Thực ra, ai cũng múa mỗi ngày... - Tạp chí Đẹp

Thực ra, ai cũng múa mỗi ngày…

Sao

Dẫu luôn muốn đứng trên sân khấu quê hương nhưng mãi đến năm 2010, “Mộc” là chương trình đầu tiên Ngọc Anh tham gia với tư cách biên đạo – diễn viên. Kế đến là “Minus” (2011) và tái diễn “Mộc” (2012). Dẫu số lần xuất hiện còn rất ít ỏi nhưng người làm nghề và khán giả yêu múa đã quen thuộc và trông đợi tác phẩm mới của anh.

Bạn chỉ cần mở rộng lòng mình, Đón nhận những chia sẻ mà biên đạo – diễn viên mang đến, và cảm nhận theo tính cách, kinh nghiệm sống…

Múa có vẻ là một khái niệm hơi xa vời với đại đa số?

– Múa có mặt ở khắp mọi nơi, thực ra, ai cũng múa mỗi ngày nhưng một cách vô thức thôi. Ví dụ, bạn hắt xì hơi, gãi đầu suy nghĩ, bước đi – những hành động đơn giản này nếu được lặp lại nhiều lần với nhịp điệu nhanh – chậm khác nhau, chỉnh độ dài – rộng, thêm trải nghiệm của bản thân thì bạn đã hình thành nên một chuỗi động tác thú vị. Nói vui vậy để thấy múa rất gần gũi nhưng vì chúng ta thường sử dụng từ ngữ, hình ảnh để giao tiếp, ít lưu tâm đến ngôn ngữ cơ thể. Theo tôi, múa rất quan trọng cho những ai quan tâm đến xúc cảm của mình trong hành vi và chuyển động. Đây là cách biểu đạt những điều cơ bản, cũng đồng thời là tiếng nói của những trạng thái cảm xúc nằm sâu bên trong.

Theo cách nhìn của anh thì ai cũng có thể trở thành diễn viên múa cả ư?

– Tất nhiên không phải vậy! Nếu đơn giản thế thì người ta đâu đào tạo một diễn viên múa bằng thời gian đào tạo một bác sĩ? Cơ thể hoạt động vô cùng phức tạp, để chế ngự nó không hề dễ. Vì vậy, diễn viên phải thông minh, nhạy cảm, cần phải học để lắng nghe, hiểu cơ thể mình và biết cách điều khiển nhưng không cưỡng bức. Nghệ sỹ múa, họ phải rất ý thức về thân thể mình, biết được từng rung cảm nhỏ nhất của mỗi chuyển động. Để đạt được sự tinh tế trong cả những động tác thoạt nhìn rất đơn giản, nghệ sỹ múa ngoài chuyện khổ luyện, còn phải tin tưởng, lắng nghe để phối hợp nhịp nhàng với bạn diễn và các yếu tố khác như âm nhạc, ánh sáng, sân khấu…

Anh lý giải rất hay nhưng khán giả muốn hiểu được nghệ thuật vô ngôn này thì họ phải…?

– Tại sao phải đặt vấn đề “hiểu” mà không là “cảm” múa? Khán giả, đại đa số, đều chưa quen với việc xem một tác phẩm múa bằng cảm xúc, họ chưa để tâm hồn mình chạm vào những góc nhìn, cảm nhận của nghệ sĩ về cuộc sống được thể hiện qua những chuyển động của cơ thể. Bạn đừng xem múa như xem một bộ phim, nghe một bài hát, đọc một cuốn sách, bạn không cần phân định đúng – sai, không cần tìm cách hiểu cho đúng ý đồ của biên đạo. Bạn chỉ cần mở rộng lòng mình, đón nhận những chia sẻ mà biên đạo – diễn viên mang đến, và cảm nhận theo tính cách, kinh nghiệm sống về tác phẩm. Và khán giả cần có nhiều chương trình để xem, xem nhiều sẽ quen với việc cảm múa.

 

Nguyễn Ngọc Anh (áo đen) và Vũ Ngọc Khải 

Một chương trình múa tốt cần có những yếu tố nào?

– Tất cả những gì liên quan đến chương trình: ý tưởng hay, âm nhạc, sân khấu – ánh sáng phù hợp với ý tưởng, sự tập trung tinh thần – tài năng của biên đạo – diễn viên, sự nỗ lực của ê kíp sản xuất, sự đầu tư về kinh phí và sự đồng cảm của khán giả.

2 năm trở lại đây, anh nghiêng về công việc biên đạo và giảng dạy hơn trình diễn. Tuổi tác có phải là nguyên nhân chính?

– Đó không phải là nguyên nhân chính, mà vì tôi muốn sáng tạo nên những tác phẩm hay, thổi hồn cho diễn viên, chia sẻ với họ những kiến thức, kinh nghiệm sống mà tôi tích lũy được trong quá trình hoạt động nghệ thuật. Tôi đã nhận được khá nhiều từ người khác, đã đến thời điểm tôi dành nhiều thời gian để chia sẻ với các bạn trẻ. Bởi họ có giỏi, có vững thì mới mong có được những chương trình tốt, hay, thu hút sự quan tâm và công nhận của công chúng.

Bao lâu nữa khán giả lại có dịp thưởng thức tác phẩm mới của anh?

– Sớm thôi, ngày 25-26 tháng 7 này, trong show “the Mist” do công ty Arabesque thực hiện.

Q & A

1. Định nghĩa về múa của anh?

Múa là sự đầu tư rất lớn về tư duy và cảm xúc của từng nghệ sĩ được diễn đạt qua ngôn ngữ cơ thể.

2. Hạnh phúc của nghề múa là?

Được thể hiện những cảm xúc thật của mình trên sân khấu.

3. Trở ngại lớn nhất?

Chấn thương.

4. Để sống chết với nghề múa cần?

Niềm đam mê và tài năng.

5. Người ta nói, diễn viên múa phải ăn kiêng, sự thật là?

Lúc 18 – 20 tuổi, tôi phải ăn kiêng, còn bây giờ, có thể ăn uống thoải mái mà không sợ tăng cân, trừ những lúc bị stress. (Cười)

6. Nếu được phép lục túi của anh, tôi sẽ thấy?

Khi là diễn viên, túi chứa nhiều giày – tất bẩn, trang phục đẫm mồ hôi và một chai nước volvic 1,5 lít; bây giờ, túi là kho chứa nhạc và một cuốn sách kèm theo vài thỏi sô cô la.

7. Phản hồi nào của khán giả khiến anh cảm động nhất?

Một khán giả muốn quỳ xuống cảm ơn; một khán giả khác bày tỏ cảm xúc, sự đồng cảm về tác phẩm mà không biết tôi là biên đạo.

8. Nếu không là diễn viên – biên đạo – giáo viên múa, anh muốn làm nghề gì?

Đầu bếp (vì thích ăn ngon!).

9. Đứng trên sân khấu, điều gì có thể làm anh phân tâm?

Người thân ngồi dưới hàng ghế khán giả.

10. Lúc nào, ở đâu thì anh cảm thấy hạnh phúc nhất?

Được dành thời gian cho những người thân yêu.

11. Theo nhiều cộng sự, anh có ảnh hưởng lớn đến họ, còn với anh, ai là người có sức ảnh hưởng?

Tất cả những người tôi gặp trong cuộc đời, dù ít hay nhiều, họ đều góp phần tạo nên bức tranh cuộc sống của tôi.

12. Trên sàn tập, lúc là giáo viên, biên đạo, anh thế nào?

Làm ra làm, chơi ra chơi!

13. Bộ phim nào anh thích chuyển thể thành một tác phẩm múa?

“Tree of Life”, “The Curious Case of Benjamin Button” – tôi đã chuyển thể qua tác phẩm “Cố hương” trong chương trình “Mộc”.

14. Con người thật của anh là gì?

Đơn giản và sống hết mình.

15. Nỗi sợ lớn nhất của anh là gì?

Bị lừa dối.

16. Anh tự tin gì về mình nhất?

(vò đầu, bứt tai, gãi trán).

17. Anh thích sống ở đâu nhất?

Ở nơi mà nghệ thuật và thành quả sáng tạo của nghệ sĩ được trân trọng.

18. Cảm hứng sáng tạo đến từ đâu?

Cuộc sống

19. Lúc mệt, anh cần gì?

Thức ăn ngon và bia lạnh.

20. Khi đói, anh ra sao?

Múa điệu “tay chân run run và lục tìm sô cô la trong túi”!

21. Điều gì khiến anh bận tâm nhất vào thời điểm này?

Giá trị của cuộc sống.

Bài: An Hội
Ảnh: Tuấn FR, Đức Đen Thui

Thực hiện: depweb

13/07/2012, 16:56