Một “xu thế tất yếu”?
Chỉ khoảng một giờ sau khi album có mặt trên kệ đĩa, người nghe đã có thể tải các bài hát trong album từ khắp các trang nghe nhạc trực tuyến. Bó tay trước tình trạng này, các ca sĩ buộc phải tìm cách “sống chung với lũ” bằng việc chủ động phát hành trên mạng. Thời sơ khai album online thường chỉ làm những bản nhạc debut riêng lẻ và có xu hướng rải rác. Tuy nhiên gần đây, việc phát hành nguyên album chỉ để “online” thực sự là một chuyện xem ra khá mới mẻ.
Thị trường nhạc online khá sôi động hai năm trở lại đây. Năm 2010 là năm bùng nổ hình thức album online của nhiều ca sĩ trẻ như: Minh Hằng (Queen of the night), Khổng Tú Quỳnh (Try to Up), Quỳnh Nga (Em tin), Trúc Diễm (Màu xanh), Trà My Idol (Album online vol.1 My Idol 2010)…
Ca sĩ Quỳnh Nga |
Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Âu, Mỹ, thói quen dùng nhạc số đã và đang giết chết các hàng đĩa truyền thống. Lớp tiêu dùng trẻ hiện quen nghe nhạc online cũng như sở hữu những album ca nhạc dạng “ảo” nhiều hơn là tới chọn mua album. Chính thói quen này làm nảy sinh hiện tượng ca sĩ phát hành album online ngày một nhiều. Lớp ca sĩ trẻ ít tên tuổi phát hành online đã đành, kể cả dàn sao V-Pop như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng cũng tham gia vào phương thức này.
Khi phát hành album MY 2010 trên kênh mạng, Trà My Idol cho biết đó là sự tiện lợi khi có thể giới thiệu các bài hát mà cô từng thu âm riêng lẻ trước đây đến với công chúng mà không cần phải quá nhọc công đo thị hiếu và tính toán giá thành sản xuất như khi ra CD, VCD. “Cái khác biệt lớn và dễ thấy nhất giữa hai hình thức này là chi phí”, Trà My cho biết.
Ở một góc khác của sự tính toán, diễn viên, ca sĩ Khương Ngọc chia sẻ: “Mỗi năm tôi sẽ cố gắng cho ra mắt 1 album gồm 5 đến 7 ca khúc do chính tôi sáng tác, đa số là phát hành online vì tôi chưa đủ kinh phí để ra mắt album hoàn chỉnh. Khi điều kiện kinh tế cho phép, tôi sẽ làm một album hoàn chỉnh coi như quà kỉ niệm cho bản thân và bạn bè”.
Để ra được CD, chi phí rất lớn, không chỉ tiền in đĩa mà còn thiết kế và in bìa, poster, xin phép phát hành… Trong khi đó, với tình hình đĩa lậu hoành hành, khả năng thu hồi vốn là cực kỳ khó, không chỉ với riêng ca sĩ trẻ mà với cả các ca sĩ mới, ra mắt album chỉ nhằm mục đích “cho đời biết tên”. Nếu có dư điều kiện thì phát hành CD, không thì chỉ cần một album online được quảng bá trên những kênh thích hợp nhất, hiệu quả sẽ nhanh chóng, lại vừa túi tiền. Đây có phải là một xu hướng sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp hay chỉ có tính đối phó tức thời? Xin thưa, câu trả lời nằm ở vế thứ hai.
Hay hành động “tiếp tay cho kẻ cắp”?
Nhìn trên thế giới, chuyện phát hành album online không mới mẻ gì với các ca sĩ nổi tiếng. Việc làm này đã đem lại thành công không nhỏ, tạo ra sự quen thuộc cũng như ấn tượng ban đầu cho album sắp trình làng. Ở showbiz Việt ngay cả những ca sĩ có lượng fan hùng hậu cũng chọn kênh phát hành online để “làm nóng tên tuổi” khi các bản hits được tung ra một cách “dè sẻn”, nhằm kích thích khán giả tìm mua đĩa phát hành sau đó.
Cái lợi trước mắt của việc phát hành album online đã quá rõ: tiếp cận thị trường nhanh chóng, rộng lớn, chi phí đầu tư thấp. Đồng thời, phản hồi của khán giả cũng được dội lại trực tiếp tới các ca sĩ thông qua số lượt nghe, các comment,…
Tuy nhiên, sự ra đời của hình thức phát hành online cũng chỉ là giải pháp chắp vá tạm thời. Bởi suy cho cùng đây là cách “thỏa thuận” để làm bạn luôn với các “kẻ cắp thường trực” của các ca sĩ với những trang nghe nhạc trực tuyến.
Hiện tại, việc phát hành album online chỉ có tác dụng hỗ trợ cho việc quảng bá nhiều hơn là mang lại lợi nhuận trực tiếp như kinh doanh băng đĩa. Phương án phát hành online xem như “cho không, biếu không”. Cho đến nay chưa có một trang nghe nhạc trực tuyến nào tại Việt Nam thu phí download và phí nghe các bản mp3. Hầu hết các trang nghe nhạc trực tuyến hiện nay, cũng ký hợp đồng với các ca sĩ phát hành hỗ trợ về truyền thông nhiều hơn là giá trị kinh tế. Sau những hỗ trợ này, các trang nhạc trực tuyến sẽ được quyền khai thác kho nhạc của ca sĩ có hợp đồng để bán cho các đơn vị khai thác nhạc chuông, nhạc chờ. Còn phía ca sĩ, hầu như ít khi nhận được những món tiền tác quyền mà lẽ ra mình phải được hưởng.
Cũng giống như phát hành CD, DVD theo hình thức truyền thống, hiện phát hành album online cũng đang đi vào ngõ cụt khi các ca sĩ không thể thu lợi nhuận từ việc nghe nhạc trực tuyến hay download các bản mp3 chất lượng cao về máy tính cá nhân.
Hình thức phát hành album online tuy giảm tiện trong việc xin phép, tốn ít chi phí, hiệu quả quảng bá cao nhưng các ca sĩ cũng đừng ham rẻ mà làm. Bởi vô hình chung họ đang bắt tay với chính “kẻ cắp”, những trang nghe nhạc này đã và đang là một trong những nguyên nhân khiến thị trường băng đĩa yếu dần đi. Khi người nghe quá quen với việc “xài chùa” các album thì khó thuốc nào cứu nổi cục diện ngày càng bi đát của việc phát hành đĩa.
Ca sĩ Khổng Tú Quỳnh |