“Tía ơi!” – Bình mới đựng rượu cũ - Tạp chí Đẹp

“Tía ơi!” – Bình mới đựng rượu cũ

Review

Nói về nội dung phim, “Tía ơi” dựa trên một câu chuyện có từ nhiều năm trước, từng dược dựng thành kịch nói trên sân khấu trong những chương trình “Trong nhà ngoài phố” tầm năm 2000, và cũng đã từng được một số sân khấu kịch dựng lại. Câu chuyện bản gốc như sau:

Một người mẹ sinh được bốn đứa con, sau khi các con lớn, bà sống tại căn nhà cũ cùng đứa con nghèo khó nhất, còn những đứa kia giàu có và thành đạt thì bỏ mặc bà, có cuộc sống riêng của mình. Người mẹ lam lũ vẫn không buồn lòng, vẫn ngày ngày chăm sóc cho đứa con út cùng đứa cháu nội vì mẹ nó qua đời sớm.

Cho đến ngày nọ, có lời đồn đại rằng sau bao năm dành dụm, bà có được một gia tài rất lớn và sẽ để lại cho đứa con nào hiếu thảo nhất. Nghe thế, ba đứa con kia liền quay về tìm mẹ, rồi họp bàn, chọn cách mỗi đứa nuôi bà một tháng, coi coi ai nuôi mẹ lên cân nhiều hơn thì sẽ được phần gia tài. Người mẹ rất buồn, nhưng rồi cũng làm theo lời con, mỗi tháng lại dọn qua nhà đứa này, đứa kia để ở, cho đến một ngày, bà bàng hoàng nghe vợ chồng đứa con lớn bày ra cách cho mình uống thuốc tăng trọng cho heo, thì mới quyết định bỏ đi, không nhìn mặt con nữa. Những đứa con đến nay mới hối hận, đi tìm mẹ về, cũng là lúc bà bật mí cho chúng biết gia tài lớn nhất của mình là gì.

 

Poster phim “Tía ơi”

Với nội dung chính như vậy, “Tía ơi” có đôi chút biến thể. Chẳng hạn như vai người mẹ được chuyển thành người cha do danh hài Hoài Linh thể hiện, thêm thắt vào đó vai ông bạn già (Minh Nhí) để tăng thêm chiều dài cho phim, tuy nhiên, nhìn trên tổng thể thì “Tía ơi” chưa phải là một phim điện ảnh xuất sắc, nó chỉ nên được nhìn nhận là một phim truyền hình rút ngắn được trình chiếu tại các rạp điện ảnh thì chính xác hơn.

Đạo diễn Xuân Phước đã quá quen thuộc với những bộ phim truyền hình đình đám (như “Nữ sinh”, “Cái bóng bên chồng”, “Bước chân hoàn vũ”…), “Tía ơi” gần như là phim điện ảnh đầu tay của Xuân Phước với vai trò đạo diễn, nhà sản xuất (hợp tác cùng Hoài Linh), đồng thời cũng là sản phẩm chào sân của Hãng phim Xuân Phước.

 

Với những người coi phim quen mắt, điều dễ dàng nhận ra nhất của “Tía ơi” đó là phong cách phim truyền hình. Bối cảnh, diễn viên, câu chuyện, nội dung, góc máy, cách chuyển cảnh hay những câu thoại đôi khi hơi sáo rỗng đều đậm chất phim truyền hình mà người ta có thể thấy hàng ngày trên TV.

Một điểm trừ rất lớn cho “Tía ơi” chính là phim bị quay “out” nét quá nhiều chỗ. Những phân cảnh cận mặt diễn viên thường xuyên bị mờ, gây cảm giác khó chịu và thiếu chuyên nghiệp cho một bộ phim điện ảnh khi ra rạp. Một vài chi tiết nhỏ khác cũng được khán giả nhận ra, như bàn ăn cơm của cả ba gia đình đều chỉ gồm đúng những món ăn như vậy lặp đi lặp lại. Một người ngồi xem đã bình luận, “Hình như đoàn phim không đủ tiền, nên có nhiêu đó món xào tới xào lui.” Nhìn kỹ lại thì thấy câu này cũng… có lý.

 

Phim có rất nhiều chi tiết thừa và diễn viên được đưa vào theo kiểu xuất hiện góp vui, bỏ ra cũng chẳng ảnh hưởng đến gì. Ví dụ điển hình như vai của NSƯT Công Ninh hay người mẫu Thúy Diễm, cả hai vai này đều chỉ xuất hiện trong…mơ, và giấc mơ đó cũng không ảnh hưởng gì đến kịch bản phim. Các nhân vật cũng được tạo ra rồi mất hút một cách tùy tiện, không có điểm nhấn, không có tính cách ngoài vai trò chính là chọc cười rồi thôi. Đơn cử cho các nhóm vai này là Hoàng Mập và Hoàng Sơn, với lối diễn hài hình thể, sự xuất hiện vô lý không lý giải được, chỉ lăng xăng đi chọc cười, cả hai vai diễn này đều chìm lỉm và mất tích.

Điều cứu vớt những lỗi trên của “Tía ơi” nằm ở tên tuổi và khả năng diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội. Với những tên tuổi thành danh tại sân khấu kịch và phim truyền hình như Hoài Linh, Minh Nhí, Trịnh Kim Chi, Mai Phượng, Lương Thế Thành, Huỳnh Anh Tuấn, La Bela… Dàn diễn viên chính diễn xuất đầy ấn tượng, lột tả hết được tính cách của vai mình thể hiện. Trong số đó, đáng nhớ và đáng chú ý nhất là vai người anh thứ ba của Lương Thế Thành.

 

Diễn xuất của Lương Thế Thành trong phim trọn vẹn và đầy đủ những cung bậc cảm xúc nhất. Khi điềm tĩnh đối diện với nghèo đói, lúc đau lòng khi thấy cha dù đã già vẫn ngày ngày đạp xích lô phụ mình lo cuộc sống, cho đến cuối phim, khi tất cả sự thật được phơi bày, Lương Thế Thành vừa tức giận, chảy nước mắt và mắng các anh chị, đủ để thấy sự chín mùi trong diễn xuất của Thành. Những vai diễn khác nhìn chung không có dấu ấn, một số vai, có lẽ đạo diễn nhìn ra được sự non kém trong diễn xuất nên cả phim chỉ cho nói chừng 3 câu thoại và vài màn xuất hiện làng nhàng cho đông vui.

Nhìn chung, trên tổng thể, khó có thể nói “Tía ơi!” là một phim điện ảnh đúng nghĩa, vì mang quá nhiều hơi hướm truyền hình. So với những bộ phim giải trí ra rạp gần đây, như “Âm mưu giày gót nhọn” “Tiền chùa”, “Tía ơi!” có chiều sâu nhân văn trong kịch bản nhiều hơn, tuy nhiên, cách kể chuyện phim lại chưa xứng tầm với một câu chuyện tốt như vậy.

 Bài: Chú Hề

Ảnh: Galaxycine




>>> Có thể bạn quan tâm: “Tiền chùa” là một bộ phim hài nhẹ nhàng, dễ coi, dành cho tất cả mọi người vì không có cảnh nóng ngoài pha khoe cơ thể trong bộ đồ bơi của Vân Trang.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

04/11/2013, 10:07