"Tiền chùa": lạ, duyên nhưng tham lam - Tạp chí Đẹp

“Tiền chùa”: lạ, duyên nhưng tham lam

Review

Thiện Đỗ không phải một đạo diễn qua trường lớp, nên cách anh thể hiện với “Tiền chùa” cũng không giống như những gì được coi là phim hài mà mọi người vẫn thường nghĩ trước đây. Khán giả Việt hiện nay, phần lớn quen với lối chọc cười của những bộ phim truyền hình nhan nhản, đồng thời, cũng là lối phim hài được một số bộ phim đem ra trình diễn như “Hello cô ba”, “Biết chết liền” hay “Gia sư nữ quái”, lối hài này thường được chia chung trong những cách sau:

– Câu khách bằng thoại rẻ tiền nhưng tưởng như đậm triết lý, ví dụ “vì cuộc sống không giống cuộc đời”.

– Lợi dụng hình thể nhân vật, mập, lùn, nói ngọng để chọc cười.

– Cho nhân vật hành động ngớ ngẩn, kiểu như tự đánh mình.

– Lấy sự õng ẹo của người đồng tính gây hài.

Những thứ đấy, coi xong có thể cười, cười xong rồi quên, và nội dung những bộ phim đó cũng chẳng có gì đáng để nhớ. Một điều may mắn là “Tiền chùa” không nằm trong nhóm những bộ phim như vậy.

tiền chùa phim việt 

“Tiền chùa” có duyên. Cái duyên này không đặt trong kịch bản phim, không đặt trong tình huống phim mà lại rơi vào lối diễn xuất của Khương Ngọc, Vân Trang.

Khương Ngọc có lẽ là vai diễn sáng giá nhất trong phim, tất cả những nét diễn của Ngọc làm khán giả thích thú, bật cười. Những biến chuyển trên cùng gương mặt, vừa sững sờ, đến đau buồn rồi chuyển sang cười cầu hòa, cầu tài, đó là một sự duyên dáng khó kiếm ở các diễn viên trẻ. Lối diễn xuất của Ngọc tiết chế vừa đủ để người ta thích, không lố, không cường điệu. Như trong cảnh nói với gái đẹp cái câu “đứng gần em, run quá tưởng động đất”, người ta thấy tay Ngọc cầm nhang run run theo, rất chuẩn tâm lý nhân vật.

Vai nữ chính của Vân Trang dừng ở mức tốt. Trang diễn trước giờ hay, giờ cũng hay, không tiến bộ mà chẳng thụt lùi, nằm trong vùng an toàn của nghề vậy là được. Một số đoạn Trang khóc hơi giả, cười cũng hơi giả, nhưng nếu coi rằng đó là ý đồ đạo diễn thì Trang lại làm tốt ý đồ đó. Nói chung với “Tiền chùa”, là một bước dậm chân tại chỗ của Trang.

Vai nữ phụ nhiều người nhớ sau khi ra khỏi rạp là của Lều Phương Anh. Về diễn xuất, một ca sĩ lần đầu đóng phim, nên …diễn thế được rồi, đòi hỏi cao làm chi. Một số chỗ, Phương Anh diễn tự nhiên, cá tính, một số chỗ hơi quá đà, tạo cảm giác lố cho khán giả. Nhưng không biết là cố ý hay không, chứ giọng của Phương Anh lại khó nghe, nhiều đoạn thoại không nghe được rõ tiếng.

vân trang

Điểm hài lòng của“Tiền chùa” nằm ở những góc quay đẹp, chỉn chu, và mang đầy hơi thở của Sài Gòn. Sài Gòn trong “Tiền chùa” rõ nét qua những phân đoạn đặc tả ánh đèn đêm, đặc tả sự cúp điện bất ngờ không báo trước. Có những người mù vừa ăn xin vừa hát rong, có tiếng “keo dính chuột” giữa đoạn thoại của nhân vật. Những thứ tưởng chừng như đơn giản như vậy, nhưng để đưa lên phim một cách tự nhiên, đòi hỏi đạo diễn phải có sự quan sát tinh tế. Ví dụ khác cho sự tinh tế đó, như vai anh chủ tiệm hoa đồng tính, chỉ đơn giản bằng chiếc áo gắn lá cờ lục sắc và một cái chỉ tay, đã nói lên được tất cả, không cần những hành động lố lăng, ẽo ợt như những vai đồng tính trước đây từng xuất hiện.

Với những điểm sáng như vậy, “Tiền chùa” hoàn toàn có khả năng xứng đáng để mọi người bỏ tiền đi coi, nhưng vì sao nó không làm được như vậy, lý do chính bởi kịch bản và đường dây phim dư thừa chi tiết, dài dòng và tham lam.

Truyện phim kể về Lộc, một đại gia sản xuất hàng mã vào loại nổi tiếng, sau một lần vô tình phát hiện trong bóp mình có tờ tiền rách, anh chàng tìm mọi cách để đẩy tờ tiền này đi càng xa càng tốt. Nhưng lúc tờ tiền xui xẻo rơi vào tay Quyên, một cô gái có đam mê với nghề thiết kế thời trang nhưng chưa gặp thời, cũng là lúc Lộc bắt đầu liên tục gặp vận xui rủi. Tin theo lời thầy bói, Lộc tin rằng căn nguyên của mọi việc là do tờ tiền kia gây nên, phải tìm cách lấy lại bằng mọi giá. Nhưng khi Lộc tìm cách chinh phục người đẹp, cũng là lúc vướng vào rắc rối mới do chính khả năng làm ra những tờ tiền âm phủ giống thật của mình.

khương ngọc 

Cách dẫn phim của “Tiền chùa” có nhịp điệu chậm quá mức cần thiết và dài lê thê. Nhiều nhân vật được tạo ra rồi mất hút một cách không thương tiếc và cũng không rõ là có liên quan gì đến đường dây kịch bản chính, kiểu như thêm nhân vật vào để có thể kéo dài bộ phim ra cho đủ thời lượng. Những mảng miếng gây cười của phim được dùng tốt khi dựng bằng tình huống chứ không thông qua thoại, tuy nhiên việc lặp lại với tầng suất cao của những mảng miếng này lại gây ra cảm giác nhàm chán, cùng câu hỏi, “nữa à?” Đơn cử là khi Lộc ẵm Quyên chạy xuống cầu thang, đụng đầu vào tường 1 lần đủ để người ta cười, nhưng liên tục đụng đến 4-5 lần, tiếng “ui da” của Quyên vang lên liên tục là lúc khán giả chả ai còn cười nổi.

Giữa hai nửa đầu và nửa cuối của phim, khán giả xem dễ có cảm giác bị trật nhịp khi mục đích nhân vật bị đổi trục và mục đích phim cũng xoay quá nhanh. Cao trào lớn nhất phim chính là khi Lộc bị đám giang hồ truy lùng, nhưng cách giải quyết của vấn đề này lại quá nhanh chóng, một số hình ảnh chớp nhoáng lướt qua khung hình xong rồi thôi. Đồng ý rằng với một bộ phim hài tâm lý như “Tiền chùa”, cách giải quyết đơn giản có thể chấp nhận được, nhưng đơn giản đến mức tối giản thì lại gây ra cảm giác khó hiểu cho người xem.

Nói chung, “Tiền chùa” là một bộ phim hài nhẹ nhàng, dễ coi, dành cho tất cả mọi người vì không có cảnh nóng, ngoài pha khoe cơ thể trong bộ đồ bơi của Vân Trang. Nếu bạn cần một bộ phim giải trí đơn giản như vậy, có thể bỏ tiền ra xem phim, nhưng nếu bạn cần những thứ cao sâu, phức tạp hơn một chút, thì nên nhớ dù tên phim là “Tiền chùa” nhưng tiền vé phim lại không “chùa” đâu.

Bài: Chú Hề

Ảnh: Mega




Âm mưu giày gót nhọn – một bộ phim Mỹ “trá hình” và “rẻ tiền”:


  

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

18/10/2013, 19:24