Khi Nguyễn Tuân ngược dòng Đà giang để lên miền thượng nguồn Lai Châu, ông miêu tả sự hung hiểm của từng ngọn thác ghềnh, từng luồng lạch của chốn rừng thiêng nước độc mà con người khó khăn lắm mới chinh phục được.
Khi đó, để đi hết được sông Đà từ Hòa Bình lên Sơn La rồi Lai Châu là một “kỳ tích” như Lê Lợi đã làm để đánh thắng quân của Đèo Cát Hãn (một thổ quan ở châu Mường Lễ – nay là Điện Biên và Lai Châu). Nhưng khi thủy điện Hòa Bình ngăn đập dâng nước, cả dòng sông ấy trở nên hiền hòa quá đỗi đến nỗi người ta gọi đó là hồ mà không còn là sông. Những thác ghềnh khi xưa đã mất hết, bao mái nhà cũng dời ngược lên cao, vùi lấp bao con đường, cây cầu dưới hàng chục mét nước. Cũng vì thế mà cả mấy trăm ki-lô-mét đường sông giờ là mặt nước xanh ngắt phẳng lẳng, ẩn hiện ở giữa là những ngọn núi mà nhiều gọi vẫn nói rằng “như một vịnh Hạ Long ở Tây Bắc”.
Khởi nguồn của dòng sông ấy từ Hòa Bình có lẽ là chốn Thung Nai. Cái tên xuất phát từ xưa với câu chuyện về một thung lũng tuyệt đẹp của xứ Mường, nơi có rất nhiều nai rừng sinh sống. Giờ đây, nó đã trở thành một điểm du lịch không thể bỏ qua mỗi khi đến đất Hòa Bình. Chúng tôi cùng bạn đồng hành là hai chiếc xe Porsche Panamera và Cayenne đã có một chuyến du ngoạn giữa chốn sông nước của núi rừng Tây Bắc trong tiết trời xuân dịu nhẹ. Từ thành phố, con đường Tây Tiến dẫn cả đoàn vào lối cảng Bình Thanh rồi rẽ về Thung Nai. Sở dĩ con đường có tên như thế vì khi xưa, đây chính là lối đi của đoàn quân Tây Tiến trong bài thơ cùng tên của Quang Dũng hành quân lên miền Tây Bắc để sang Lào.
Cung đường nhỏ men theo sườn núi của đất Cao Phong, qua từng bản làng của người Mường với rặng tre, dòng suối chảy, những mảnh ruộng bậc thang nhỏ đang vào vụ cấy. Với Cayenne thì chẳng có gì phải nói vì địa hình này với chiếc xe như là “thả hổ về rừng”, hệ thống động lực quá mạnh mẽ, cùng hệ thống treo nhạy bén và biến hóa khiến chúng tôi như đang khiêu vũ qua từng đoạn đường xấu vốn đang được thi công mở rộng. Panamera thì phải lựa chọn vị trí đặt bánh xe hơn để có thể qua được đoạn bùn đất do các xe công trường để lại.
Khi những khói bụi đã lùi dần về phía sau, khúc sông dần hiện ra trước mắt mới thật bình yên. Hàng chục hòn đảo nhỏ nằm giữa mặt nước xanh ngắt lặng như tờ, từng con thuyền qua lại. Mấy năm trước, khi du lịch chưa phát triển, Thung Nai vẫn là chốn ít người biết, cuộc sống của người dân gắn chặt với sông nước, họ di chuyển trên những chiếc thuyền để về nhà ở trên những hòn đảo giữa sông. Nhưng nay đã khác, dịch vụ du lịch lưu trú phát triển mạnh mẽ, nhiều thuyền máy chở du khách tham quan dòng sông, đi lễ đền hay thăm thú hang động, đi thác hoặc đơn giản là nghỉ ngơi và bơi giữa lòng hồ rộng lớn ấy.
Chúng tôi cũng lên một chiếc thuyền chạy giữa hồ, qua từng hòn đảo từng là đỉnh núi cao khi xưa, thưởng thức đặc sản của miền đất xứ Mường cùng sản vật của rừng núi. Mùa hè, khi những lễ hội xuân kết thúc, dòng sông sẽ vắng du khách hơn cũng là lúc bạn có thể thả mình giữa làn nước trong xanh để bơi lội, câu cá. Hay như dong thuyền ra giữa hồ mà ngắm trăng mỗi đêm rằm như chúng tôi đã làm mấy năm trước. Cảm giác phiêu bồng giữa chốn tinh không ấy thật khó mà miêu tả thành lời. Chỉ biết rằng, nó khiến tâm hồn bạn như bay lên, như chẳng còn chút ồn ào phố thị, chỉ còn lại chính mình với thiên nhiên mây trời sông nước.
Tháng 4 tháng 5 hoặc tháng 8 đến tháng 10 là khoảng thời gian lý tưởng để tới Thung Nai. Khi đó, trong ánh hoàng hôn của buổi chiều bên bến nước, lập lờ con thuyền về trong cái óng ánh vàng mà ông mặt trời đã trải xuống một dòng sông. Giàn hoa giấy đỏ rực, chùm phượng tím nở thắm cả góc đảo, tiếng sáo vi vút trong đêm tĩnh lặng. Dòng sông như ôm mình vào tất cả, lóng lánh vàng trong chiều hoàng, phập phồng bong bóng trong đêm mưa, lặng như tờ trong buổi sáng sớm, và tỏa sáng bừng trong những buổi trưa vàng…Thung Nai từ xưa tới nay vẫn thế, vẫn là chốn bồng lai cho những ai muốn tìm về khoảng trời bình yên của núi rừng Tây Bắc.