“Phong cảnh có bàn ủi” trong truyện của Murakami đơn thuần hiểu theo nghĩa đen – một bức tranh phong cảnh được đặt bên cạnh một chiếc bàn ủi, nhưng tôi đã cố tình “mượn” nó để diễn giải theo nghĩa bóng: những hình ảnh đập vào mắt ở mỗi nơi chốn tôi đặt chân qua trên đất nước nhỏ bé này đều như được một chiếc bàn ủi của vị thần tạo hóa lẫn con người nơi đây “ủi” sẵn: từ những ngọn núi quanh năm phủ tuyết Titlis, ngôi làng nhỏ xanh mướt nằm dưới thung lũng Engelberg, thành phố thơ mộng bên hồ Lurcene, thủ đô và là di sản văn hóa thế giới UNESCO – Bern đến thành phố nhỏ Basel ở biên giới nằm sát Đức và Pháp đều hùng vĩ hoặc thơ mộng và bình yên đến nao lòng…
Ngôi làng Engelberg dưới chân núi Titlis chỉ có khoảng 4000 dân sinh sống, đẹp và yên bình như một bức tranh
Tôi có cô bạn thân sống ở một thành phố sát biên giới Pháp – Thụy Sĩ. Lần trước khi sang Pháp, cô khuyên tôi nên ở lại vài ngày rồi vợ chồng cô đánh xe chở qua Thụy Sĩ chơi. “Đó là đất nước đáng sống nhất thế giới” – cô bạn chỉ nói ngắn gọn thế. Nhưng do lịch trình của tôi phải đi theo đoàn chứ không phải đi du lịch bụi nên tôi đành lỗi hẹn với lời đề nghị quyến rũ của vợ chồng cô. Không ngờ chỉ hai năm sau, tôi và một nhóm nhà báo theo chân công ty lữ hành Thiên Thanh (Blue Sky Travel) sang thăm quan Thụy Sĩ theo lời mời chính thức của Tổng cục du lịch nước này. Và những trải nghiệm tuyệt vời trên đất nước có diện tích nhỏ bé (41.285 km2, chỉ bằng khoảng 1/8 Việt Nam) bắt đầu.
Chuyến bay của hãng Hàng không lớn nhất nước Đức Lufthansa phải trải qua 2 chặng transit (Bangkok và Franfurt) mới đến Zurich, thành phố kinh tế lớn thứ 2 của Thụy Sĩ. Và suốt chặng hành trình còn lại đến 4 thành phố tiếp theo trên đất Thụy Sĩ của chúng tôi hoàn toàn bằng tàu lửa với chiếc thẻ “Swiss Pass” cực kỳ tiện nghi, ngoài ra có thể sử dụng nó đi xe buýt, xe điện hoặc tàu thuyền trên sông khi đến các thành phố khắp Thụy Sĩ mà không phải lo lắng chuyện đặt vé trước.
Engelberg – Thị trấn thiên đường & ngọn núi bốn mùa tuyết phủ
Từ sân bay Zurich, tàu lửa nối chuyến ngay sang thành phố Lurcene rồi tiếp tục đổi một chuyến tàu khác để đến Engelberg. Tổng chiều dài khoảng 90km và đi đúng 2h đồng hồ. Ở đất nước sản xuất đồng hồ nhiều nhất thế giới này, lịch trình được yêu cầu chính xác gần như tuyệt đối!
Vậy là chúng tôi đã trải qua 3 chặng bay và 2 chặng đổi tàu, tổng cộng mất khoảng 20 tiếng đồng hồ. Thế nhưng, khi bước ra từ cánh cửa tàu lửa, ngôi làng nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi dựng này xóa tan bao sự mệt nhọc. Ánh nắng rực rỡ cuối hè khiến cảnh vật càng thêm ấn tượng. Ở trên đỉnh những ngọn núi là tuyết trắng xóa, sáng lấp lóa dưới ánh mặt trời, ở dưới thung lũng là một ngôi làng nhỏ với những ngôi biệt thự được xây dựng ngay ngắn, trật tự. Tất cả được phủ bởi màu xanh ngắt của cây cỏ, rừng thông. Tobias Matter, vị giám đốc kinh doanh của Titlis Rotair dẫn đoàn đi tham quan một vòng thị trấn, bắt đầu từ con đường làng yên bình nhưng rực rỡ bởi những chậu hoa tươi trồng ở ban công hay cổng của những ngôi biệt thự rồi dẫn đến khu tu viện Biển Đức, nổi bật bởi kiến trúc Baroque của nhà nguyện. Phía sau tu viện có một nhà máy sản xuất phô mai, đặc sản nổi tiếng của vùng này…
Hệ thống cáp treo xoay vòng Titlis Rotair đưa du khách lên đỉnh của ngọn núi tuyết phủ quanh năm rất dễ dàng
Engelberg là một thị trấn nghỉ dưỡng và du lịch nổi tiếng ở vùng miền trung Thụy Sĩ, ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Thị trấn nhỏ bé này quả biết cách thu hút du khách khi dân số trong vùng chỉ có 4.000 người nhưng đón tới hơn 800.000 du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng hàng năm, nếu tính số khách ghé qua và trở về trong ngày thì còn lớn hơn nhiều. Dịch vụ du lịch của họ thực sự chuyên nghiệp và hoàn hảo, khiến chúng tôi phải tranh thủ từng giây phút để tận hưởng hết những tiện ích ở đây.
Trái tim của Engelberg chính là ngọn núi tuyết Titlis với độ cao hơn 3.200m. Đỉnh của ngọn núi này được chinh phục lần đầu tiên vào năm 1744, cha Tu viện trưởng Plazidus đã từng viết rằng: “Ngọn núi Titlis rất cao và rất đáng sợ”. Năm 1912, hệ thống cáp treo sơ khai lần đầu tiên đã được khai thác lên đỉnh Titlis và phải 80 năm sau, hệ thống cáp treo xoay vòng hiện đại Rotair đầu tiên trên thế giới được khánh thành, việc đưa du khách lên đỉnh ngọn núi dễ dàng hơn bao giờ hết.
Hang băng vĩnh cửu trên núi Titlis đẹp như một mê cung
Engelberg hợp với cả du lịch mùa hè lẫn mùa đông. Nếu mùa đông, đây là thiên đường trượt tuyết cho du khách các nước trong khu vực châu Âu thì mùa hè là nơi để du khách châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… đến đây khám phá.
Từ khách sạn, mất thêm hai chặng cáp treo nữa mới lên đến đỉnh Titlis. Cảnh quan càng lên cao càng hùng vĩ. Mặc cho cái nắng khá gay gắt, tuyết vẫn phủ trắng xóa ở nhiều địa điểm của ngọn núi và tha hồ cho du khách chơi đùa với tuyết.
Ở Titlis không chỉ có những trò chơi trên tuyết hay khám phá hang băng vĩnh cửu mà còn có nhiều trò chơi cảm giác mạnh cho các chàng trai thích mạo hiểm như chơi dù lượn, chèo thuyền kayak trong lòng hồ, leo núi băng, trượt ván… Buổi chiều cùng ngày, khi quay xuống thị trấn Engelberg, tôi và hai người bạn đồng hành còn trải qua cuộc chinh phục 6 cấp độ từ dễ đến khó của trò chơi Rope Park (đi dây trong công viên). Lần đầu tiên được làm… Tarzan, tôi mới hiểu thế nào là cảm giác sung sướng khi đi cheo leo trên dây ở trên cao, đu dây từ cây này qua cây khác hay trượt dây xuống từ độ cao gần 20m…
Rất nhiều trò vui chơi, thám hiểm cho những du khách mê thể thao
Hoạt động hết năng suất cho một ngày vui chơi giải trí ở Titlis và Engelberg, tôi trải qua một đêm ngon giấc để tiếp tục cho chuyến hành trình ngày hôm sau.
Lucerne – Thành phố thơ mộng bên hồ
Lucerne có lẽ là thành phố đặc trưng nhất của Thụy Sĩ bởi nó là hình ảnh thu nhỏ của đất nước này. Thành phố nhỏ bé nằm bên hồ Lucerne rộng mênh mông và bao quanh bởi những ngọn núi. Dù chỉ là một thành phố có diện tích nhỏ với dân số chỉ 80.000 người, Lucerne vẫn được xem là một trong những trung tâm kinh tế của Thụy Sĩ, nhờ dịch vụ du lịch và sản xuất đồng hồ.
Ở khu trung tâm của thành phố, Lucerne nổi bật với Tháp nước và cây cầu Chapel độc đáo. Cả hai công trình kiến trúc di sản này được xây dựng từ thế kỷ 13, được xem như là biểu tượng để “nhận diện” thành phố này trên các tấm postcard. Ngay từ thời Trung Cổ, Lucerne đã được mệnh danh là thành phố của những cây cầu và Chapel là cây cầu đẹp nhất. Đám cháy vào năm 1993 gần như đã phá hủy hoàn toàn cây cầu, bao gồm cả những bức tranh trưng bày trong đó, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, năm 1994, cây cầu gỗ này được phục dựng nguyên trạng. Dạo bộ trên cây cầu Chapel, ngắm những dãy hoa tươi khoe sắc đỏ quanh năm hay đàn thiên nga trắng bơi lội thản nhiên dưới hồ đem đến cho tôi một cảm giác bình yên khó tả và không muốn rời chân đi.
Cầu gỗ Chapel – biểu tượng du lịch của thành phố bên hồ Lucerne
Một trong những biểu tượng khác của Lurcene là tượng đài “Sư tử đang hấp hối” nổi tiếng thế giới của nhà điêu khắc người Đan Mạch – Thorwaldsen, được tạc để tưởng nhớ những người lính đánh thuê Thụy Sĩ bị giết hại trong khi đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ vua Pháp tại Tuleries vào năm 1792. Một anh bạn trong đoàn, vốn là người am hiểu sâu về lịch sử và văn hóa của châu Âu kể thêm cho chúng tôi những câu chuyện thú vị về sự dũng cảm, trung thành và danh dự của lính đánh thuê Thụy Sĩ khiến cảm nhận về bức tượng càng thêm sinh động và thú vị. Nhà văn Mỹ Mark Twain khi ghé qua đây đã từng viết một câu nổi tiếng về bức tượng này: “Một khối đá buồn bã và sầu cảm nhất của thế giới”.
Bức tượng “Sư tử đang hấp hối” là nơi không thể không đến chiêm ngưỡng khi đến Lucerne
Với một lịch sử khá lâu đời, Lucerne còn được biết đến với khu phố cổ với những bức tranh tường hàng thế kỷ, như một bảo tàng ngoài trời với những giai thoại thú vị. Dạo mỏi chân trên những phiến đá lát đường, bạn có thể dừng lại ở một quán ăn ngoài trời, nhâm nhi một ly bia tươi và nghe người dân bản địa kể những câu chuyện về sự tích các bức tranh tường.
Không chỉ có vậy, là một thành phố nổi tiếng về du lịch, Lucerne còn biết níu chân du khách với những liên hoan âm nhạc được tổ chức quanh năm, hệ thống shopping mall tiện nghi, đặc biệt là các cửa hiệu đồng hồ “chính hiệu Thụy Sĩ” với giá từ trên trời đến chỉ vài chục đô. Hệ thống bảo tàng cũng là một trong những niềm tự hào của thành phố. Ngay nhà ga trung tâm là Bảo tàng nghệ thuật với những bức tranh giá trị hàng triệu đô của Picasso, Erni đến Wagner. Nhưng có lẽ thú vị nhất là Bảo tàng Giao thông vận tải nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Cái tên bảo tàng nghe có vẻ khô khan, nhưng đặt chân vào bên trong thì tôi không thể cưỡng lại được bước chân khám phá của mình, dù tôi vốn không phải là dân mê kỹ thuật hay công nghệ. Trong chuyến tham quan thú vị này, tôi còn được mời thử cảm giác bay của chiếc máy bay thô sơ từ thế kỷ 19.
Thử cảm giác bay với chiếc máy bay thô sơ từ thế kỷ 19 trong Bảo tàng Giao thông
Với một đất nước có địa hình phức tạp, đặc biệt là dãy núi Apls hiểm trở nhưng người Thụy Sĩ tự hào chinh phục mọi cung đường, dù phức tạp nhất để đi đến mọi ngóc ngách của đất nước họ. Bảo tàng Giao thông cho thấy toàn bộ sự phát triển cũng như các phương tiện giao thông của Thụy Sĩ. Cộng thêm phần trưng bày thông minh, hấp dẫn khiến số lượng du khách đến thăm bảo tàng này đông nhất trong số 40 bảo tàng khắp đất nước.
Sau một ngày khám phá thành phố, chân mỏi nhừ, chúng tôi trở về khách sạn để dùng bữa tiệc buffet ngoài trời. Khách sạn nằm ở vùng ngoại ô cách khá xa trung tâm thành phố và phải đi lại bằng tàu thủy. Từ trên boong tàu, tôi trải rộng tầm mắt ngắm thành phố xa dần hay những căn biệt thự xinh đẹp ở bên hồ từ từ lướt qua. Thi thoảng, một bãi du thuyền đậu san sát, vài đứa trẻ đang tung tăng bơi lội trong làn nước trong xanh mát rượi. Đến khách sạn thì trời đã tối và se lạnh, nếu không, tôi đã nhảy ùm xuống hồ để bơi cho thỏa thích…
Những nhà hàng ngoài trời rất phổ biến ở thành phố này
Những lễ hội quanh năm cũng là một trong những yếu tố thu hút du khách đến Lucerne
Một bến du thuyền nhỏ nằm ở vùng ngoại ô thành phố Lucerne
Bern – Sống cùng di sản
Bern cũng không lớn hơn Lucerne bao nhiêu về diện tích lẫn dân số, với xấp xỉ 100.000 người sinh sống. Nhưng thủ đô của Thụy Sĩ thu hút lượng người từ các vùng khác đến làm việc nên dân số thực tế đông hơn khoảng 2 lần.
Bern là thủ đô và thành phố cổ, di sản văn hóa được UNESCO công nhận từ năm 1983. Tên của thành phố này có giai thoại khá thú vị, công tước Berchtold V Zahringen nói rằng con mồi đầu tiên ông săn được sẽ được lấy tên cho thành phố. Và đó là một chú gấu (Bern – Barn trong tiếng Đức – có nghĩa là con gấu). Huy hiệu nổi tiếng và cổ xưa nhất của thành phố xuất hiện lần đầu vào năm 1924 có hình một con gấu càng là minh chứng xác thực cho giai thoại này. Hiện nay cũng có một công viên Gấu được đặt ngay cạnh con sông Aare thơ mộng.
Bern có lịch sử hơn 900 năm, di sản còn lại là khu phố cổ với kiến trúc rất ấn tượng và vẫn được giữ nguyên cho đến ngày hôm nay. Đây được coi là một mẫu mực điển hình trong việc bảo quản tốt nhất một kiến trúc đô thị thời Trung cổ tại châu Âu.
Điểm ngắm khu phố cổ tuyệt tác này đẹp nhất là từ nhà hàng Rose Garden từ trên cao. Sau một vòng đi thăm thành phố, chúng tôi được mời dùng bữa trưa tại nhà hàng trên đồi này. Vừa mỏi chân vì đi bộ, vừa phải leo lên con dốc cao khiến ai cũng mệt phờ, nhưng quả là những người bản địa muốn tạo một bất ngờ lý thú. Khi đi đến nhà hàng ở trên cao, quay mặt nhìn xuống, cả khu phố cổ với mái ngói nâu đỏ và con sông Aare chảy qua thành phố nằm gọn trong tầm mắt bạn. Một vẻ đẹp khó cưỡng.
“Đây là nơi đẹp nhất mà chúng tôi từng nhìn thấy!”, nhà thơ người Đức, Johann Wolfgang von Goethe, đã viết trong một lá thư gửi cho bạn ông, Charlotte von Stein, trong thời gian Goethe lưu lại Bern năm 1779. Tôi đồ rằng Goethe cảm thán như thế khi nhìn Bern từ Rose Garden!
Toàn cảnh khu phố cổ Bern và dòng sông Aare nhìn từ Rose Garden – điểm ngắm thành phố đẹp nhất
Một điểm nữa tập trung đông du khách là tháp đồng hồ Zytglogge có từ nhiều thế kỷ trước nằm ngay ở một con đường phố cổ khu trung tâm. Cứ đến 12h trưa, du khách tập trung dưới lòng đường, ngước mắt nhìn lên tháp đồng hồ để ngắm một hoạt cảnh dễ thương của những chú rối tinh nghịch và tiếng chuông bing boong điểm giờ. Thêm vài bước chân nữa, con sông Aare xanh ngắt đã hiện ra trước mắt. Trong tờ lịch trình của chuyến đi, chúng tôi được dặn là nên mang theo đồ bơi. Cứ tưởng là bơi trong các hồ bơi ở khách sạn, đến Bern mới té ngửa là bơi ở Marzili, hồ bơi trên sông được đánh giá là đẹp nhất thế giới. Làn nước trong xanh, sạch đến mức có thể uống được của dòng sông này thu hút rất đông du khách nhảy xuống tắm trong những ngày cuối hè.
Ẩm thực cũng là một nét lôi cuốn khó cưỡng của Bern. Những món ăn từ khắp nơi trên thế giới được phục vụ cùng các món đặc sản truyền thống. Buổi tối, chúng tôi được mời đến một nhà hàng tầng hầm rượu vang tuyệt đẹp có tên Kornhauskeller, cách khách sạn và khu trung tâm chỉ vài bước chân. Ngay từ lối vào, nhìn từ trên cao xuống, nhà hàng này giống như tầng hầm của một nhà thờ. Một anh bạn trong đoàn thì bảo nó giống nhà hát thời xưa. Tranh cãi một hồi, chúng tôi quyết định hỏi anh bồi bàn và được cho biết nó chỉ là một nhà hàng đơn thuần. Phong cách Pháp ấm cúng, sang trọng và yên tĩnh cùng những món ẩm thực tuyệt vời và rượu vang tuyệt hảo, cảm giác của tôi như vừa được thưởng thức một bữa tiệc của các vị quý tộc châu Âu thời xưa!
Nhà hàng tầng hầm rượu vang đẹp như một cung điện
Điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình khám phá Thụy Sĩ là thành phố biên giới Basel. Tôi biết đến Basel nhờ hội chợ đồng hồ lớn nhất thế giới (Baselworld) được tổ chức vào tháng 3 hàng năm và trong một lần tìm kiếm thông tin cho chuyến du lịch bụi châu Âu, được biết Basel xếp thứ 2 trong 10 thành phố nhỏ (dân số dưới 250.000) đáng sống nhất ở châu lục này.
Toàn cảnh thành phố Basel bên sông Rhine
Đặt chân đến Basel, quả nhiên, danh sách bình chọn kia không sai. Ngay ở khách sạn Hilton tại trung tâm Basel, chúng tôi được nhận một tập sách dày cộm gồm 10 cuốn nhỏ giới thiệu về những điểm độc đáo này cho du khách, từ kiến trúc, nghệ thuật đến ẩm thực, trải nghiệm du lịch…
Basel này nằm nép mình giữa trung tâm châu Âu, sát biên giới với Pháp và Đức nên mặc dù là một thành phố nhỏ nhưng mang nhiều đặc trưng của một thành phố quốc tế, đa văn hóa, đa ngôn ngữ và rất sống động không lẫn vào đâu được.
Những chuyến xe điện chạy khắp thành phố khiến bạn dễ dàng đến bất cứ một điểm nào, miễn là có một bản đồ trong tay và nắm được hành trình của chuyến đi. Cũng giống như Bern, Basel cũng có một con sông chảy qua. Thành phố này nằm ngay đoạn uốn cong và hạ nguồn của dòng sông Rhine chảy qua nhiều nước. Du khách có thể qua lại 2 bên thành phố bằng những chiếc cầu hoặc bè trên sông. Dù phương tiện rất thuận lợi để di chuyển, nhưng cách khám phá Basel lý tưởng nhất vẫn là đi bộ. Những khu phố nhỏ, con đường quanh co trong hẻm dẫn chúng tôi đến những địa điểm thú vị và dễ thương không ngờ. Nếu mỏi chân, Quảng trường Market Square và Tòa thị chính ta có thể dừng lại, hứng nước ở bất cứ vòi nước công cộng nào để uống.
Quảng trường Market Square và Tòa thị chính
Hai địa điểm không thể bỏ qua là Nhà thờ chính tòa độc đáo ở bên sông Rhine với những bức tường đá sa thạch đỏ, mái ngói nhiều màu sắc và nổi bật với tòa tháp đôi sừng sững. Địa điểm thứ 2 là quảng trường Market Square và Tòa thị chính, nơi bạn vừa chiêm ngưỡng những kiến trúc trong tòa thị chính vừa dạo một vòng ngắm phiên chợ rau tươi, trái cây và hoa được bày bán bên ngoài, một nét văn hóa truyền thống thú vị ở đây.
Những bức tranh tường cho thấy những hoạt động nghệ thuật rất được ưa chuộng tại thành phố đa văn hóa này
Những tuyến xe điện chạy khắp thành phố rất tiện nghi cho việc khám phá Basel
Nếu say mê nghệ thuật, bảo tàng nghệ thuật tư nhân Fondation Beyeler là một điểm đáng để đặt chân đến, chiêm ngưỡng hơn 200 tác phẩm khác thường theo trường phái tân cổ điển về nghệ thuật thế kỷ 20. Đi trên phố, thi thoảng tôi bắt gặp một rạp chiếu phim ngoài trời với màn hình cực lớn hay những tấm pano quảng cáo các buổi triển lãm của các họa sỹ đương đại ở một bảo tàng nào đó. Người hướng dẫn viên lớn tuổi cho biết người Basel không thể sống thiếu nghệ thuật! Có lẽ do sự giao thoa văn hóa và địa lý đặc trưng của nó.
Còn tôi thì đã kịp nghĩ ngay đến một liên tưởng thú vị – Basel, thành phố gà gáy ba nước nghe!
Tòa tháp đôi của Nhà thờ chính tòa bên sông
Thụy Sĩ là một đất nước nhỏ ở châu Âu, nằm sát biên giới với 4 nước: Đức, Pháp, Ý và Áo. Dù là một đất nước nhỏ bé về diện tích và dân số chỉ 7,5 triệu người, nhưng Thụy Sĩ là một trong những nước giàu nhất thế giới tính về thu nhập bình quân đầu người. Năm 2011, thu nhập đầu người của Thụy Sĩ trên 70.000 USD/năm, đứng thứ 2 thế giới. Thụy Sĩ là một trong những nước ở châu Âu có lượng du khách quốc tế đến đông nhất, nhờ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những di sản văn hóa, kiến trúc đáng ngưỡng mộ. Hiện nay, khá nhiều du khách Việt Nam đến Thụy Sĩ du lịch. Bạn có thể liên hệ với công ty du lịch Thiên Thanh (Blue Sky Travel) – đại diện của khu du lịch núi tuyết Titlis Rotair và thị trấn Engelberg để có những tư vấn chương trình tham quan Thụy Sĩ hữu ích nhất.
|
Lâm Lê
Nguyễn Đình, Nguyễn Dũng…