywood. Nếu như vậy, bộ phim “Vợ ba” hẳn sẽ nhân văn hơn trong quá trình làm phim và lấy được sự tán thưởng của công chúng nhiều hơn.