Thủy Ea Sola: “Tôi luôn đi tìm cái khác mình” - Tạp chí Đẹp

Thủy Ea Sola: “Tôi luôn đi tìm cái khác mình”

Bộ Sưu Tập

Thủy Ea Sola mang vẻ đẹp pha trộn của châu Á và châu Âu. Chị được thừa hưởng hai dòng máu của mẹ là người Pháp gốc Hungary và cha là người Việt. Tuổi thơ của Ea Sola gắn với vùng đất Tây Nguyên, nơi hùng vĩ đại ngàn và hào phóng nắng gió. Năm 11 tuổi chị về Pháp và theo học nghệ thuật múa ở trường Hoàng gia Paris, dưới sự dìu dắt của những bậc thầy lớn trong nền nghệ thuật múa hiện đại trên thế giới.

Ea Sola đã từng là diễn viên của Nhà hát ca vũ kịch (Opera Comique), rồi của Nhà hát quốc gia Chaillot, Paris. Các vở múa của chị đã có mặt ở nhiều Festival nghệ thuật múa thế giới được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Trở về Việt Nam từ 10 năm trước, Ea Sola bắt đầu đưa khái niệm múa đương đại đến cho công chúng. Các vở múa của chị như “Cánh đồng âm nhạc”, “Hạn hán và cơn mưa”, “Ngày xửa ngày xưa”, “Thế đấy thế đấy”… đã dẫn dắt người xem đi từ sự tò mò, ngạc nhiên đến thích thú. Mới đây nhất, chị đã trở lại với vở “Hạn hán và cơn mưa 2” với một màu sắc khác…
 
Rất nhiều người không đồng ý khi chị tách rời hai khái niệm múa truyền thống – múa dân gian và những phát ngôn của chị về cái gọi là “múa tuyên truyền”…

Đối với tôi, truyền thống và dân gian là hai khái niệm khác hẳn nhau. Dân gian là những giá trị mang tính vùng miền, còn truyền thống thì ở cấp độ cao hơn, nó thể hiện những giá trị mang tính xuyên vùng miền, tính bác học. Ở Việt Nam, chúng ta xác định không rõ ràng hai khái niệm này và có khi đánh đồng nó. Khi tôi nói như vậy một số người đã phản ứng, nhưng dần dần họ đã hiểu ra.

Về múa tuyên truyền, tôi nghĩ có thể xem đó là một khái niệm, và ta nên có một tên gọi chính xác cho nó. Một vở múa đưa ra những nội dung phản ánh một vấn đề mang tính chính trị nào đó thực ra cũng rất cần thiết. Tôi đơn giản chỉ muốn đề xuất những tên gọi chính xác và rạch ròi hơn trong từng khái niệm mà thôi.
 
Và một phát hiện làm ngạc nhiên giới chuyên môn, rằng các nhà hát truyền thống Việt Nam không còn nhiều tính truyền thống. Làm cách nào mà chị, một người chưa hề sống ở miền Bắc, chưa hề biết chèo, tuồng, cải lương lại phát hiện ra điều này?

Điều quan trọng không phải ta sống ở gần hay xa, mà chính là ta có một thái độ để nhìn. Khi tôi về Việt Nam, tôi đã dành một thời gian rất dài để đi khảo sát về âm nhạc và múa. 
 
Trong một số vở múa đương đại của chị như “Ngày xửa ngày xưa”, “Hạn hán và cơn mưa” đều sử dụng diễn viên là những người già, những người mà bấy lâu không còn tham gia vào đời sống văn hóa, bảo thủ, và dường như không thuộc về nghệ thuật nữa. Chị đã thuyết phục họ như thế nào để họ có thể tự tin đứng trên sân khấu?

Tôi đã đi nhiều làng quê ở Thái Bình với mục đích duy nhất là gặp gỡ, tiếp xúc với những người nông dân ở đây. Những người phụ nữ mà tôi muốn đưa lên sân khấu, trở thành một phần trong vở múa của tôi, là những người đã sống suốt đời chỉ trong một cái làng, nhưng họ và những ngôi làng của họ từng trải qua chiến tranh. Và tất nhiên là họ đã từng tiếp xúc với người Pháp, người Mỹ. Ký ức chiến tranh của họ rất rõ ràng. Tôi không tìm cách thuyết phục họ trở thành diễn viên mà tôi đến chỉ để nói với họ những điều trong ký ức của họ đã sẵn có. Chúng ta múa là tưởng niệm về những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Việt Nam. 
 
Trong vở “Hạn hán và cơn mưa 2”, cũng là một vở múa về đề tài chiến tranh, chị lại sử dụng các diễn viên múa trẻ, những người chưa hề trải qua chiến tranh. Chị định kể tiếp câu chuyện gì vậy?

“Hạn hán và cơn mưa 2” tập trung vào chủ đề: chúng ta hãy nói không với chiến tranh. Người ta hay nói thế hệ già và thế hệ trẻ, còn tôi thì nói hệ thống già và hệ thống trẻ. Hai hệ thống ấy đại diện cho cái cũ và cái mới, cái hôm qua và cái hôm nay. Hệ thống cũ là một cái gì đã ổn định, từng ngày nó vẫn đứng yên một chỗ. Còn hệ thống mới là hệ thống công nghệ, nó phát triển mỗi ngày, liên tục update. Ký ức về chiến tranh của hệ thống mới và hệ thống cũ rất khác nhau. Đa số những người của hệ thống cũ đã trải qua chiến tranh. Còn hệ thống hôm nay không trải qua chiến tranh. Nhưng không phải vì thế mà họ không có ký ức về chiến tranh. Chỉ có điều những ký ức mà họ có là những ký ức ảo, nó được hình thành bởi thông tin, sách vở, Internet. “Hạn hán và cơn mưa 2” về đề tài chiến tranh nhưng là chiến tranh mang tính toàn cầu chứ không phải chỉ Việt Nam.

Tôi có thể dựng vở này ở một nước khác, nhưng tôi chọn Việt Nam vì đây là đất nước đã trải qua chiến tranh. Bằng một cách nào đó tôi nói với các bạn trẻ của hệ thống hôm nay, rằng cha mẹ đã để lại cho chúng ta một một thế giới đầy chiến tranh, tiền và quyền lực. Và chúng ta sẽ cố gắng không để lại cho con cháu mình trong tương lai một thế giới giống như thế giới mà cha mẹ chúng ta để lại. Cách tốt nhất để nói không với chiến tranh là không cầm súng, là đấu tranh để có hòa bình. 
 
Có thể hiểu múa đương đại là một ngôn ngữ múa hoàn toàn mới, ở đó đề cao yếu tố tâm trạng, xúc cảm của từng nhân vật, không lệ thuộc vào động tác và khước từ mọi khuôn mẫu có sẵn. Vậy, khi làm việc với các diễn viên chị thường nói gì với họ?

Tôi nói, các động tác cơ thể của các bạn thể hiện chính xác những điều bạn tưởng tượng, suy nghĩ về câu chuyện mà bạn đang kể với khán giả. Tôi muốn mỗi diễn viên, tùy cá tính, vị trí, thân phận của mình mà thể hiện xúc cảm khác nhau. Với các diễn viên trẻ tôi muốn họ hãy sống đúng với thời đại và đi hết hệ thống của mình. Bởi vì khán giả sẽ cảm nhận cuộc sống bằng chính tâm huyết họ thể hiện trên sân khấu.
 
Dần dần, múa đương đại đã trở thành một khái niệm nghệ thuật quen thuộc với một bộ phận khán giả Việt Nam. Nhưng với số đông, đây vẫn là thứ nghệ thuật xa lạ và… khó hiểu. Theo cách của chị thì khán giả nên đến thưởng thức loại hình nghệ thuật này với một tâm thế như thế nào?

Đối với tôi, đương đại trước hết là một thái độ. Cần một thái độ thưởng thức nghệ thuật không đóng khung, không lệ thuộc vào những nguyên tắc đã được quy ước. Tất nhiên là múa đương đại vẫn còn khá mới mẻ với không chỉ khán giả mà cả những nghệ sĩ hoạt động trong ngành múa ở Việt Nam. Chúng ta cần thêm thời gian, không gian, sự cảm và hiểu của khán giả để không phải múa đương đại chinh phục chúng ta, mà để chúng ta trở thành chính nó. Nhưng, cũng cần phải nói thêm rằng có rất nhiều cái bịp bợm, giả dối mang danh đương đại. Nghệ thuật vị nhân sinh là nghệ thuật không có giả dối. Nếu người nghệ sĩ mưu cầu cá nhân quá nhiều, thứ nghệ thuật mà anh ta mang tới cho khán giả là không đích thực.
 
Từ những năm 1995, bằng các vở múa của mình, chị đã đưa rất nhiều người Việt bình thường, là những nông dân thuần túy, lên sàn diễn ở những sân khấu lớn và sang trọng tại Pháp, Mỹ và nhiều nước khác. Ngay cả việc những người nông dân, vốn quen chân lấm tay bùn và sống suốt cuộc đời trong những ngôi nhà đơn sơ đến ở trong những khách sạn 5 sao đẹp nhất cũng tạo ra một cảm xúc thú vị, thậm chí là một bước thay đổi lớn cho chính họ. Liệu chị có cảm thấy như vậy không?

Đúng là tôi cũng có một cảm nhận khác biệt. Với những chuyến đi trình diễn ở nước ngoài, tôi đã mời khoảng 200 người nông dân Việt Nam, những người vốn nhiều đời không đi ra khỏi ngôi làng của mình. Tôi cho đó là những cuộc di chuyển lớn. Họ từ cánh đồng bước lên sân khấu, lao động nghệ thuật trước sự ngắm nhìn của thế giới, ở trong khách sạn tiện nghi và rồi tất cả lại trở về cày cấy trên cánh đồng của mình. Tôi thực sự muốn giới thiệu hình ảnh văn hóa Việt Nam với thế giới bằng những điều giản dị nhất. Tôi cũng nhận thấy bạn bè quốc tế rất cảm động về con người Việt Nam trong cách giới thiệu mộc mạc ấy.
 
Có thể thấy không có nhiều nghệ sĩ đi theo con đường nghệ thuật múa đương đại của Ea Sola. Chị có buồn về điều này?

Trong lúc lao động nghệ thuật, va đập với đời sống và bạn nghề, tôi nhận ra có nhiều người đi cùng tôi trên con đường tôi đang đi. Tất nhiên không quá nhiều, nhưng là nhiều hơn tôi tưởng. Và tôi tin con đường tôi đi luôn có sự tiếp nối. Tôi không còn nhiều ham muốn dựng vở cho riêng mình nữa mà muốn giúp đỡ những người đi chung đường với tôi, để 10 năm, 20 năm sau chúng ta sẽ xây dựng được những tư tưởng, những tác giả thực sự “bền”, tạo ra một hình ảnh mới về Việt Nam trong nghệ thuật múa. 
 
Là một nghệ sĩ danh tiếng cũng đồng thời là một phụ nữ sống và hoạt động nghệ thuật ở nhiều quốc gia, chị có thể nhận xét gì về phụ nữ Việt Nam hiện đại?

Tôi nhận thấy là chỗ đứng của chị em phụ nữ Việt Nam hôm nay vẫn chưa vững chắc. Ở thành thị thì có vẻ yên lòng hơn, nhưng ở các vùng nông thôn phụ nữ vẫn thụ động, chịu đựng. Họ thực sự chưa có được nhiều sự thay đổi. Cuộc đời của họ không khác cuộc đời của bà, của mẹ mình bao nhiêu. Rất nhiều trong số họ chưa biết nhìn nhận đúng về bản thân, về vẻ đẹp mà họ có. Họ cũng không có được cái nhìn đúng về đàn ông.
 
Vậy còn chị, chị nhìn thế nào về đàn ông?

Tôi là một phụ nữ và tôi luôn đi tìm kiếm cái khác mình. Cái khác tôi không gì khác, đó chính là đàn ông. Không có đàn ông, cuộc sống của tôi mất hết ý nghĩa. Tôi là nghệ sĩ múa, tôi cảm nhận vẻ đẹp thân thể của người đàn ông hết sức đặc biệt và đẹp, nó trong sáng hơn cơ thể của người phụ nữ. Mặc dù tôi thấy nhiều đàn ông không biết cách đối xử với phụ nữ, nhưng tôi vẫn cảm động về họ.
 
Với ý nghĩa như vậy, tại sao tới giờ chị vẫn chưa lập gia đình. Hầu hết những người phụ nữ Á Đông đều mong muốn có một gia đình, sinh con để có thể nương tựa vào chúng lúc tuổi già…

Tôi không có ý định lập gia đình. Và cũng không sinh con chỉ vì ý nghĩ mình sẽ nương tựa vào nó lúc tuổi già. Bởi vì đó chính là cách thể hiện tính ích kỷ vĩ đại của con người. Họ muốn có con không phải vì chính đứa con ấy, mà vì chính bản thân mình. Họ lo sợ tuổi già, nỗi cô đơn và sự bất trắc…/.

Thực hiện: depweb

27/12/2005, 10:42