Quy định “mức cứng” sẽ còn tranh cãi nhiều
Đầu tiên, đó là mức giảm trừ gia cảnh. Đỉnh điểm cuộc tranh cãi giữa con số 7 triệu/tháng của Ủy ban Tài chính – Ngân sách hay 9 triệu đồng/tháng của Bộ Tài chính xét cho cùng, vẫn nằm ở những câu hỏi: thế đã đủ sống chưa, thế là cao hay thấp?
Trong khi Bộ Tài chính coi việc nới rộng mức thu nhập chịu thuế là sự chia sẻ của Nhà nước với người dân, khi mà lạm phát 5 năm qua cộng dồn lại đã tăng 70% thì cơ quan của Quốc hội lại gọi đó là “hậu quả” và là “bước lùi” trong cải cách thuế!
5 năm trước, chuẩn bị ban hành Luật, nghị trường Quốc hội cũng tranh cãi kịch liệt về con số 4 triệu hay 5 triệu đồng/tháng khởi điểm chịu thuế , bên nào đủ sống hơn. Sau đó, Chính phủ vẫn quyết 4 triệu đồng- như hiện nay.
6 tháng trước, con số 6 triệu/tháng khởi điểm chịu thuế theo đề xuất đầu tiên của Bộ Tài chính cũng bị phản pháo mạnh mẽ vì dư luận nói rằng mức ấy là không đủ sống.
Nhớ lại lời than thở của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Phạm Lê Thanh hồi đầu năm nay, ông “đau xót vì mức lương cán bộ ngành điện 7,3 triệu đồng/tháng không đủ sống”, trong khi dư luận đã cho rằng, đó là lương cao.
Nay, đa phần ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính đều cho rằng, 7 triệu chưa đủ sống hay 9 triệu chỉ mới là tạm đủ.
Cũng dễ hiểu sự mâu thuẫn này vì từ góc độ tâm lý người dân, không ai muốn chịu gánh nặng thuế, còn cơ quan Chính phủ luôn canh cánh nhiệm vụ tăng thu ngân sách.
Hơn nữa, 7 hay 9 triệu đồng/tháng có thể còn thiếu thốn hoặc chỉ tạm đủ khi sống ở Hà Nội nhưng lại có thể dư dả khi sống ở nông thôn, miền núi. Nhìn nhận thu nhập cao hay thấp trong bối cảnh có chênh lệch lớn về mức sống giữa các khu vực quả là rất vô cùng.
Trong thiết kế Luật Thuế thu nhập cá nhân, nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh là phải cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội tại thời điểm Luật có hiệu lực.
Có lẽ, những cuộc tranh cãi về con số như vậy sẽ không bao giờ dừng lại!
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh góp ý: “Các nhà soạn thảo luận hay thẩm tra luật cần phải làm rõ, tất cả các đề xuất con số đó là liên quan căn cứ nào để xác định? Các bên phải tranh luận về căn cứ để xem ai thuyết phục hơn ai chứ không phải là đánh giá cảm tính cao- thấp ở đây”.
Tuy nhiên, “các bên cãi nhau về những sửa đổi cụ thể nên chỉ loay hoay con số cụ thể trong khi, cái gốc giải quyết vấn đề là phải quay lại làm đúng nguyên tắc thiết kế Luật“, ông Ánh nhấn mạnh.
Theo ông Ánh, “thuế của ta là rất lằng nhằng, vẽ ra mức khởi điểm, đặt ra giảm trừ gia cảnh rồi cãi nhau về căn cứ mà lại quá phức tạp. Cách thức này đang đi ngược lại công tác hoạch định chính sách thuế. Mục đích lớn nhất của thuế thu nhập cá nhân là để điều tiết thu nhập trong xã hội và nguyên tắc quan trọng là phải đảm bảo tính đơn giản, càng đơn giản thì càng dễ thực thi”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lại nhắc lại câu hỏi: “Tại sao không tính trên cơ sở hệ số so với mức tiền lương tối thiểu, như rất nhiều người đã đề nghị từ Luật ban hành năm 2007?”
Bà Lan cho rằng: “Cách tính thuế cần đảm bảo khả năng điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế và thu nhập người dân. Dự Luật sửa đổi vẫn theo những con số tuyệt đối cứng nhắc sẽ không thể đáp ứng đòi hỏi này”.
Ngay cả với quy định mở, tưởng rất linh hoạt như sẽ sửa giảm trừ gia cảnh khi lạm phát cộng dồn tăng 20%, vị chuyên gia này vẫn lo ngại: “Năm nay, lạm phát 7%, nếu các năm tới, lạm phát tiếp tục 7% thì cứ 2-3 năm, mức giảm trừ này lại phải sửa một lần. Trong khi, sửa Luật đâu phải dễ?“
Không thuận theo việc tính theo tỷ lệ % lương tối thiểu, Ủy ban Tài chính- Ngân sách chỉ nêu ra lý do e ngại sự phức tạp khi thực hiện. Vì Việt Nam có 2 hệ thống mức lương tối thiểu cho 2 đối tượng, khối hành chính sự nghiệp và khối doanh nghiệp với nhiều khu vực khác nhau. Mức lương thường xuyên được điều chỉnh nên tính ổn định của mức thuế phải nộp sẽ không cao.
Cần khoan thư sức dân
Một tranh cãi khác nữa là quan điểm khoan sức dân trong chính sách thuế thu nhập cá nhân.
Ủy ban Tài chính- Ngân sách lạnh lùng đánh giá, con số Chính phủ là không hợp thông lệ quốc tế và chưa bảo đảm tương quan với các nước trong khu vực. Quy mô các khoản giảm trừ gia cảnh của một số nước đều ở mức xung quanh 1 lần mức GDP bình quân đầu người. Còn mức 9triệu đồng/tháng thì tương đương với 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người vào năm 2014. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ này là cao!
Nhưng trước đó, Bộ Tài chính đã dẫn giải rằng, dù tỷ lệ cao hơn nhưng con số tuyệt đối GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam lại thấp hơn nhiều nước.
Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng đã đánh giá: “Khoảng thu nhập chịu thuế của Việt Nam thấp hơn rất nhiều nước dù thang thuế suất là tương đồng với các nước. Ví dụ, nếu như thu nhập chịu thuế suất 10% ở Việt Nam chỉ là 3.451- 5.175 USD/năm thì tại Trung Quốc là 4.931- 16.434 USD/năm, Thái Lan là 3.801- 9.500 USD/năm”.
Nhìn nhận câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, từ giá cả các dịch vụ và sản phẩm cho đến thuế, phí ở nước ta đều rất cao so với thu nhập của người dân, như giáo dục, y tế, giao thông, điện, xăng dầu… Người dân phải chi tỉ lệ lớn cho nhu cầu ăn uống. Và trên thực tế, người dân còn đóng góp rất nhiều vào Ngân sách Nhà nước qua các thuế, phí khác.
Nước ta lại vốn xuất phát là nước nghèo nên nhu cầu cơ bản như nhà ở, điều kiện sống, nhu cầu văn hóa… ở nhiều nhóm đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Bao giờ người làm công ăn lương ở Việt Nam mới tự lo được nhà ở cho mình, kể cả những người có thu nhập trung bình khá?
Do vậy, vì chuyên gia này cho rằng, thuế thu nhập cá nhân cần có tinh thần khoan thư sức dân lớn hơn các nước khác, để người dân có thể cải thiện được dần cuộc sống, tăng tiêu dùng, tích lũy, khuyến khích người dân làm giàu, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế. Còn Nhà nước vẫn có thể thu từ các loại thuế khác.
Theo Vietnamnet