Tiến Sĩ Đặng Hoàng Giang: Đám đông đang trả thù - Tạp chí Đẹp

Tiến Sĩ Đặng Hoàng Giang: Đám đông đang trả thù

Giải Trí

Công lý không thuộc về đám đông giận dữ

Cộng đồng mạng đang bị cuốn theo cơn bão lên án nạn ấu dâm, đến mức có người còn ví von như thể đó là trào lưu?
Rõ ràng chúng ta cần lên tiếng về những vấn đề nổi cộm của xã hội. Mạng xã hội là kênh mở để mọi người thể hiện ý kiến.

Nhưng tôi thấy việc share (chia sẻ) và like (thích) chỉ là trào lưu nhất thời. Tôi e rằng, ấu dâm sẽ như các vấn đề xã hội trước đây, bị phủ lên bởi một bức màn im lặng.

dang-hoang-giang-2

Nhưng cơn giận dữ này cũng mang lại hiệu ứng tích cực đấy chứ, như nghi án tại Vũng Tàu nhờ có cộng đồng mạng mà không bị “chìm xuồng”?
Có, nhưng khi đẩy xa hơn, chúng trở thành phản ứng cực đoan, bạo lực trên mạng, vi phạm tới nhân phẩm và quyền riêng tư của các cá nhân khác, kể cả nghi can lẫn không nghi can.

Tại sao cộng đồng mạng lại cho mình quyền phán xét của tòa án?
Họ giận dữ bởi sự chậm chạp của các cơ quan chức năng. Nhưng công lý chưa bao giờ thuộc về đám đông cuồng nộ. Ngoài ra, những chửi bới, vu khống cá nhân còn làm ảnh hưởng đến tính chính danh và uy tín của các cá nhân, tổ chức đang bền bỉ chống lại vấn nạn này.

Tha thứ để được chữa lành vết thương

Theo anh, sự cuồng nộ này sẽ ảnh hưởng thế nào đến nạn nhân và gia đình họ?

Công lý chưa bao giờ thuộc về đám đông cuồng nộ. Tôi không muốn sống trong một xã hội mà luật rừng ngự trị.

Cơn lốc cuồng nộ có thể tạo ra không khí hoảng sợ, hoang mang trong cộng đồng. Không có một số liệu nào cho thấy số lượng các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam tăng lên trong những năm qua, hoặc chứng tỏ vấn đề này ở Việt Nam phổ biến hơn ở các quốc gia khác.

Ngược lại, sự “lên đồng” của dư luận có thể khiến các gia đình nạn nhân thêm lo ngại trước nỗi nhục nhã mà họ phải gánh chịu, xã hội dán nhãn nạn nhân là “ô uế”. Để bảo toàn danh dự cho gia đình và tương lai đứa bé, họ sẽ im lặng.

dang-hoang-giang-1
T.S Đặng Hoàng Giang cùng vợ và con gái

Nhiều người cho rằng, với tội ấu dâm đừng nhắc đến từ “tha thứ”?
Tôi cho rằng việc coi những người xâm hại tình dục là cầm thú sẽ gây ra tác động tiêu cực. Thứ nhất, phần lớn thủ phạm là người thân quen của gia đình nên nạn nhân sẽ gặp xung đột nội tâm lớn khi buộc phải coi những người này là súc vật. Thứ nữa, sự dán nhãn này cũng trao cho thủ phạm một quyền lực ghê gớm, khiến nạn nhân không có khả năng vượt qua sự ám ảnh.

Nhiều người bị mắc kẹt trong những ám ảnh kinh hoàng đó, theo anh, cách nào để rũ bỏ được bóng ma quá khứ?
Nếu nạn nhân buông xả được, tha thứ được cho người gây hại, thì họ sẽ được chữa lành và thanh thản sống tiếp.

Bạn của tôi, một nữ luật sư, bị cậu mình xâm hại khi cô còn nhỏ. Nhiều năm sau, dù đã lập gia đình, cô vẫn chật vật trong cuộc sống riêng của mình cho tới ngày cô nói: “Cháu tha thứ cho cậu”.

Từ đó, cô rũ bỏ được bóng ma quá khứ, cô tìm lại được khoái cảm khi ân ái với chồng, cô không phải trốn nhà ngoại mỗi dịp Tết nữa, cô có thể nhìn thẳng vào người gây hại một cách mạnh mẽ, ngang bằng.

Thực hiện: depweb

30/03/2017, 09:28