Từ một khám phá tình cờ, Amandine Dabat – hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi – đã dành thời gian nghiên cứu về cuộc đời vị vua yêu nước có số phận lịch sử bi tráng. Từ luận án tiến sĩ đến hai triển lãm tại Pháp, cuốn sách phát hành tại Pháp và Việt Nam, rồi lần này là triển lãm “Trời, Non, Nước” – triển lãm quy mô lớn nhất từ trước đến nay về cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi, Amandine Dabat đã tái xác lập vị trí của vua Hàm Nghi trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.
Lần thứ 2 tổ chức triển lãm các tác phẩm của vua Hàm Nghi tại Việt Nam, điều đó có ý nghĩa như thế nào với bà, trong vai trò một giám tuyển nghệ thuật và một hậu duệ?
Đây là triển lãm đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam dành riêng cho vua Hàm Nghi. Việc được chiêm ngưỡng các tác phẩm gốc của vua Hàm Nghi tại Việt Nam là rất hiếm. Hiện tại, chỉ có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày một bức tranh gốc của ông có tên “Đồi Deli Ibrahim (Algiers)” do con cháu ông trao tặng năm 2024 và một bức sơn dầu khác có tên “Hồ ở dãy Alps” được tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hai năm trước đó.
Luận án tiến sĩ của tôi vào năm 2015 đã xác định vua Hàm Nghi là nghệ sĩ Việt Nam hiện đại đầu tiên. Cho đến thời điểm đó, ông chỉ được biết đến như một vị hoàng đế yêu nước, một anh hùng dân tộc. Là một giám tuyển, tôi rất vui khi được chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình với công chúng Việt Nam và giúp họ hiểu rõ hơn về vua Hàm Nghi trong suốt thời gian bị lưu đày với tư cách là một nghệ sĩ. Vua Hàm Nghi đã dành phần lớn cuộc đời hướng về nghệ thuật và thực sự trở thành nghệ sĩ mặc dù chính phủ Pháp coi ông là một nhân vật chính trị, người Việt Nam biết ông là một ông vua yêu nước, kiên cường. Nghệ thuật trở thành không gian tự do để ông bày tỏ cảm xúc. Xem tranh ông vẽ, ta khó phân biệt được phong cảnh đó là ở Pháp, ở Algeria hay ở Việt Nam. Nó chỉ là một tầm nhìn chung về phong cảnh mà thôi. Đó là cách nhà vua gửi gắm nỗi nhớ khắc khoải về quê hương và cũng là cách ông chọn để bước tiếp.
Là một hậu duệ, tôi coi các tác tác phẩm của ông như những kỷ niệm gia đình, được tạo ra bởi một thành viên trong gia đình.
So với triển lãm vào tháng 5/2022, triển lãm vừa qua tại Huế có quy mô lớn hơn, đồng nghĩa khối lượng công việc của bà cũng nhiều hơn. Bà đã nỗ lực ra sao để thuyết phục các nhà sưu tập tư nhân tham gia vào triển lãm?
Tôi luôn mơ ước được tổ chức triển lãm các tác phẩm của vua Hàm Nghi tại Việt Nam. Nhờ sự giúp sức của Lân Tinh Foundation, đặc biệt là giám tuyển Ace Lê, chúng tôi mới có thể thuyết phục các nhà sưu tập cho mượn tranh trong bộ sưu tập cá nhân của họ. Tất cả những nhà sưu tập này đều là người Việt Nam. Điều này khiến triển lãm trở nên độc đáo, khác biệt so với các triển lãm trước đây tại Pháp. Các tác phẩm này từng được bán đấu giá tại Pháp, nhờ đó các nhà sưu tập Việt Nam phát hiện ra đời sống nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Họ quyết tâm mua lại và đưa chúng hồi hương.
Triển lãm “Nghệ thuật lưu đày – Hàm Nghi, hoàng tử An Nam (1871-1944)” ở Bảo tàng Nghệ thuật châu Á thuộc thành phố Nice (Pháp) năm 2022 trưng bày khoảng 150 tác phẩm nghệ thuật, vật dụng cá nhân của vua Hàm Nghi như những bản thảo viết tay, tranh sơn dầu, tranh màu nước theo trường phái Ấn tượng, những bức tượng điêu khắc bằng chất liệu đồng, gỗ; những kỷ vật, thư từ, hình ảnh gắn bó với cuộc đời lưu đày của ông. Bà có nghĩ sẽ tổ chức một triển lãm tương tự như thế tại Việt Nam?
Triển lãm “Trời, Non, Nước” chỉ trưng bày các tác phẩm hội họa chưa từng được trưng bày, ngay cả tại Pháp. Mục đích của tôi là tập trung vào chủ đề Hàm Nghi là một nghệ sĩ, giúp các tác phẩm của ông được biết đến rộng rãi hơn. Tuy nhiên, vì phần lớn các tác phẩm thuộc sở hữu của các bảo tàng tại Pháp và các nhà sưu tập cá nhân hoặc tại Pháp hoặc tại Việt Nam, họ cho mượn nên tôi phải cân nhắc nghiêm túc và cẩn thận. Đó là lý do, các tác phẩm được bảo tồn hoặc lưu trữ tại Pháp sẽ được triển lãm tại Pháp còn các tác phẩm được bảo tồn, lưu trữ tại Việt Nam sẽ được trưng bày tại Việt Nam.
Vua Hàm Nghi được coi là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam học về mỹ thuật. Bà đánh giá như thế nào về vai trò cũng như những đóng góp của vua Hàm Nghi trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam?
Trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, vua Hàm Nghi không phải là nghệ sĩ được biết đến rộng rãi do thực tế ông bị lưu đày từ năm 18 tuổi và không bao giờ có cơ hội trở lại Việt Nam. Nhưng ông chính là nghệ sĩ hiện đại Việt Nam đầu tiên vì ông đã học hội họa từ năm 1889.
Vua Hàm Nghi không chỉ vẽ tranh mà còn vẽ phác thảo và làm điêu khắc. Ông học vẽ với bậc thầy hội họa người Pháp Marius Reynaud và học điêu khắc với Auguste Rodin. Ông cũng là nhà điêu khắc Việt Nam hiện đại đầu tiên. Có thể thấy, điêu khắc của ông vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Auguste Rodin. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ bán tác phẩm, chỉ thi thoảng gửi tặng bạn bè. Vì thế, ông hầu như không được biết đến như một nghệ sĩ. Ông cũng không cố gắng để nổi tiếng dù đồng nghiệp của ông – những nghệ sĩ Pháp – đã chào đón ông đến cộng đồng của họ.
Rất nhiều tác phẩm của vua Hàm Nghi đã biến mất sau một vụ cháy vào năm 1960. Vậy nên các tác phẩm chúng ta biết đến hôm nay chủ yếu được ông tặng bạn bè hoặc để lại cho gia đình và được hậu duệ của họ lưu giữ. Tôi phỏng đoán hiện chỉ còn khoảng 100 tác phẩm còn sót lại dù có thể ông đã sáng tác hơn 1.000 tác phẩm.
Cái tên Hàm Nghi bắt đầu xuất hiện trên thị trường nghệ thuật từ năm 2010. Kể từ đó, một số tác phẩm của ông được đưa vào các bộ sưu tập bảo tàng, cả ở Pháp lẫn Việt Nam. Tác phẩm của ông đã gia tăng giá trị kể từ khi ông được công nhận là nghệ sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Tác phẩm của ông có sự khác biệt so với các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt sau này.
Việc đưa những tác phẩm cũng như di vật của vua Hàm Nghi hồi hương, chẳng hạn như việc bà trao tặng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chiếc tẩu thuốc của nhà vua, có ý nghĩa như thế nào?
Các tác phẩm, di vật của vua Hàm Nghi hồi hương dưới hai hình thức: hoặc được các nhà sưu tập mang về Việt Nam hoặc được hậu duệ, nhà sưu tập tặng cho các tổ chức Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể xem như di vật thuộc về Hàm Nghi được hồi hương. Và trong cả hai trường hợp thì đều có chung ý nghĩa: một phần tâm hồn của vua Hàm Nghi trở về Việt Nam. Tôi rất kỳ vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều tác phẩm, kỷ vật của ông được hồi hương.
Có phải việc hiểu biết thêm những thông tin về vua Hàm Nghi đã thôi thúc bà chọn theo học ngành lịch sử nghệ thuật?
Việc tôi có hứng thú và tìm hiểu về vua Hàm Nghi là một chuyện rất tình cờ. Gia đình tôi không biết gì nhiều về lịch sử vua Hàm Nghi, ngoại trừ việc ông là ông cố mấy đời, người ta gọi ông là hoàng tử An Nam và ông sống ở Algeria. Tôi chọn học lịch sử nghệ thuật trước khi dành thời gian nghiên cứu về tằng tổ của mình. Chỉ đến khi học Thạc sĩ ngành Lịch sử nghệ thuật và Khảo cổ học, khám phá lại các tác phẩm của ông, tôi mới quyết định nghiên cứu về Hàm Nghi như một nghệ sĩ.
Khi quyết định nghiên cứu về cuộc đời ông, hàng loạt câu hỏi tôi đặt ra, không ai trong gia đình có thể trả lời dù gia đình tôi đang chăm sóc mộ phần của ông. Biết đến khía cạnh nghệ thuật của ông khá muộn nhưng tôi cảm thấy đó là sứ mệnh của mình. Tôi quyết định dành luận án tiến sĩ để nghiên cứu về cuộc đời và công việc của ông sau khi phát hiện ra kho lưu trữ riêng gồm 2.500 bức thư và bản thảo thư được con gái cả của ông gìn giữ.
Năm 2024, tôi xuất bản cuốn sách có tựa đề “Hàm Nghi – Vị hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”. Đây là bản dịch của cuốn sách đã được xuất bản bằng tiếng Pháp vào năm 2019 dựa trên luận án tiến sĩ của tôi.
Bên cạnh nghiên cứu về tranh của vua Hàm Nghi, hiện tại bà có nghiên cứu về nhân vật nào khác hay không?
Công trình nghiên cứu về vua Hàm Nghi vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại tôi đang lập một danh mục để tập hợp các bức tranh, phác thảo và tác phẩm điêu khắc của ông.
Sau triển lãm “Trời, Non, Nước”, bà đang có những kế hoạch nào?
Tôi hy vọng triển lãm này sẽ đi khắp Việt Nam và một ngày không xa sẽ được trưng bày tại Hà Nội và TP.HCM. Tại Pháp, tôi cũng kỳ vọng sẽ tổ chức một triển lãm dành riêng cho vua Hàm Nghi tại một bảo tàng khác trong tương lai gần.
Trong bối cảnh mỹ thuật đương đại, theo bà, phụ nữ ở các vai trò như giám tuyển, tổ chức triển lãm… đang có những đóng góp ra sao?
Ngày nay, phụ nữ hiện diện trong mọi ngành nghề liên quan đến nghệ thuật đương đại, dù là nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giám tuyển, người đấu giá, nhà phê bình… Đóng góp cho thị trường nghệ thuật của phụ nữ không hề kém cạnh đàn ông. Không giống những thập niên trước, tôi cho rằng, việc là đàn ông hay phụ nữ không nên là tiêu chí để theo đuổi ngành nghề này.
Cảm ơn những chia sẻ của bà!
Bà Amandine Dabat
1987
Chắt gái của công chúa Như Lý – con gái vua Hàm Nghi, là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật tại Đại học Sorbonne, thạc sĩ Việt Nam học tại Đại học Paris-Diderot (Pháp).
Năm 2015, bà bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Paris với đề tài “Hàm Nghi – vị Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”.
Quyển sách bà viết về vua Hàm Nghi (cùng tên với luận án) đã nhận được Giải thưởng Hỗ trợ sáng tác văn học của Quỹ Del Duca năm 2022.





CHUYÊN ĐỀ: WOMEN IN ART
Một thị trường nghệ thuật trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố trưởng thành. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập tư nhân giàu tiềm lực, sự đa dạng như hoa đua nở của các gallery khắp cả nước hay sự quan tâm của các tổ chức kinh tế, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang có sự góp mặt của không ít bóng dáng phụ nữ. Bằng tài năng, lòng kiên trì, niềm tin và góc nhìn riêng, họ đã tạo nên những bước rẽ mới, góp thêm sắc màu và tín hiệu tích cực cho bức tranh đang còn nhiều sáng tối.
Đọc thêm
Tiến sĩ Amandine Dabat: Tôi muốn mọi người biết đến vua Hàm Nghi như một nghệ sĩ
Chuyên gia phục chế tranh Hiền Nguyễn: Không được… nổi nóng với tác phẩm
Người sáng lập Tongla Art – Tuyết Nguyễn: Thị trường trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố
Họa sĩ Lê Thúy: Vẽ để giữ lại một thế giới đang rạn vỡ
Nghệ sĩ thị giác Ngô Thu Hương: Đi tìm truyền thống giữa ranh giới của chất liệu