Tiễn con tựu trường - Tạp chí Đẹp

Tiễn con tựu trường

Sống
Chị Lâm Khánh Uyên (Q Gò Vấp, Tp.HCM) kể lại chuyện cười ra nước mắt của cô con gái 7 tuổi trong tuần đầu tiên đi học lớp 1: ngày đầu mất cục tẩy, ngày thứ hai mất cây thước kẻ (sau đó tìm lại được), ngày thứ ba mất luôn cả tập vở. Đỉnh điểm là ngày thứ tư, cô bé làm mất toàn bộ “tư trang” trong hộp bút gồm: 5 cây bút chì, 1 cục tẩy và 1 cây thước. Dù được mẹ dặn dò kỹ lưỡng trước khi đến lớp về việc bảo quản đồ dùng học tập nhưng không phải bé nào cũng quen với việc tự quản đồ đạc cá nhân của mình.

Ngày con vào lớp 1

Khi trẻ còn ở môi trường mẫu giáo, việc đi học đơn giản là sinh hoạt tập thể, vui chơi với bạn bè và nhận biết màu sắc, đồ vật; chuyện ăn ngủ có bảo mẫu chăm sóc… Còn khi trẻ bước vào lớp 1, sẽ có nhiều bỡ ngỡ: chương trình học kỷ luật, tổ chức lớp học mới buộc bé phải tự lập và tự quản nhiều hơn… Những thay đổi đó khiến phụ huynh không chỉ lo lắng cho việc học của con mà còn phải chuẩn bị tâm lý để trẻ đối diện với nhiều tình huống mới. Có những lưu ý tưởng như nhỏ nhặt nhưng sẽ giúp cả trẻ và phụ huynh vượt qua những “cú sốc” trong năm học đầu đời.

 

1. Trẻ tự quan tâm đến bản thân

Các bé giai đoạn tuổi mẫu giáo thường được các bố mẹ dạy cách biết san sẻ bánh kẹo, đồ chơi với bạn bè. Nhưng khi vào lớp 1, phụ huynh nên tập cho trẻ có thói quen… “giữ của”. Những ngày đầu học lớp 1, trẻ thường không có thói quen tự quản sách vở, bút viết. Trong lúc giúp trẻ chuẩn bị dụng cụ học tập, bố mẹ nên vừa nêu ra công dụng của từng đồ vật, giúp bé ghi nhớ các ngăn cất giữ bút viết vừa kể nhwungx câu chuyện giả định sinh động giúp bé hiểu khi nào nên cho bạn mượn bút, viết. Trong khi trẻ chưa thành thạo việc sử dụng đồ dùng học tập, phụ huynh không nên cho trẻ mang quá nhiều đồ dùng đến trường. Hãy hỗ trợ để trẻ tự chuẩn bị vật dụng trước khi đi học, như vậy sẽ giúp trẻ quản lý tốt “tài sản” của mình.

Vào lớp 1 cũng có nghĩa là trẻ sẽ đi học quy củ hơn mẫu giáo. Do đó, trong mùa hè “chuyển cấp”, phụ huynh không nên cho trẻ nghỉ xả láng. Song song với việc “tuyên truyền” về trường lớp, đây cũng là thời điểm tốt nhất để phụ huynh giúp bé ổn định thời gian biểu của việc ăn, ngủ sao cho phù hợp với việc đến trường. Chị Lê Thị Tuấn Oanh (Q Tân Bình, TP.HCm) cho biết, ngay từ khi cô con gái cưng Kim Ngân được nghỉ hè, chị đã tập cho con đi ngủ trước 10 giờ tối và đánh thức bé dậy trước 6 giờ sáng mỗi ngày. Bé Kim Ngân vốn ăn chậm. Khi còn học mẫu giáo và lúc ở nhà, bé vẫn được bà và cô bảo mẫu đút cơm mỗi bữa. Nhưng để an tâm hơn khi con vào “đại học chữ to”, chị đã tập cho bé tự ăn hết suất ở nhà khoảng 5 tháng trước ngày khai giảng. “Vừa nhẹ gánh cho các cô, vừa đỡ lo cho mình khi cứ thấp thỏm lo con đi học bị đói vì không ăn kịp bữa” – chị Oanh chia sẻ.

 

2. Sẵn sàng đi học

Nhiều phụ huynh cho rằng để chuẩn bị cho con vào lớp 1 thì phải cho con học chữ. Nhưng thực tế, nhiều trẻ không hứng thú và cũng không đáp ứng được việc học chữ trước thềm lớp 1. Chị Khánh Uyên cũng đã cho con luyện viết chữ nhưng lần nào ngồi vào bàn học, bé Nguyễn Lâm Uyên Nhi, con gái chị, cũng than mỏi tay, viện lý do để thoải thác. Thấy con không mấy “mặn mà”, chị Uyên quyết định mặc kệ việc dạy chữ cho cô giáo lớp 1 lo liệu.

Mặc dù thái độ của chị Uyên có vẻ như chị đang lơ là với việc học của con nhưng thực tế đây là quyết định sáng suốt của các bậc cha mẹ. Theo cô Tô Nhi A, Giảng viên tâm lý trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Tp.HCM, khi phụ huynh bắt trẻ luyện chữ trước khi vào lớp 1 là đang bắt trẻ “làm việc” quá sức, khiến trẻ phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành “nhiệm vụ”, làm trẻ thấy việc học nặng nề nên sẽ không còn hứng thú.

Bên cạnh việc cho trẻ làm quen một cách tự nhiên với chữ, số… phụ huynh cần kể về những môn học mới qua sách giáo khoa, hình ảnh sinh động, giúp trẻ định hình về những sinh hoạt khác trong lớp, tránh tối thiểu những tình huống khiến trẻ bỡ ngỡ. Điển hình như trường hợp bé Uyên Nhi, bé có ấn tượng… rất ghê về lễ chào cờ đầu tiên của lớp 1. Vì bé chưa bao giờ nghe các anh chị lớp lớn hơn hát “cờ in máu chiến thắng” thì bé lại nghe chữ được chữ mất và hiểu thành: “có cái gì đó đánh nhau chảy máu”.

 

Cho trẻ “tái nhập ngũ”

Đối với trẻ lớp 1-5, dù đã quen với khái niệm đi học nhưng sau một kỳ nghỉ dài, trẻ cũng rất cần một sự chuẩn bị chỉn chu cho ngày trở lại trường.

1. Lập lại thời gian biểu

Ít nhất 2 tuần trước ngày nhập học, phụ huynh nên “đánh thức” trẻ khỏi mùa hè một cách nhẹ nhàng. Phụ huynh cần nhắc nhở trẻ lập lại thói quen sinh hoạt trong năm học để tránh việc trẻ “nướng khét lẹt” hứng thú đến trường. Đây cũng là thời điểm “hoàn hảo” để đưa trẻ trở về với thói quen đèn sách. Bằng cách gia tăng dần lượng bài tập qua từng ngày, phụ huynh có thể giúp trẻ ôn lại kiến thức của năm học cũ và chuẩn bị cho chương trình học kế tiếp một cách khoa học, chống sốc cho trẻ khi phải đối mặt với áp lực học tập mới.

2. “Treo giải” chuyện học

Với kinh nghiệm học tập của năm học cũ, phụ huynh nên giúp con lập một kế hoạch cho năm học mới với những phần thưởng cụ thể. Khi trẻ còn quá hăng hái với những chuyến về quê, du lịch hè, phụ huynh nên… tận dụng để biến thành động lực học tập cho trẻ. Phụ huynh nên khéo léo sắp xếp những chuyến đi chơi xen kẽ với kế hoạch học tập, giúp trẻ giảm bớt áp lực học hành, phân tích cho trẻ thấy rõ mục tiêu để phấn đấu. Điều này sẽ giúp tránh việc trẻ “ngã giá”, vòi vĩnh phụ huynh các phần thưởng như điều kiện phải có để đi học.

Khi cùng trẻ sắp xếp thời gian học tập, phụ huynh sẽ giúp trẻ cân đối giữa thời gian học tập và vui chơi. Đối với việc học thêm, phụ huynh nên cân nhắc, bàn bạc kỹ với trẻ để sắp xếp cho trẻ một lịch học đúng ý thích của con mà vẫn giúp trẻ tiếp nhận kiến thức tốt.

Theo Thế giới gia đình

Thực hiện: depweb

28/08/2012, 17:09