Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sông Mê Kông nói: ĐBSCL được hình thành qua quá trình phù sa sông Mê Kông bồi đắp kéo dài 6.000 – 7.000 năm. Sự tồn tại và phát triển của ĐBSCL cũng chính do dòng sông Mê Kông tạo nên với 2 trụ cột kinh tế là nông nghiệp và thủy sản – cũng xuất phát từ yếu tố đất và nước. Tuy nhiên, những lợi thế tự nhiên của vùng đang bị mất dần và đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.
|
Sạt lở, suy giảm nguồn nước
Sự suy giảm nguồn nước được TS Đào Trọng Tứ (VRN) giải thích: Trong kế hoạch phát triển thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông, từ năm 1993 – 2012, Trung Quốc đã và đang hoàn thành 5 công trình lớn, gồm Mãn Loan (Man Wan – 1993, 1.500 MW), Đại Triều Sơn (Dachaoshan – 2003, 1.350 MW), Cảnh Hồng (Jinghong – 2009, 1.500 MW), Cống Quả Kiều (Gongguaqiao – 2011, cao 105 m), Tiểu Loan (Xiaowan – 2012, 4.200 MW, lớn thứ 2 Trung Quốc, chỉ sau Tam Hiệp trên sông Dương Tử). Ngoài ra còn 3 con đập khác đang trong quá trình xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Các nhà khoa học xác định, trong khoảng một chục năm qua, nước từ sông Mê Kông đổ về ĐBSCL suy giảm có nguyên nhân từ việc các con đập trên thượng nguồn đang trong quá trình tích nước. Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), cho biết: “Một nghiên cứu của WWF cho thấy hiện tượng sạt lở và bồi lắng ở vùng ven biển ĐBSCL đang diễn ra có chiều hướng bất thường. Trong khoảng 20 năm gần đây, hiện tượng sạt lở bờ biển là rất đáng báo động, với mức trung bình là 8 m/năm”.
Bà Nhung phân tích, phù sa trên sông Mê Kông chủ yếu là các hạt cỡ trung và lơ lửng. “Thiết kế của đập Xayaburi gần như không cho phép phù sa đi qua được”, bà Nhung nói.
Cần phối hợp nghiên cứu toàn diện hơn
Trở lại câu chuyện đập Xayaburi, các chuyên gia đều cho rằng Lào chưa tuân thủ nghiêm quy trình PNPCA (thông báo, tham vấn và thỏa thuận – ra quyết định). Phạm vi nghiên cứu đánh giá tác động môi trường chưa đủ và chưa có nghiên cứu tác động xuyên biên giới. Vì vậy, ngoài việc yêu cầu phía Lào cung cấp đầy đủ, minh bạch hóa thông tin, nghiên cứu tác động môi trường xuyên biên giới…, chúng ta cần phải có những nghiên cứu mang tính định lượng rõ ràng, cụ thể của riêng mình để chứng minh rằng việc xây dựng đập có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến Việt Nam. Từ đó làm cơ sở để yêu cầu chính phủ Lào dừng việc xây đập hoặc bồi thường khi có thiệt hại.
“Giả sử chính phủ Lào tuân thủ nghiêm túc tuyên bố hoãn dự án xây dựng đập thủy điện Xayaburi thêm 10 năm nữa, nhưng sau đó thì sao? Rất có thể nó sẽ được xây dựng. Sau Xayaburi có thể là Sambor của Campuchia, gần biên giới Việt Nam”, một đại biểu đặt giả thuyết.
GS-TS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA, kết luận vấn đề đập thủy điện trên sông Mê Kông cần phải được phối hợp nghiên cứu sâu rộng và toàn diện hơn, giữa các tổ chức của Việt Nam và giữa Việt Nam với các nước trong và ngoài lưu vực. Đặc biệt là cần phải có giải pháp thay thế để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Trung Quốc bị từ chối các đập thủy điện Ngày 30.9.2011, Myanmar tuyên bố đình chỉ xây dựng đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư vì có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và xã hội. Ngày 29.5.2012, Iran cũng hủy hợp đồng xây dựng Nhà máy đập thủy điện Bakhtiari với công suất 1.500 MW, trị giá 2 tỉ USD với Trung Quốc. Chính các đập thủy điện cũng đã gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề với người dân Trung Quốc. Các nhà địa chất Trung Quốc đã khẳng định chính đập nước Zipingku đã gây ra trận động đất 7,9 độ Richter ở Tứ Xuyên (12.5.2008), làm chết hơn 70.000 người. Năm 1975, đập chứa Banqiao ở tỉnh Hồ Nam bị vỡ kéo theo nhiều đập khác bị vỡ làm khoảng 171.000 người (có tài liệu nói 230.000) thiệt mạng, 11 triệu người mất nhà cửa. TS Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ) |
Theo Thanh Niên