Thương nhớ cổng làng

Nhớ quá về những cái cổng làng mình đã đi qua. Cổng làng Cự Đà một sớm mùa đông buốt lạnh, chạy qua chợt giật mình khi thấy chiếc đồng hồ to gắn giữa cổng, như ẩn ý một lời nhắc nhở về thời gian cho con dân của làng và cả cho khách khứa đến với ngôi làng của nghề làm miến với những ngôi nhà cổ. Còn đây là chiếc cổng làng được xây dựng bằng đá ong đẹp ngỡ ngàng của thôn Chi Quan (Thạch Thất – Hà Nội). Theo niềm tự hào của một số người dân nơi đây thì chiếc cổng độc đáo này đã có tuổi gần 400 năm. Đi thêm chút nữa, lạc bước trong làng cổ Đường Lâm hút khách du lịch nhất xứ Đoài, lại bắt gặp một chiếc cổng làng khác. Làng nổi tiếng nên cái cổng này cũng được đi vào trong nhiều tác phẩm nhiếp ảnh và hội họa. Riêng cái cổng làng Đường Lâm không thôi thì chưa hẳn đã đẹp, nhưng gộp chung lại cái không gian ấy với cây đa cổ thụ bốn mùa phủ bóng, với bến nước long lanh thì đây quả là một không gian độc đáo. Mỗi khi nhớ tới Đường Lâm người ta lại nhớ tới cái cổng làng này. Nhỏ nhắn thôi, nhưng có thể tiêu biểu cho cổng làng quê xứ Bắc.

 

Cổng làng Chi Quan xây bằng đá ong

Đây nữa, vẫn là Hà Nội nhưng theo hướng đi về mạn đất Hương Sơn, chiếc cổng làng mới được xây dựng, không có rêu phong nhưng vẫn có thể gây cho người qua đường một sự nhớ, bởi cái tên của ngôi làng cổ chắc vào hàng độc đáo nhất Việt Nam: làng Trinh Tiết thuộc xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức. Thật khó mà quên được cái màu đỏ của gạch lục non đã mòn, đã nhẵn theo thời gian ở cổng làng vùng quê Việt Yên – Bắc Giang, nơi mà một trưa nắng tôi đã vội vã chạy xe qua khi đường rơm ngùn ngụt nóng.

Cổng làng Thổ Hà, Việt Yên, Bắc Giang

Cũng nhớ lắm về cái cổng làng – nằm ngay trên phố Thụy Khuê, đi qua đây bao lần mà vẫn còn giật mình về một vùng đất của Hà Nội, không xa Hồ Gươm là mấy nhưng vẫn còn giữ được nhiều dấu tích của làng, cũng là con phố có nhiều cổng làng nhất ở Hà Nội. Cổng làng Yên Phụ chỉ cách phố Yên Phụ chục bước chân vẫn còn đó một vẻ cổ kính. Chiếc cổng này cũng đã đi vào nhiều bức ảnh của các nghệ sĩ. Dù cuộc sống phát triển, nhưng dân làng Yên Phụ vẫn giữ lại cổng làng này bởi cổng làng cũng là nơi đón nhận bao niềm vui, chia sẻ bao nỗi buồn.

Cùng với cây đa, giếng nước, cổng làng gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Và cái không gian sống phóng khoáng ấy đã gắn bó với biết bao người, đong đầy bao tâm hồn của những đứa trẻ một thời chơi mòn nhẵn dưới những nếp cổng ấy. Chỉ tiếc là giờ đây, nhiều ngôi làng Việt phát triển mà không giữ nổi những cái cổng làng từng là biểu tượng đồng hành với thăng trầm của làng Việt.

Nguyễn Thanh Bình
(theo Gia đình Việt Nam)


From the same category