Thực phẩm “bẩn” từ biên giới tràn vào nội địa - Tạp chí Đẹp

Thực phẩm “bẩn” từ biên giới tràn vào nội địa

Tin Tức

Mặc cái nắng bỏng rát mặt người, thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy chở gia cầm và nội tạng từ các đường mòn biên giới Lạng Sơn lao vun vút ra khu vực Đồng Đăng tập kết ở nhà dân ven đường để chờ cơ hội vận chuyển vào nội địa. Hằng ngày, cảnh vận chuyển nầm, lòng, tràng lợn đã phân hủy; gia cầm bệnh; các loại bột hương trái cây để pha giải khát, bột làm kem… nhập lậu vẫn tuồn vào nội địa một cách âm thầm.

Một đêm với Cảnh sát môi trường

Đêm 30/7, chúng tôi theo chân Tổ công tác của Phòng CSĐT tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn đến khu vực cửa khẩu Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Màn đêm tĩnh lặng, chỉ nghe thấy tiếng động cơ của ôtô, xe máy chạy qua. Núi rừng bị bao phủ một màu tối đen như mực, thỉnh thoảng có bóng đèn pin loang loáng của đám cửu vạn ở những nhánh đường mòn vác hàng từ bên kia về.

Hàng vừa chạm đất đã có xe máy ghé sẵn, rồi chở cồng kềnh lao vun vút trên đường. Đồng chí Nông Văn Nguyên, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm về Môi trường trong lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu, y tế, an toàn thực phẩm thấy chúng tôi sốt ruột liền giải thích “Trước đây chỉ cần phục kích chưa đầy nửa tiếng là đã “tóm” được vài xe chở hàng thực phẩm lậu rồi. Nhưng nay ít hơn, nên nhà báo phải đợi thêm tí nữa”.

Dù ngồi phục khá lâu nhưng đêm nay “hàng” lại không về qua đường mòn ở cửa khẩu này. Tổ công tác lại di chuyển đến thôn Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng. Ở đây “phục” tới 4 giờ đồng hồ, khi mà tay chân ai cũng tê cứng, sưng vù vì muỗi tấn công, bụng đói cồn cào (vì nhiều trinh sát phục từ chiều)…

Đây là khu dân cư cách đường biên giới chỉ 500 – 800m, sát cửa khẩu Hữu Nghị. Mọi thao tác rất nhanh, các đối tượng vận chuyển toàn bộ nầm lợn lên xe ôtô du lịch BKS 20L-2357 và không bật đèn định lao đi. Đúng lúc này, các trinh sát bất ngờ áp sát, yêu cầu lái xe xuống để kiểm tra. Toàn bộ 350kg nầm lợn ở trên xe được lái xe Trần Mạnh Thưởng, trú tại phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn khai là mua về… để ăn.

Đặc biệt, qua kiểm tra, trên xe ôtô còn có rất nhiều biển số xe giả và xe đã bị thay đổi kết cấu để chở hàng. Nếu trót lọt, xe hàng này sẽ chuyển về Hà Nội tiêu thụ, trên đường đi thay biển nhiều lần, thậm chí là trà trộn vào xe chở hàng có hóa đơn rõ ràng.

Đồng chí Nông Văn Nguyên cho biết: “Các loại thực phẩm tẩm ướp hóa chất như tràng, nầm, lòng lợn… không tiêu thụ được vì người ta biết là thực phẩm bẩn. Khi vận chuyển xuống Hà Nội, nhiều hàng quán vì lợi nhuận nên nhập về chế biến rồi đem bán, người dân không biết nên vẫn mua về ăn…”.

Nhiều thủ đoạn tuồn thực phẩm “bẩn” vào nội địa

Theo Trung tá La Trung Kiên, Phó phòng CSĐT tội phạm về Môi trường thì tình trạng thực phẩm “bẩn” nhập lậu vào Việt Nam hiện có hai dạng, là thực phẩm nhập khẩu theo đường chính ngạch và thực phẩm nhập lậu. Nhiều loại thực phẩm mặc dù được nhập khẩu theo đường chính ngạch nhưng chất lượng không tốt, nhiều chất bảo quản hoặc thừa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Việc xét nghiệm, lấy mẫu kiểm tra xem đủ điều kiện ATVSTP hay không làm rất hình thức, hơn nữa một ngày ở Lạng Sơn có hàng trăm tấn hoa quả nhập khẩu, việc lấy một vài mẫu ra phân tích, xét nghiệm không thể kiểm soát được hết. Đó là chưa kể việc phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cần cả quá trình dài, mất thời gian, các thiết bị xác định chưa đủ điều kiện, nên đã tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm pháp luật.

 

Một trong những thủ đoạn gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra là trà trộn vào hàng có hóa đơn chứng từ. Một số đối tượng khác lại sử dụng hóa đơn bán hàng thông thường của cơ quan thuế cấp, sang Việt Nam viết hóa đơn lập bảng kê thu của cư dân biên giới, bán cho dân bản địa. Lúc này công tác truy nguyên, xác minh rất khó (chủ yếu là mặt hàng động vật, thủy hải sản), công tác đấu tranh ngăn chặn rất vất vả. Theo ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn thì hiện nay lo nhất là nội tạng động vật có chất bảo quản cấm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Gần đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Tùng Diễn tiến hành kiểm tra xe ôtô 98H-2757 do bà Phạm Thị Dư, trú ở Bắc Giang điều khiển vận chuyển 850kg nầm lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch vệ sinh thú y. Bà Dư khai số nầm trên mua gom của một đối tượng ở bên kia biên giới đem về Bắc Giang tiêu thụ. Để thực phẩm tươi lâu và ngon, ngay từ bên kia chủ hàng đã tẩm ướp hóa chất, hàng có thể để cả tuần không hỏng.

Lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn từ đầu năm đến nay đã bắt 96 vụ thực phẩm và 104 vụ gia cầm, sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu. Có những loại thực phẩm như thịt động vật, thịt gia cầm, hải sản đông lạnh, đồ uống, rau hoa quả, chả đóng gói… tẩm ướp chất bảo quản ngoài danh mục.

Mới đây, lực lượng Cảnh sát môi trường đã tạm giữ xe ôtô mang BKS 29C–13189 do Nguyễn Thái Sơn, trú tại huyện Chi Lăng điều khiển chở 2.370 chai, hộp thực phẩm các loại như: nước hàng, dầu hào, xì dầu, nước sốt cà chua, tương ớt, cháo ăn liền, khoai tây cắt lát và 3 máy dập nắp chai lọ ký hiệu ETON, tất cả đều nhập lậu, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Để đấu tranh với tình trạng nhập lậu thực phẩm, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn cần phải mạnh tay hơn nữa, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát ở địa bàn biên giới nhằm ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa như hiện nay.

Trung tá Lê Trung Kên cho biết: Nhiều đối tượng còn lợi dụng chính sách của cư dân biên giới, cho phép người dân ở cửa khẩu qua lại được phép mang số hàng hóa trị giá 2 triệu đồng, việc kiểm tra số lượng hàng hóa chỉ áng chừng nên thực phẩm “bẩn” vẫn lọt.

Trong 7 tháng đầu năm 2012, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện đấu tranh, xử lý 47 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, thu giữ 11.704kg gia cầm thịt, 56.660 con gia cầm giống, 8.450kg sản phẩm động vật, 9.825kg động vật thủy sản, 5.000kg mỳ chính, 1.680 chai bia và 2.370 chai, hộp thực phẩm các loại do nước ngoài sản xuất nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ thời hạn sử dụng, không được kiểm tra chất lượng về ATVSTP, không kiểm dịch thú y về con giống. 

Theo Công An Nhân Dân

Thực hiện: depweb

05/08/2012, 17:44