Thưởng Tết hay trả 15 tháng lương? - Tạp chí Đẹp

Thưởng Tết hay trả 15 tháng lương?

Tin Tức
Trao đổi với báo Tiền Phong, bà Lan Hương nhận định thưởng Tết thực ra là tiền lương của người lao động nhưng thể hiện sự chia sẻ sau một năm làm việc.

“Thưởng Tết cũng là văn hoá Á Đông, chi tiêu cho Tết thường tăng khoảng 30% so với ngày thường, cần một khoản bù đắp tương ứng. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn xem thưởng Tết như ‘ban phát’, nhưng đó là tiền người lao động đáng được hưởng”, bà Hương nói.

 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương: Nên đưa việc “trả thêm 3 tháng lương dịp Tết” vào thoả ước lao động tập thể

Tình trạng cứ cận Tết người lao động lại kêu ca, phàn nàn, phản đối vì không được thưởng Tết hoặc thưởng quá thấp, theo bà Lan Hương, là do họ chưa có được sự chủ động yêu cầu thưởng Tết xứng đáng, chỉ biết chờ đợi.

Do đó, theo Viện trưởng Viện khoa học lao động và xã hội, thưởng Tết phải được nâng lên thành văn hoá, như văn hoá lì xì. Mặt khác, thưởng Tết cũng nên được nâng thành chính sách, được luật pháp hoá.

“Theo tôi phải quy định trong luật nội dung: người lao động được hưởng 15 tháng lương. Việc này ở Singapore đã thực hiện”, bà Lan Hương nói. “Tôi cũng đề cập nội dung này với Bộ trưởng LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền mới đây, nhưng thực hiện được thì còn nhiều vướng mắc, nhất là việc ngân sách sẽ bị ‘đội’ lên”.

Một vấn đề đặt ra là muốn thưởng Tết cao, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như chiếc “bánh” ngân sách nhà nước đều phải to lên, nếu không, dù “luật hóa” mà trả 15 tháng lương bằng tiền 12 tháng thì cũng chỉ là hình thức.

Nếu muốn “cái bánh” ấy to lên thì phải có hình thức khuyến khích người lao động hết mình với công việc, tăng hiệu quả, năng suất, bà Lan Hương nhấn mạnh.

Chính sách 15 tháng lương sẽ tạo ra sự gắn bó giữa người lao động với cơ quan, nếu bỏ việc giữa chừng, họ sẽ chỉ nhận được 80% thu nhập. 15 tháng lương cũng khiến người lao động yên tâm làm việc. “Cơ chế càng công khai minh bạch, càng chia sẻ, càng tạo ra năng suất lao động cao hơn“, Viện trưởng khẳng định.

Bà Lan Hương đề xuất đưa việc “trả thêm 3 tháng lương dịp Tết” vào thoả ước lao động tập thể, để người lao động không phải hồi hộp, lo lắng về thưởng Tết, phía doanh nghiệp cũng xác định rõ nghĩa vụ. Nên làm thí điểm để có những tấm gương, phong trào để cho thấy cả doanh nghiệp và người lao động đều có lợi.

“Không nên gọi là thưởng Tết mà gọi là tiền Tết. Tiền mà tất cả mọi người đều có thì không thể gọi là thưởng. Tiền Tết được trích từ quỹ phúc lợi cơ quan, nên được đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ”, bà Lan Hương nói.

Tuy vậy, thưởng Tết phải công bằng theo nguyên tắc không vượt quá 30% tiền lương. Do đó, một số trường hợp cá nhân được thưởng Tết mấy trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng, hiện nay, theo Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội, không phải là thưởng Tết mà chỉ để hợp lý hoá thu nhập.

Theo Tiền Phong

Thực hiện: depweb

21/01/2013, 22:57