Thủy chung + yêu màu tím... - Tạp chí Đẹp

Thủy chung + yêu màu tím…

Sống


Dân văn phòng thường hay bị giày vò về tinh thần, luôn tìm cách xả stress thế nào cho êm ái, nhẹ nhàng và lạy trời, đừng có nhức óc thử thách kiểu đường lên đỉnh Olympia. Êm ái và không mệt óc thì hãy lấy thứ dễ nhận ra nhất làm ví dụ: thói quen hát karaoke. Nhạc nổi lên, chữ chạy, và cứ thế mà hát cho khớp. Công việc nặng nề nhất đối với dân văn phòng mỗi khi đến quán karaoke, có lẽ là chọn bài.

Nhìn rộng ra, những thú vui căn bản khác của các viên chức thành thị, cũng chỉ cốt yếu loanh quanh những gì dễ dùng. Cho nên, có một ngày tự nhiên bạn thấy mình nói bằng lời của những ngôn từ như của Meg Ryan với Tom Hanks (rất là duyên dáng) trong phim “Bạn có thư” hay viết mail với giọng điệu của cẩm nang “1000 bức thư tình hay nhất” (rất là cảm động). Nhưng mà bạn hơi ngượng vì hình như đó chẳng phải giọng bạn, mà bạn cứ thấy nó… sến thế nào.
 
Ba mươi năm trước, sổ tay của những cô gái chàng trai vẫn ưa ghi những trang tự bạch kiểu “con gái Marx hỏi cha mười điều cha thích nhất và ghét nhất” với những câu như “hạnh phúc là sự đấu tranh”. Bây giờ, “yêu màu tím – ghét sự giả dối” đã mang ý vị hài hước và méo mó chế thành “yêu màu tím – ghét hoa sim”. Hoa hậu nào cũng “đòi hòa bình – yêu trẻ em – căm ghét chiến tranh” và nước mắt xúc động, đặt tay kìm tiếng nấc đã thành công thức phút đăng quang. Những kiểu công thức đó nhiều khi cũng dễ có được sự thông cảm, dân văn phòng chúng ta cũng cười mà rằng, ừ thì nó “sến vãi hàng” như cách nói thông tục bây giờ. Sến mà vui thì cũng được, lại có thêm những trận cười giễu cợt với nhau bổ sung vào kho tiếu lâm văn phòng đang có nguy cơ cạn dần.

 
Bạn có thấy, hôm nay bạn thấy chồng mình đáng yêu quá vì đã rất galăng (làm việc nhà, chở vợ đi xem phim, hai người có một đêm mặn nồng), thì bạn sẽ nói gì đây hay là phải mượn những lời lẽ bóng bẩy mà ngay bạn cũng đỏ mặt nhớ lại (gớm, sao mà sến kinh). Thẳng thắn thì cũng hay, nhưng đến câu “em yêu anh” cũng ngường ngượng và cụt lủn thế nào. Vậy là sến cứ thường trực ở trong tủ từ ngữ và mẫu ứng xử chỉ chờ có dịp tuôn ra, là bảo bối, cẩm nang là tùy trường hợp.

 
Tại vì sến, trước hết là lãng mạn quá mức. Lãng mạn kia cũng có ba bảy đường, vậy sến là cách người ta nhìn vào đời, giải sầu, xả stress, bằng khía cạnh lãng mạn ít cầu kỳ nhất. Mất gì đâu, ai cũng biết sến là buồn cười, nhưng đóng vai thôi, chúng ta làm sao mà rơi vào bẫy để sến chi phối mình được. Chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ 19 chết từ lâu rồi, đừng đòi dân văn phòng thổn thức với mối tình đau khổ của Romeo và Juliet, nhưng chúng ta vẫn nô nức cảm động với những mối tình diễm lệ chênh lệch giầu nghèo y chang cổ tích “Cô bé Lọ Lem”, dù là Lọ Lem hè phố hay Lọ Lem ở Mỹ. Nàng Scarlett O’Hara trong “Cuốn theo chiều gió” ghét Melanie ghê gớm, còn chê Melanie là “sến” và giả tạo kinh người chỉ vì cái sự ghen tuông.

 
Sến lúc này như ngự trị trong một vùng thùy não không rõ chiếm bao nhiêu khối tích, vì lẽ sến không định hình rõ thành một phản xạ thần kinh lý tính. Dù yêu hay chối, sến vẫn cứ hiện hữu như một trạng thái tâm lý tình cảm. Sến của một trăm năm trước là “như nàng lấy hiếu làm trinh”, của hôm nay là “xin lỗi em, ngàn lần xin lỗi em”. Bạn thấy điểm gì chung giữa chúng? Tưởng không có gì vô tình hơn câu trên và ráo hoảnh hơn câu dưới. Gặp lại người yêu sau mười lăm năm và khen bằng một câu như thể hương lý xã đọc sắc phong, đấy là Kim Trọng trong một tác phẩm kinh điển.

Ngày nay, lời xin lỗi đã thành phép xã giao lịch sự phổ biến đến mức người con trai dẫu có ăn năn bao nhiêu cũng chỉ gây một cảm giác về một cách nói thậm xưng. Sự nhàn nhạt và ầu ơ của sến nằm trong mức độ trách nhiệm với thông tin đưa ra vốn đã có phần hời hợt. Sến lúc này ngầm mang lại một thông điệp: chẳng có gì quan trọng cả, bi lụy thế thôi nhưng vết thương lòng nào cũng hàn gắn được, “đau một lần rồi thôi”. Vì thế, những người có xu hướng đề cao tính cổ điển và bảo thủ thường không ưa sến. Và cũng vì tính nửa vời, khóc thương “rồi ngày tháng phai đi” của sến cũng làm những kẻ cấp tiến dè bỉu.
 
Sến nghiễm nhiên thống lĩnh tâm lý xã hội của một lực lượng đông đảo người trong xã hội. Sến phân vùng thị hiếu, đẳng cấp và mức sống. Nói chung, sến vẫn cứ bình yên sống trọn vai của nó theo những chuyến đò sông nước hay phố chợ ngày phiên.

 
Sến là một giấc mơ trung bình, không nặng nề cũng không hoành tráng để khi tỉnh dậy ngẩn ngơ bàng hoàng. Sến là một phương tiện để chuyên chở những nỗi niềm bình thường, phù phiếm nhưng lại dễ đạt được ngưỡng cảm xúc mong đợi hơn là những tiêu chí khác cao cấp hơn. Sến không gây nên cơn biến động nào mạnh, nhưng những ảnh hưởng của nó trong đời sống đã trở thành một loại quy tắc giao tế xã hội, thông qua các mẫu hành vi vốn tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng.

 
Còn dân văn phòng, vốn thường nhắc đến sến nghĩa là cái gì đó quê mùa và không đủ sành điệu, thì lại cũng có tinh thần sến ở những biểu hiện khác, mặc dù thành thị hơn và mang nhiều nhãn hiệu thời trang hơn. Ừ thì ở quê chỉ có đuổi nhau quanh gốc cây xoan rồi quanh đống rơm, chúng mình tính “ra giêng anh cưới nàng” là sến toàn phần. Nhưng ở thành phố thì tặng bó hồng đỏ thắm bọc năm lớp giấy nhăn buộc ruybăng lụa rồi chở nhau đi quanh từ Hồ Gươm lên Hồ Tây, xong rồi vào Vincom xem phim Mỹ có máy lạnh mà nhấm bắp rang bơ, là sến tập một. Mười năm sau hôn nhân thì thi nhau tuyệt vọng trên các diễn đàn internet là sến tập hai (có gì đâu, rồi ngày mai anh ấy cũng về), mà cái vụ sến này không biết còn đến khi nào mới dứt (anh ấy lại không ngủ ở nhà nữa các chị ạ).

Vốn sến trong tình cảm đã là cái gì rất sáo mòn, lặp đi lặp lại, nhưng với dân văn phòng, khả năng nhân bản hàng loạt còn hoành tráng hơn. Chẳng hạn chuyện “ăn phở”, ra sức sáng tạo phiêu lưu trong tình cảm hay ho bao nhiêu, cách giải quyết lại dường như cứ chỉ nhăm nhăm có chừng ấy kiểu, kết cục toàn đau thương ê chề là nhiều.
 
Đến đây, liệu dân văn phòng có chọn nổi kiểu nuốt cay “thuốc đắng” liều cao cho chừa chết hẳn thói tật hay thôi thì cho phép mình sến một tí mà nguôi ngoai hơn bao nhiêu? Ta chả nói đi nói lại với chính mình và với cả trăm chị em trên diễn đàn rằng “mình biết tính mình chứ. Mình chẳng phải công tắc mà tắt cái rụp là xong. Kinh nghiệm dù buồn cũng tốt”.

 
Sến không gây nên cơn biến động nào mạnh, nhưng những ảnh hưởng của nó trong đời sống đã trở thành một quy tắc giao tế xã hội, thông qua các mẫu hành vi vốn tràn ngập phương tiện thông tin đại chúng.

 

Bài: Nguyễn Trương Quý
Minh họa: Phạm Duy Đăng

Thực hiện: depweb

22/07/2008, 08:40