Khi thực hiện album nhạc Trịnh “Portrait 17” (khoảng năm 2008), ê kíp của nhạc sĩ Thanh Phương và ca sĩ Hiền Thục đã tìm kiếm hàng loạt nhà sản xuất quanh khu vực như Singapore, Trung Quốc, Campuchia… để chọn đối tác cho một phiên bản đĩa than. Tuy nhiên ý tưởng này bất thành. Tới 2011, Mỹ Linh mới tung ra bản đĩa than “Tóc ngắn Acoustic – Một ngày” được sản xuất tận Mỹ… Dè dặt như vậy, nên có thể coi 2013 là năm mang tới tin vui cho những người yêu nhạc, khi đã và sắp có liên tiếp những sản phẩm đĩa than Việt Nam ra đời.
Cơ hội trước cơn bão nhạc số và “cái chết” của CD
“Góc nhìn” của Đẹp từng đề cập đến “cái chết của chiếc đĩa CD” trong thời đại nhạc số – một “cái chết” hiển nhiên, như chúng ta đã nhìn thấy “cái chết” không cưỡng lại được của băng video, cassette. Duy chỉ có đĩa than vẫn tồn tại qua thời gian, thách thức những làn sóng tân kỳ khác.
Ở một cục diện khác, doanh thu kinh doanh nhạc số ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên nó đang dần để lộ nhiều khuyết điểm. Các ca sĩ không còn cần một hãng đĩa hay hợp đồng thu âm để cho ra mắt sản phẩm âm nhạc của mình – điều này làm thị trường âm nhạc thiếu tính chọn lọc, bị “ô nhiễm” bởi các nhạc phẩm kém chất lượng. Âm thanh được số hóa và nén nên chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của người nghe khắt khe. Và đương nhiên, các sản phẩm nhạc số vô hình nên gần như không sở hữu giá trị sưu tầm. Chính vì điều này, trên thế giới các danh ca thường xuất bản nhiều phiên bản âm nhạc: Itunes (nhạc số), CD (phổ thông) và đĩa than (dành cho giới sành nhạc hoặc sưu tầm).
Đĩa than là sản phẩm thời kỳ đầu của công nghệ ghi âm, được làm bằng hỗn hợp shellac dễ mòn và ồn do rãnh ghi âm rộng. Với tốc độ 78 vòng/phút, mỗi mặt của đĩa than với đường kính 30cm chỉ ghi được dưới 5 phút âm thanh. Sau đó, LP (Long Play) bằng nhựa (vinyl LP) ra đời thay thế đĩa than. Tuy vậy, người ta vẫn dùng từ “đĩa than” như một thói quen để chỉ loại đĩa vinyl này. Với đường kính 30cm và hai loại tốc độ 33,3 vòng/phút (phổ biến hơn) hoặc 45 vòng/phút, một mặt đĩa nhựa này có thể ghi được 20 phút âm thanh.Trở lại câu chuyện album đĩa than của Mỹ Linh với số lượng 1.000 bản, giá thành lên quá cao, đến 1,5 triệu đồng mỗi chiếc. Lý do là bởi vào phút chót, hàng bị tắc ở hải quan vì chưa có cơ chế hành chính nào cho việc nhập khẩu một sản phẩm âm nhạc của ca sĩ trong nước in ấn tại nước ngoài. Rốt cuộc đĩa được gắn mác “made in USA”, là hàng văn hóa phẩm ngoại nhập và chịu thuế khá cao… Việc này làm nản lòng khá nhiều nhà sản xuất trong nước sau này…
Hai năm sau, chiếc đĩa than “Nguyễn Ánh 9 – Lặng lẽ tiếng dương cầm” được sản xuất với số lượng 1.500 bản (có đánh số) + 100 bản tặng không bán của nhà sản xuất Đức Trí ra đời. Album này chơi rất trội, vì được thu âm theo đơn đặt hàng của cộng đồng Audiophile (định nghĩa đơn giản là những người say mê nghệ thuật thưởng thức và tái tạo âm thanh) và không phát hành phiên bản CD (để tránh đĩa lậu). Album được sản xuất đúng quy trình và cũng được master tại Mỹ (cùng đơn vị sản xuất với Mỹ Linh) trước khi trở về Việt Nam trong diện mạo đĩa than.
Khoan bàn đến chất lượng, sự ra đời của chiếc đĩa than này thực sự là dấu ấn khi nó mở ra một thị trường có thực cho sản phẩm âm nhạc chất lượng cao (chưa rõ là lớn hay bé!). Có thể đây là một lối thoát cho những nhà sản xuất muốn thực hiện những đĩa nhạc chất lượng trong làn sóng cạnh tranh của nhạc số!
Được biết, đã có một công ty vừa ra đời tập trung thẳng vào thị trường đĩa than. Trong tháng 9 này họ sẽ tung ra ba sản phẩm đầu tiên: “Mùa thu không trở lại” (với giọng ca lừng lẫy của cố nghệ sĩ Lê Dung), “Vinh quang Việt Nam” (album lãnh tụ ca có thể nói là hay nhất, hoành tráng nhất của cặp vợ chồng nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và ca sĩ Hồng Vy) và “Lệ Quyên Acoustic” (đĩa nhạc rất nịnh tai đã từng bán rất chạy dưới phiên bản CD).
Liệu có thành một cú chơi sang liều mạng?
Công ty vừa nhắc trên đây có tên Giao Hưởng Xanh hóa ra là của một người quen cũ – biên tập viên Thanh Thủy – người gắn bó nhiều năm với Hãng phim Trẻ trong giai đoạn hoàng kim của nhạc Việt những năm 90 thế kỷ trước. Bà Thanh Thủy là người từng thực hiện hàng loạt các chương trình nhạc trẻ, nhạc tiền chiến được thu âm và thành thương hiệu của Hãng phim Trẻ, góp phần lưu giữ nhiều bản thu của các danh ca Việt Nam thời kỳ mới sau này. Bà cũng là người dành nhiều tâm sức cho nhạc Việt và trải qua nhiều thăng trầm với nó, điển hình là qua hoạt động của công ty Bạn Yêu Nhạc ồn ào khoảng 10 năm trước đây (từng độc quyền và cộng tác, lăng xê hàng loạt những ngôi sao trẻ – nhiều người đến giờ vẫn được coi là chủ lực của nhạc Việt – như Mỹ Tâm, Thanh Thảo, Hiền Thục, Tuấn Hưng, Minh Quân…). Sự thức thời, tâm huyết, đón đầu xu hướng của bà Thanh Thủy được chính người trong nghề, đặc biệt là giới sản xuất và ca sĩ, tôn trọng.
Với cuộc chơi đĩa than lần này, được đánh giá là “mơ mộng và mạo hiểm”, bà Thủy chia sẻ: “Chúng tôi hiểu khó khăn phía trước, sự nghi ngại và thờ ơ, nên thua lỗ bước đầu là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên chúng tôi có niềm tin vào tương lai và sức sống của những giá trị bền vững. Đó là giá trị của đĩa than và những thiết bị âm thanh chuẩn mực. Tin vào sức sống lâu bền của giọng ca và tác phẩm đi cùng năm tháng. Cộng đồng người nghe nhạc khó tính và tinh tế ở chúng ta không hề ít và ngày càng lớn mạnh.”
Thực ra sự mộng mơ của bà Thanh Thủy là có cơ sở. Trong tay bà, sau hơn 20 năm làm nghề sản xuất, là cả một kho tàng băng đĩa, ca khúc thu âm đồ sộ và quý báu của cả một giai đoạn phát triển hoàng kim của nhạc Việt. Trong đó có hầu hết các bản thu của những danh ca hiện nay, từ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Cẩm Vân, Hồng Hạnh, Bằng Kiều… và rất nhiều tác giả/tác phẩm có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ.
Phải nhớ rằng giai đoạn phát triển đó của nhạc Việt hầu hết phụ thuộc vào nhà sản xuất, vì họ có vốn – phòng thu và dây chuyền sản xuất (Khác với bây giờ, khi ca sĩ chủ động mọi sản phẩm thu âm và bản quyền thu âm thuộc về ca sĩ). Hàng loạt bản thu âm, các album chất lượng dưới tay Hãng phim Trẻ và bà Thanh Thủy không thể chịu số phận lưu kho và bỏ phí được. Nó cần được sống lại, thậm chí là được tồn tại dưới một định dạng tốt hơn – đề cao hiệu quả lưu trữ lâu dài.
Khi được hỏi về chất lượng của kho tàng âm nhạc này, bà Thủy nói, “Trong số lượng rất lớn các bản thu này, không phải chương trình nào cũng còn đủ chất lượng để tái bản. Sau quá trình tuyển chọn, các album được lựa chọn biên tập lại đạt đến sự hoàn hảo nhất về nội dung trong thời kỳ mới, remix thật kỹ để phù hợp với tính chất trung thực của âm thanh đĩa than, rồi gửi qua Mỹ làm hậu kỳ – remaster và xuất đĩa.”
Sau ba sản phẩm đầu tiên, có thể chờ đợi các đĩa than của những sản phẩm âm nhạc xuất sắc khác, tỉ dụ như album tuyển tập ca khúc về Hà Nội “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” lừng danh, album đầu tay của Quốc Bảo “Ngồi hát ca bềnh bồng” với phiên bản có sự tham gia của 4 diva Việt Nam, album nhạc tiền chiến “Yêu” của Thanh Lam – Hồng Nhung, trong đó có bản song ca quý hiếm của hai diva này được chọn làm tên album. Một số album riêng của các ca sĩ Thanh Lam, Trần Thu Hà, Hiền Thục, Quang Dũng cũng được mua lại để công ty tiến hành remaster xuất bản đĩa than. Bà Thủy nói thêm, “Trong tương lai, chúng tôi sẽ nỗ lực tìm chọn những chủ đề và giọng ca phù hợp để thu live và sản xuất mới theo công nghệ analog”.
Quả thực, với mục đích tôn vinh và giữ gìn những sản phẩm tinh hoa, việc khai thác các chương trình thu âm, hay từ kho tàng lưu trữ, để chuyển qua phương tiện đĩa than của Hãng phim Trẻ và Giao Hưởng Xanh là rất ý nghĩa. Bởi một nỗ lực nhỏ trong giai đoạn khá u ám này của ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự trở lại tích cực của những xu hướng nghe nhạc tinh tế, tận hưởng vẻ đẹp của âm thanh và thiết bị.
Nhạc sĩ Đức Trí, nhà sản xuất chiếc đĩa than “Nguyễn Ánh 9” cũng đang có nhiều động thái tích cực. Mới đây, phiên bản đĩa than “Phạm Duy – Quang Dũng” do anh sản xuất vừa ra đời. Tiếp theo sẽ là sản phẩm mang màu sắc bán cổ điển do anh sản xuất cùng một nữ ca sĩ mới cũng sẽ xuất xưởng dưới cả hai phiên bản CD – Vinyl… Nhà sản xuất Thanh Phương ở Hà Nội cũng vừa nâng cấp mới hoàn toàn phòng thu của mình để bắt tay vào sản xuất theo đơn đặt hàng của giới audiophile một đĩa acoustic tuyệt đối cho ca sĩ Hiền Thục (rất có thể cũng sẽ chỉ phát hành dưới định dạng đĩa than)…
Những tín hiệu dồn dập này quả thực là đáng mừng và tươi sáng. Nó như cú chạm làm thức dậy tinh thần âm nhạc chi tiết, tinh tế và chăm chút của những nhà sản xuất, nghệ sĩ trong nước, lấy lại hưng phấn cho cả một thế hệ âm nhạc đang bị già cỗi và chai mòn.
Bài: Chu Minh Vũ