Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, mì gói được xem là thực phẩm ăn liền khá tiện lợi và nhiều người đã tin tưởng lựa chọn mì gói thay cho những bữa cơm hàng ngày. Tuy nhiên sự thật về giá trị dinh dưỡng cũng như sự an toàn vệ sinh của sản phẩm này lại đáng cần xem xét.
Dinh dưỡng dưới đất, quảng cáo trên… trời
Nếu cách đây gần 20 năm, thị trường chỉ có lác đác một vài tên tuổi nổi tiếng, đơn cử những năm đầu của thập niên 90 là sự thống trị của mì Miliket trên thị trường. Người dân biết đến những gói mì được đóng gói thành túi từ 1 – 2 kg hoặc được đóng trong túi giấy tráng nilon (mọi người hay gọi là giấy bao xi măng). Tuy nhiên hiện nay trên thị trường đã có đến vài chục hãng cả trong lẫn ngoài nước.
Các hãng này đều có chung một đặc điểm đó là bao bì, mẫu mã bắt mắt, đặc biệt lại được quảng cáo rầm rộ là “mang lại giá trị dinh dưỡng cao”, thậm chí có hãng mì còn “tâng bốc” một gói mì có thể thay thế cả những bữa cơm gia đình về mặt dinh dưỡng.
Tuy nhiên chưa có một tổ chức hay cơ quan chức năng nào kiểm nghiệm thực tế giá trị dinh dưỡng có trong những gói mì để so sánh, đánh giá và đưa ra những kết luận chính thức về tiêu chuẩn của các loại mì như các nhà sản xuất đã công bố. Từ những loại mì, phở, bún thông thường cho đến những loại mì có giá thành mắc hơn và được các hãng cho là vị ngon hơn, giá trị dinh dưỡng cao hơn như: mì gà xào nấm, mì bò hầm, mì kim chi, mì gà, mì bò… đều chưa được kiểm chứng về giá trị dinh dưỡng thực.
Thực tế cho thấy, trong những gói mì lại có quá nhiều chất béo bão hòa, trung bình mỗi gói mì cung cấp 30% năng lượng chất béo. Đây là chỉ số quá cao bởi mỗi người chỉ cần từ 15 – 20% hàm lượng chất béo trong mỗi bữa ăn. Trong khi đó, hàm lượng protein trong mỗi gói chỉ đạt dưới 10% khẩu phần năng lượng và đều là đạm thực vật thiếu chất xơ, vitamin từ rau quả, mất cân bằng về giá trị dinh dưỡng. Với khẩu phần dinh dưỡng mất cân bằng trong các gói mì ăn liền hiện nay, nếu dùng mì thay thế bữa ăn hàng ngày mà không bổ sung thêm thịt, rau bên ngoài sẽ dẫn đến thiếu máu, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin, đồng thời tăng nguy cơ béo phì, cao huyết áp, tiểu đường… Đối với những người mắc bệnh tim mạch, thường xuyên ăn mì ăn liền càng có hại hơn.
Ăn nhiều có thể gây đột quỵ?
Cách đây không lâu, thông tin mì gói có “vật thể lạ”; mì chiên từ dầu dùng lại… đã dấy lên những hoài nghi về an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này.
Dù các cơ quan chức năng cũng như các nhà sản xuất đều lên tiếng và đưa ra kết luận những thông tin trên chỉ là “tin đồn” nhưng điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về vệ sinh trong các khâu như: lựa chọn nguyên liệu, chế biến, bảo quản mì gói chưa thực sự đem lại cho người tiêu dùng sự an tâm.
Trước khi diễn ra câu chuyện về “vật thể lạ” trong gói mì, đã có nhiều bằng chứng về một vài nhãn mì gói có chứa chất Tartrazine (là chất tạo màu thực phẩm – viết tắt E 102). Được biết trên thị trường, hầu hết các hãng mì đều sử dụng Tartrazine nhằm giúp sợi mì có màu vàng – chất này không chỉ được sử dụng phổ biến trong sản xuất mì ăn liền mà còn có trong đồ uống, rượu, nước giải khát, snack… Và dư luận đang e ngại trước thông tin mì ăn liền chứa E102 có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe với nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như gây phản ứng hen, phát ban, phá hủy ADN…
Những nghiên cứu khoa học trên thế giới đã cho thấy ở lứa tuổi từ 3 – 9, nếu sử dụng liên tục sản phẩm có chứa E102 một thời gian dài, sẽ bị ảnh hưởng. Mà rõ nhất là tăng sự hiếu động, dễ cáu gắt, kém tập trung của trẻ và ảnh hưởng đến sinh lý nam giới. Hiện nhiều nước vẫn sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm, chỉ có một số nước có khuyến cáo cần phải ghi rõ trên bao bì nhãn mác để người tiêu dùng có sự lựa chọn. Riêng Nhật Bản là nước cấm không được sử dụng E102 trong chế biến mì.
Tại TP.HCM, Trung tâm dịch vụ Phân tích Thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phát hiện nhiều mẫu mì có chứa chất Trans-fat. Chất béo Trans-fat được sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao sử dụng phương pháp hydro hóa. Trong quá trình sản xuất, mì ăn liền được chiên với dầu shortening ở nhiệt độ cao nên dễ bị oxy hóa, nếu dùng để chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ có khả năng tạo các chất béo dạng Trans-fat nhiều hơn. Trans-fat làm tăng cholesterol xấu (LDL) và đồng thời cũng làm giảm cholesterol tốt (HDL) gây xơ vữa động mạch (gây hẹp lòng động mạch) nên làm giảm sự lưu thông của máu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trans-fat gây tăng mức cholesterol xấu trong máu dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch.
Ngoài ra, khi xâm nhập vào cơ thể, chất béo này tạo ra những mảng mỡ bám vào thành mạch máu, dần dần bịt kín mạch máu, hậu quả là làm cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ đối với người mắc bệnh béo phì hoặc tim mạch.