Ngân hàng…”tụt hạng”
Khảo sát mới đây của Towers Watson (Tổ chức chuyên tư vấn về lương của Mỹ tại Việt Nam) về tình hình lương 2012 cho thấy, kinh tế khó khăn nên tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện năm 2012 giảm xuống còn 12,3% từ mức 13,1%. Trong đó, ngành tài chính có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất ở mức 16%, trong khi ở ngành bán lẻ chỉ có 7% lao động tự nghỉ việc trong năm 2012. Tài chính cũng là ngành có mức tăng lương thực tế và dự báo thấp nhất, tại mức 12,2% năm 2012.
Dự báo của Towers Watson về mức lương 2013 cũng cho thấy, bán lẻ sẽ có mức tăng lương cao hơn 2012 với khoảng 14%. Tài chính ngân hàng vẫn tiếp tục bị giảm mức tăng lương, còn khoảng 12,1%, giữ vị trí ngành có mức tăng ít nhất trong số các ngành mà Towers Watson khảo sát.
Năm 2013 được dự đoán là năm khó khăn với người lao động, dự báo trong năm 2013, sẽ có 29% DN không có nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới và 3% DN sẽ cắt giảm nhân sự. Bên cạnh đó, chỉ còn 68% DN quyết định tuyển dụng thêm nhân viên so với con số 75% của năm 2012.
Theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, tiền lương tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố cung-cầu trên thị trường lao động. Hơn nữa, Chính phủ đã có lộ trình tăng lương năm 2013 với mức tăng lên tới trên 25% do đó dù năm 2013 có khó khăn mức lương của người lao động không thể giảm.
Thời điểm này, trao đổi với một số lãnh đạo của các ngân hàng về lương thưởng tết, đại diện ngân hàng đều cho rằng còn quá sớm để nói về thưởng tết tuy nhiên chắc chắn khoản thưởng năm nay sẽ rất thấp.
Trả lời báo chí xung quanh vấn đề thưởng Tết, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB khẳng định, dù tình hình của ngân hàng năm nay gặp nhiều khó khăn song ngân hàng vẫn có chính sách thưởng Tết để khuyến khích, động viên tinh thần của cán bộ công nhân viên.
Ý kiến nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dự đoán năm nay ngành ngân hàng sẽ có mức thưởng tết khá khiêm tốn. Lý do, kinh tế lạm phát nhiều ngân hàng không làm ăn được, bên cạnh đó tại buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nêu rõ quan điểm, sẽ dứt khoát nghiêm cấm các ngân hàng chia thưởng, tăng lương nếu như không trích lập đủ dự phòng rủi ro và phải dành lợi nhuận để xử lý nợ xấu.
Lương chưa trả, làm sao có…thưởng
“Cả năm ký được ba hợp đồng “con”, hai cái đã xong cách đây 3 tháng nhưng vẫn chưa được thanh toán, cái thứ ba làm cầm chừng vì chủ đầu tư khó có thể thanh toán vì “nợ xấu”. Ba tháng nay công ty phải ký nợ lương NLĐ, tết này thanh toán được hết số nợ lương cho NLĐ đã may lắm rồi, thế nên không dám nói tới thưởng tết” – Từ Khải Trung, Giám đốc công ty TNHH thương mại và xây dựng cho biết.
Mặc dù từ đầu năm tới giờ, Nguyễn Đức An chỉ nhận được vỏn vẹn 3 tháng lương nhưng với An thì vẫn còn may chán so với nhiều đồng nghiệp. “Bị nợ lương nhưng vẫn được công ty lo cho chỗ ở, ăn uống hàng ngày, nhiều nơi lương vẫn nợ đều mà không có chế độ đó, thế nên dù 3 tháng mới được lĩnh lương một lần, mọi người không ai nghĩ đến chuyện xin chuyển”-An cho biết.
Báo cáo nhân lực trực tuyến do VietnamWorks công bố cho thấy từ đầu năm 2012 đến nay, nhân lực ngành bất động sản giảm 50%, xây dựng giảm 49%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia lao động, năm 2012 ngành xây dựng có số lượng lao động thất nghiệp lớn nhất và cũng là “con nợ” lớn nhất của ngành BHXH.
Chủ yếu thưởng Tết được trả theo nguyên tắc, lợi nhuận cao thì thưởng cao, lợi nhuận thấp thưởng thấp, tùy từng công ty, tùy từng loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện Nhà nước mới chỉ ban hành chính sách hỗ trợ cho những lao động bị nợ lương do doanh nghiệp phá sản. Ở những doanh nghiệp vẫn còn đang hoạt động nhưng èo uột, cầm chừng thì đó lại là thỏa thuận giữa hai phía.
Theo Đại đoàn kết