Khi kênh dẫn nước (bên phải) của thủy điện Sêrêpốk 4A hoàn thành, 20km sông Sêrêpốk chỉ còn lưu lượng dòng chảy 8m3/giây – Ảnh: Tr.Tân
Theo thống kê của Sở Công thương Đắk Lắk, đến nay trên sông Sêrêpốk có bảy nhà máy thủy điện đã và đang xây dựng gồm: Buôn Tuôr Sar, Buôn Kuôp, Hòa Phú, Đray H’ling, Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 4 và Sêrêpốk 4A. Sắp tới, thủy điện thứ tám trên dòng sông này là Đrăng Phốk (xã Krông Na, Buôn Đôn) sẽ được xây dựng. Điều đáng nói là vị trí xây thủy điện Đrăng Phốk nằm giữa vùng lõi vườn quốc gia Yok Đôn và đây sẽ là mối đe dọa trực tiếp đến môi trường và công tác bảo vệ rừng…
Xé vùng lõi để xây thủy điện
Thủy điện Đrăng Phốk có công suất 26MW, nằm trong khu vực biên giới và là đoạn cuối cùng của dòng sông Sêrêpốk trước khi nó ra khỏi lãnh thổ VN. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới (Tecco – TP.HCM). Để xây dựng thủy điện Đrăng Phốk sẽ có gần 53ha rừng đặc dụng vườn quốc gia Yok Đôn bị đốn hạ, chiếm dụng vĩnh viễn và 10ha bị chiếm dụng tạm thời.
Chiều 10-12, sau hơn hai giờ lội rừng, chúng tôi đến được tiểu khu 430, 431 và 451 thuộc lâm phần vườn quốc gia Yok Đôn. Tại đây, chúng tôi ghi nhận rừng còn khá dày với nhiều cây gỗ dầu, cà chít, bằng lăng, căm xe với đường kính 20-50cm. Các cây gỗ lớn nằm cách nhau khoảng 5-7m, có cây chu vi bằng một người ôm. Theo hai cán bộ kiểm lâm vườn quốc gia Yok Đôn, khu vực này nằm trong vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt của vườn. “Nếu nói khu rừng nơi đặt nhà máy thủy điện là rừng nghèo kiệt cũng không hẳn đúng vì rừng ở vườn quốc gia Yok Đôn hầu hết đều có hiện trạng tương tự thế này. Hơn nữa, khu vực rừng giải tỏa để sử dụng tạm thời là 10ha nên sau khi xây dựng xong nhà máy sẽ hoàn trả lại rừng cũng không khả thi, bởi vườn quốc gia Yok Đôn tất cả đều là rừng khộp, thời tiết sáu tháng mùa khô nên không thể chặt cây rồi tái sinh được” – một kiểm lâm viên nói.
Ngoài việc ô nhiễm môi trường, tác động đến hệ sinh thái thì việc dâng nước lòng hồ của thủy điện Đrăng Phốk sẽ tạo điều kiện cho lâm tặc xâm nhập và vận chuyển gỗ lậu bằng đường thủy… Ông Trần Văn Thành, quyền giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn, cho biết việc xây dựng thủy điện Đrăng Phốk trong vùng lõi sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của vườn quốc gia Yok Đôn về lâu dài. Trong quá trình thi công, xe máy và các thiết bị khác, đặc biệt là việc nổ mìn phá đá, sẽ gây ô nhiễm môi trường sinh thái, gây tiếng ồn làm động vật hoang dã bỏ đi nơi khác. Ngoài ra, chặn dòng Sêrêpốk là chặn đường di cư, sinh sản, thay đổi môi trường sống của các loài thủy sinh.
Một khu rừng tại tiểu khu 430 thuộc vùng lõi vườn quốc gia Yok Đôn, nơi dự kiến đặt nhà máy thủy điện Đrăng Phốk – Ảnh: B.D.
Nắn dòng Sêrêpốk vì thủy điện
Việc thủy điện Đrăng Phốk đe dọa hệ sinh thái, công tác bảo vệ rừng của vùng lõi vườn quốc gia Yok Đôn chỉ là tương lai xa, trong khi thủy điện Sêrêpốk 4A đe dọa hệ sinh thái 20km sông và hệ sinh thái khu vực này là điều có thể thấy ngày một, ngày hai.
Dự án thủy điện Sêrêpốk 4A (công suất 64MW), do Công ty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư, sẽ đắp đập ngăn dòng Sêrêpốk, tận thu nguồn nước từ thủy điện Sêrêpốk 4, dẫn bằng kênh trên 9km vào Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A, rồi thêm 4km kênh dẫn nữa nước mới trở lại sông Sêrêpốk. Từ trên cao nhìn xuống, sông Sêrêpốk như có thêm một nhánh, tuy nhiên nó sẽ sớm cạn kiệt nhánh chính khi thủy điện Sêrêpốk 4A đi vào hoạt động. Theo ước tính, 20km sông Sêrêpốk đi ngang vườn quốc gia sẽ “chết” khi công trình thủy điện Sêrêpốk 4A đi vào hoạt động.
Khi dự án thủy điện Sêrêpốk 4A có chủ trương xây dựng, vườn quốc gia Yok Đôn đã có ý kiến, gửi công văn yêu cầu xem xét không xây dựng thủy điện bằng phương án làm kênh dẫn nước. Theo vườn quốc gia Yok Đôn, đoạn kênh dài hơn 9km dẫn nước từ Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4 về Sêrêpốk 4A sẽ khiến 20km sông Sêrêpốk mất dòng. Với mực nước quá thấp quanh năm như vậy ảnh hưởng vô cùng lớn đến chế độ dòng chảy, đến hệ sinh thái khu vực sông này và khu du lịch sinh thái Bản Đôn cũng sẽ “chết” theo. Ông Trần Văn Thành lo lắng: “Sông cạn nước sẽ tạo điều kiện cho lâm tặc càng thuận lợi xâm nhập vùng lõi vườn quốc gia để khai thác và vận chuyển gỗ trái phép. Ngay cả Tổng cục Lâm nghiệp đã có ý kiến đề nghị ngưng xây dựng thủy điện Sêrêpốk 4A nhưng dự án vẫn được thực hiện…”.
Hiện công trình kênh dẫn nước đang được xây dựng rầm rộ tại các xã Ea Wer, Ea Huar, Krông Na (huyện Buôn Đôn). Chủ đầu tư vẫn thuyết phục người dân rằng kênh dẫn nước sẽ tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, sắp tới khi dòng sông chính bị đắp chặn, toàn bộ nước sẽ được dồn về để chạy máy tại thủy điện Sêrêpốk 4A.