1. Thực lòng, tôi không biết làm sao để viết tiếp những bài báo về cuộc đời của Thương Tín. Mỗi khi ngồi sắp xếp lại quần áo đã chật, đồ chơi của con gái tôi, để nhắn Thương Tín chạy qua tòa soạn mang về cho bé Thảo, con gái anh, tôi lại thấy nặng lòng. Có lần, Thương Tín chạy qua nhà tôi chở về chiếc xe đạp cho bé tập đi, hàng xóm ôm bụng cười vì cách anh loạng choạng trên đường với sự cồng kềnh khó tả. Trong tiếng cười ấy, có nhiều sự thương hại.
Nam tài tử nổi tiếng một thời giờ tóc đã bạc, cơ thể đã xuống sắc, đời sống bấp bênh. Đi phim thì không đắt show, cát-sê còn bị người ta ăn quỵt, lương chẳng có, lấy gì mà sống. Người đời chép miệng, chê bai, hay thương cảm, nhiều sắc thái đa chiều. Nhưng tóm lại, chẳng ai sống thay hoặc chia nghèo sẻ khổ được với người đã hết thời. Vậy thì nói tới nói lui được gì hơn, kiếm chuyện làm quà được vài trống canh, chỉ “sướng miệng” khi ấy. Những lúc tĩnh lại, thấy tràn ngập nỗi ân hận.
Thỉnh thoảng, Thương Tín lại nhắn tin cho tôi nhờ giúp đỡ việc gì đó, lặt vặt. Anh ít khi điện thoại. Có lẽ vì ngại, mà cũng có thể vì điện thoại đã hết tiền. Các chiến hữu xưa cũ của Thương Tín, nhiều lắm. Vài ông có địa vị ở tỉnh này, tỉnh khác. Nhưng khi Tín lâm vào hữu sự, thì bặt tăm bặt tích. Họ chỉ thích kéo Tín tới các chầu nhậu, nghe anh kể về các chuyện đã qua, rồi chụp hình kỷ niệm. Vậy là hết. Đời này, phù suy đâu có mấy người. Thương Tín thật thà như cây như cỏ. Việc gì cũng dốc ruột dốc gan ra, ai nói ai chửi gì anh đều lặng im. Và chấp nhận. Vì thế mà người nào hiểu Tín rồi, cũng nên nói ra vài lời, coi như biết mình biết thiên hạ. Chứ nước chảy bèo trôi, mọi thứ cũng đều tới sự hư vô cả, cắng đắng nhau làm chi cho thêm nghiệp chướng.
Tôi bị níu vào cảnh như thế, dù là hợp đồng viết lách cho Thương Tín đã hoàn tất. Cách nay ít bữa, tôi nhận được lời đề nghị viết về người phụ nữ tên Nghĩa, một trong những mối tình đáng nhớ của Thương Tín, mà chỉ đến khi người đã không thể trở về đời sống nghiệt ngã này nữa, ấy cũng mới là lúc Thương Tín cảm thấy biết yêu, biết trân trọng cái tình. Lúc ngồi nghe Thương Tín kể lại, tôi đã dấy lên cảm giác hoài nghi. Hay là ông này chỉ yêu người ta vì tiền. Khi người ta đi xa rồi, tiền bạc cũng đi theo?! Hay là tiếc tiền, chứ tiếc gì người?!
Nhưng sau những ngày dài lắng nghe và chia sẻ, chứng kiến Thương Tín rớm nước mắt mỗi khi nhắc tới Nghĩa, thì tôi hiểu, tình cảm ấy là thật.
Mới đây, khi ngồi ăn trưa với anh Hai của ca sĩ Hồ Lệ Thu – anh từng làm phó cho đạo diễn Lê Cung Bắc trong các đoàn quay phim cùng Thương Tín, tôi nghe anh kể, Thương Tín sống tình nghĩa lắm. Trong đoàn mà có ai gặp chuyện này chuyện nọ, là Tín để tâm giúp đỡ. Thương Tín sẵn lòng dốc hết ví để giúp đồng nghiệp. Không phủ nhận, nam nghệ sĩ này là người đa nhân cách. Cờ bạc, hút chích đều dính. Những “phốt” ấy làm lu mờ điều đáng quý trong con người anh. Tiếc cho Thương Tín ở chuyện ấy. Còn riêng về tình ái, giới nghệ sĩ đều biết, phụ nữ chủ động đi theo Tín, mê vẻ phong trần của Tín hơn cách Tín tán tỉnh “săn mồi”.
2. Chị Nghĩa, nữ đại gia thế hệ đời đầu của Sài Gòn, đã đến với cuộc đời Thương Tín bằng tất cả sự si mê của người đàn bà khao khát tình yêu. Chồng bị đi học tập cải tạo, chị Nghĩa một tay nuôi hai đứa con, bay đi Thái Lan hàng ngày như cơm bữa để “đánh” hàng điện tử về Sài Gòn, từ đó phân phối đi tất cả các tỉnh thành. Thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm. Nhà ai có được dàn loa, dàn ampli xịn nhập từ nước ngoài, thì phải khoe tới mấy tháng chưa hết. Chị Nghĩa hốt bạc từ việc kinh doanh, làm ăn của mình. Thương Tín từng kể, dưới nệm giường là nơi để tiền của người đàn bà thành đạt này. Tiền đô la Mỹ xếp lớp như cá mòi. Câu nói “nằm trên tiền” thật đúng nghĩa đen với cặp đôi này lúc đó.
Trong hoàn cảnh ấy, chị Nghĩa chỉ cần tình yêu. Chị không hề biết Thương Tín là diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Chị cũng hoàn toàn không cần biết Thương Tín có yêu mình hay không. “Chỉ cần em yêu anh là đủ”, người đàn bà cá tính này đã hơn một lần nói với Thương Tín, khi Tín vì sự bộc tuệch của mình, ít có sự khéo léo như thường thấy, luôn giãy ra: “Anh không có yêu em đâu”. Nếu vì tiền, lẽ ra Thương Tín phải dẻo miệng, phải biết cách giữ chân người vừa cung phụng yêu đương, vừa cung cấp tiền đầy túi. Nhưng Tín đã không như vậy, cuối đời làm cuốn hồi ký cũng không chịu như vậy. Cứ chân chất đến nghiệt ngã, và thêm hứng chịu những va đập không đáng có.
Chị Nghĩa, người phụ nữ sành sỏi trong thương trường, sao không biết ai là kẻ đào mỏ, ai là người chân tình. Người đàn bà đã làm ra rất nhiều tiền, không bao giờ là người tầm thường. Đã từng có bạn đọc nhận xét: “Đàn bà si tình nên ngu dại”. Tôi thì không đồng ý ý kiến này. Với hoàn cảnh và tình cảm khi đó, chị Nghĩa thà chọn người đàn ông “có sao nói vậy”, đúng tính cách Nam bộ, còn hơn kiếm người thơn thớt ngọt ngào, mà dã tâm chiếm đoạt tài sản, chỉ cần có cơ hội là ra tay.
Với diễn biến tâm lý và tính cách như thế, ông chồng cũ, đang ở trong trại cải tạo, cho đàn em tới dọa nạt Tín – Nghĩa, thì người đàn bà này đã gom toàn bộ tiền bạc, bán hết nhà cửa ở Sài Gòn, để đưa Thương Tín và hai con vượt biên. Chỉ cần chi tiết này thôi, cũng đủ thấy chị Nghĩa đã yêu không lầm người: bao nhiêu vàng và đô la, Thương Tín đưa chị Nghĩa giữ hết khi lên chiếc thuyền thúng để ra tàu lớn.
Về phần Tín, anh nhường mọi người lên trước, để đi sau. Ai mà ngờ khi chiếc thuyền thúng đưa chị Nghĩa và hai con vừa tới tàu lớn, thì tàu ngóc đầu nhổ neo. Đã hết giờ “mua bãi”. Ở trong bờ, mọi người la khóc um sùm. Cũng giống như Thương Tín, bao nhiêu mối quan hệ chính thức bị cắt đứt ở giây phút ấy. Sững người nhìn chiếc tàu rời bờ xa dần, Thương Tín thất thểu quay trở lại Sài Gòn. Với hai bàn tay trắng.
Trong suốt thời gian yêu đương và chung sống với Thương Tín, chị Nghĩa cũng nếm đủ cung bậc như nhiều phụ nữ khác: ghen tuông, khổ sở, day dứt. Chị yêu người đàn ông mà có bao nhiêu cô gái trẻ đẹp, nổi tiếng trong giới giải trí mê, hỏi sao mà không đau đớn vì ghen tuông. Thương Tín, tất nhiên chẳng vừa, đào hoa như thế, phụ nữ theo đuổi như thế, “hư hỏng” cũng là lẽ thường. Nhưng Nghĩa chấp nhận hết, để được ở bên người đàn ông của mình.
Thậm chí, tới khi Thương Tín vì yêu một nữ diễn viên, mà quyết tâm dứt bỏ chị Nghĩa. Họ đứt đoạn thật sự trong gần 2 năm. Nữ diễn viên ấy vì đi nhảy đầm mà sảy mất đứa con với Tín, vừa buồn bã tâm, vừa nhạt nhẽo tình, qua Mỹ định cư, thì chị Nghĩa lại “đưa” Tín về trong vòng tay của mình. Tình nồng cháy như thế, chẳng mấy ai có được.
3. Sau khi biết chiếc tàu chở chị Nghĩa cùng hai con va phải đá ngầm, tan xác, Thương Tín suy sụp. Người đàn ông tưởng chai sạn với các cuộc tình, giờ mới thấm nỗi đau và biết thế nào là tình yêu. Cho đến tận giờ, “tôi không dám đứng trước biển, tôi sợ tiếng sóng biển”, Thương Tín rớt nước mắt mà kể.
Cả đời này, với nam tài tử, chỉ một tình yêu ấy thôi, cũng đủ để sống cho bao nhiêu cuộc đời tẻ nhạt khác.
KHOAN DUNG CẦN CẢ MỘT ĐỜI
Khoan dung không chỉ là tha thứ. Khoan dung còn là mở lòng chấp nhận và đón nhận những thứ khác, ngoài mình. Là cái nắm tay người bên cạnh, nụ cười mỉm với người đến sau, hay cái nhìn sẻ chia cho người đến trước… Khoan dung không chỉ trong một ngày 16/11 như UNESCO đã chọn. Khoan dung đôi khi cần cả một đời.
Đẹp tháng 11 xin gửi đến bạn đọc những câu chuyện từ lòng khoan dung, từ những người sống với nhau, để yêu và thương nhau như thế.