– Chị đã từng chia sẻ “đàn ông là cội nguồn của hạnh phúc”, nhưng theo cách biểu cảm của chị thì dường như còn một vế chị chưa nhắc đến, đó là đàn ông cũng là cội nguồn của khổ đau. Có phải vì thế mà chị như chim sợ cành cong?
– Đúng! Kiềng canh nóng mà thổi rau nguội, húp phải canh nóng một lần rồi, lần sau cứ sợ sẽ bị nóng. Giữa hạnh phúc và đau khổ rất gần, không ai dám nói nắm chắc được hạnh phúc, nhất là khi nó không phải giá trị vĩnh cửu. Các thi nhân từng thốt lên: Không có ái tình/hạnh phúc vĩnh cửu, mà chỉ có giây phút vĩnh cửu của ái tình/hạnh phúc. Tôi luôn e ngại không biết phía trước sẽ là gì, vì thế, tôi chẳng dám đi tìm…
– Có phải bởi vì đàn ông quá mạnh mẽ và giỏi giang, nên khi hạnh phúc, phụ nữ ca tụng đàn ông, còn khi bất hạnh, phụ nữ lại đổ lỗi cho đàn ông?
– Cái chung thì tôi không dám lạm bàn, còn về trường hợp của riêng tôi thì tiên trách kỷ hậu trách nhân. Tôi luôn tự trách mình đã không đủ kinh nghiệm để lèo lái con thuyền vượt qua sóng cả. Nghĩ đến sóng gió ấy, tôi cố gắng làm một bà mẹ tốt, giữ mối quan hệ tốt với chồng cũ để lo cho con, để không phải ân hận lần nữa.
Tôi nghĩ nếu lỗi đến từ cả hai phía thì mối bất hòa sẽ kéo dài, nếu không lèo lái được con thuyền gia đình thì phải trách đàn bà trước chứ không phải đàn ông. Xét cho cùng, tôi thấy người đàn ông không bao giờ muốn bỏ gia đình, chỉ có muốn thêm thôi.
Nói rộng ra một chút, riêng về những trường hợp như nạn bạo hành trong gia đình mà ở ta còn tồn tại rất nhiều, các báo vẫn phản ánh hàng ngày, thì chính đàn ông phải trả lời câu hỏi này. Bao giờ có nạn vợ bạo hành chồng ngược lại thì tôi sẽ bênh vực đàn ông ngay (cười).
“Người đẹp không tuổi” – Thủy Hương
– Các thi sỹ, nhà văn thường định nghĩa phụ nữ như một bông hoa đẹp, hay trái nghịch hẳn, rằng phụ nữ như một con rắn độc. Theo chị, vì sao lại có sự mâu thuẫn ấy, và định nghĩa đàn ông của riêng chị như thế nào?
– Eva là cái xương sườn của đàn ông, luôn đi tìm một nửa còn lại của mình. Điều đó có nghĩa, đàn ông sinh ra để đem lại hạnh phúc cho đàn bà, mà đôi khi nếu không phải như vậy thì đàn bà vẫn luôn nhớ về họ. Vì thế, như đã nói, với tôi, đàn ông là cội nguồn của hạnh phúc và đau khổ.
Còn chuyện ví von phụ nữ như bông hoa hay rắn độc thì tôi nghĩ, đấy là cảm xúc nhất thời của cánh đàn ông tùy theo trạng thái tình cảm của họ. Anh không thấy những nhạc công thổi sáo Ấn Độ rất giỏi trong màn điều khiển rắn độc đấy sao?! Khi tiếng kèn sáo cất lên, con rắn độc dữ dằn sẽ hóa thành người vũ nữ xinh đẹp. Vậy nên rắn độc hay bông hoa, tất cả tùy thuộc vào bản lĩnh của các anh!
– Chị nhắc tới bản lĩnh đàn ông, nhưng tôi thấy, trong xã hội hiện đại, đàn ông càng lúc càng mất đi những giá trị truyền thống tự thân của mình. Chĩ nghĩ sao về điều này?
– Nhìn theo tiến trình lịch sử thì điều đó có vẻ đúng. Như cha ông ta đúc kết, “trai thời loạn, gái thời bình”, trong xã hội hiện đại ổn định và bình đẳng, phụ nữ có cơ hội khẳng định giá trị của họ, vai trò của đàn ông trở nên mờ nhạt hơn xưa khi phụ nữ chứng tỏ có nhiều việc họ có thể làm tốt như đàn ông mà không cần đàn ông giúp đỡ.
Có một nghịch lý, nếu người phụ nữ tỏ ra dũng cảm như một chiến binh oai hùng thì họ sẽ không cần đến người đàn ông giang cánh tay nữa. Nhưng cũng hết sức khó cho phụ nữ khi phải giữ gìn nữ tính trong lúc nỗ lực cho bằng đàn ông.
– Người mẹ một mình, kinh doanh độc lập, chị cũng là một chiến binh oai hùng đấy, có bao giờ chị cảm giác mình giống một người đàn ông?
– Tôi có làm những việc của đàn ông, nhưng tôi không cảm thấy như anh hỏi. Bởi vì tôi luôn ý thức mình là phụ nữ và giữ gìn những đặc tính mà chỉ phụ nữ mới có.
– Một câu hỏi hơi… riêng tư, một phụ nữ đẹp nổi tiếng như chị hẳn có nhiều người theo đuổi, tán tỉnh, bày tỏ…. Cảm giác của chị khi được đàn ông tán tỉnh và bày tỏ là như thế nào, vui mừng, e thẹn, bực bội, hay đang soi từng câu chữ, cử chỉ để… cười thầm?
– Người tán tỉnh tôi không nhiều như anh nghĩ. Và nếu có thì thường người ta bày tỏ rất dễ chịu, lịch sự, có khoảng cách vừa đủ để trở nên thú vị. Với những người thú vị như thế, nếu không phải là tình yêu thì đấy sẽ là những tình bạn đẹp.
Còn cảm giác cụ thể thì rất đặc biệt, khó diễn tả đó là niềm vui hay… Nhưng cảm giác được người khác yêu thương thường là chút mơ hồ về hạnh phúc, và không thể không khiến tôi bối rối.
– Những hành động nào của người đàn ông khiến chị thấy thú vị và dễ xiêu lòng?
– Cũng hơi buồn cười. Có khi tôi biết có những người đàn ông quý mến tôi, họ cứ xuất hiện phía sau tôi, nhìn vào gáy tôi. Tôi nhạy cảm nên cảm giác được và luôn… quay ngoắt lại để bắt gặp ánh mắt ấy, khiến người ta phải bối rối (cười). Sự bối rối ấy rất thú vị và đáng yêu.
Còn khiến tôi xiêu lòng thì phải ở một mức cao hơn. Tôi xiêu lòng khi một người đàn ông không chỉ đem đến sự chia sẻ mà còn khiến nhân cách của mình trở nên tốt đẹp hơn theo một cách thú vị và tự nhiên. Thời sinh viên, tôi từng xiêu lòng bởi ngưỡng mộ nhân cách và tài năng của một người thầy – người bạn lớn trong cuộc đời tôi.
Tình cảm ấy rất trong sáng và thiêng liêng. Tôi từng làm thơ gửi tặng thầy, thầy cũng làm thơ đáp lại và trân trọng tình cảm của tôi, nhưng thầy đã có gia đình. Chúng tôi dừng lại ở giới hạn. Bây giờ thầy đã mất!
– Những câu chuyện chị kể, những vần thơ chị viết, những bức tranh chị vẽ, tất cả cho thấy chị là một phụ nữ rất lãng mạn. Nhưng trải qua bao cuộc bể dâu, liệu bây giờ chị có còn đủ rung cảm để làm thơ tặng cho người đàn ông đang có (hoặc sắp có) của mình, hay những vần thơ dù còn thì cũng đã nhạt?!
– Tôi vẽ, ai cũng bảo trông bức tranh nó thiếu thiếu buồn buồn, tôi cũng chẳng biết vì sao. Còn viết, thì là thói quen từ nhỏ, mà tôi có viết hay bao giờ đâu mà sợ dở?! Chẳng qua là khi tôi cảm thấy mình nhỏ nhoi, không lý giải được chuyện đời thì viết để thấy mình yên ổn trong cái vỏ bọc của mình mà thôi. Ai cho thơ tôi nhạt, tôi cũng chịu vậy…
– Xin cảm ơn chị, chúc chị luôn hạnh phúc với cuộc sống mà mình lựa chọn.
Theo Gia Hoàng (VnMedia)