Thực hư doanh nghiệp xăng dầu trong nước kêu lỗ? - Tạp chí Đẹp

Thực hư doanh nghiệp xăng dầu trong nước kêu lỗ?

Tin Tức

Doanh nghiệp kêu lỗ từ hơn 400 đến gần 1.000 đồng/lít xăng dầu

Bảng giá cơ sở bình quân 30 ngày qua cho thấy, kể từ ngày 22/7 đến 20/8, giá xăng thành phẩm tại Singapore đã lên mức 120,38 USD/thùng (tăng 3,8%), diezen là 125,91 USD/thùng (tăng 2,69%), dầu hỏa 124,53 USD/thùng (tăng 2,8%) và dầu madut có giá bình quân 651,89 USD/tấn (tăng 2,2%) so với bình quân 30 ngày trước đó (14/7 đến 10/8).

Tính riêng 10 ngày gần đây nhất, giá các mặt hàng cũng đã thay đổi khá nhiều, như dầu diezen ngày 8/8 là 128,7 USD/thùng thì đến 17/8 đã lên mức 133,2 USD/thùng, tăng 4,5 USD, xăng tăng 3,52 USD từ 124,68 USD/thùng lên 127 USD.

Liệu sẽ có thêm một đợt tăng giá xăng dầu nữa? Ảnh: Thiện Hoàng.

Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết ngay tại thời điểm DN vừa tăng giá xăng dầu hôm 13/8, thì ngày hôm sau họ đã tiếp tục lỗ thêm 500 đồng/lít. Lý do là các DN gửi bản đăng ký ngày 10/8 theo số liệu được tính toán đến ngày 8/8. Đến ngày được tăng giá thường có độ trễ 3 – 5 ngày so với thực tế, do vậy nếu giá thế giới tiếp tục tăng, các DN sẽ lại bị lỗ.

Theo các DN đầu mối xăng dầu cho biết, với mức giá hiện nay, xăng lỗ xung quanh 1.000 đồng/lít, nhưng do được bù từ quỹ bình ổn 300 đồng/lít, nên đang lỗ khoảng 700 đồng. Dầu hỏa có mức lỗ khoảng gần 600 đồng/lít, dầu diezen lỗ hơn dầu madut, khoảng gần 500 đồng/lít,kg. Ngày hôm nay (23/8) sẽ là ngày các DN xăng dầu phải gửi báo cáo giá về Bộ Tài chính và có đề xuất xin tăng giá hay không?! Đến tận chiều tối 22/8, hầu hết các đầu mối đều tỏ ra rất thận trọng. Các vị lãnh đạo đều cáo “bận họp” hoặc chưa có tính toán gì khi PV Báo CAND liên lạc. Người “anh cả” là Petrolimex cũng cho biết họ “chưa có ý kiến gì” trước tình hình hiện nay.

Giá xăng sẽ theo kịch bản nào?

Với tình hình giá cả hiện nay, chỉ có 2 lựa chọn cho DN là xin tăng giá đúng khi chu kỳ 10 ngày vừa đến, hoặc tiếp tục kiên nhẫn đợi một vài hôm xem phản ứng của thị trường. Nếu đợi, trong trường hợp xấu, giá tiếp tục tăng cao, thì một cơn hỗn loạn thị trường lại có nguy cơ xảy ra như những lần trước đây, sẽ lại đầu cơ, găm hàng. Trên thực tế, qua làm việc với chúng tôi vào đợt tăng giá lần trước, lực lượng Quản lý thị trường một số địa phương cũng đã “lên dây cót” cho một lần ra quân tiếp theo, vì thấy diễn biến giá cả rất bất lợi. Ngược lại, nếu tăng giá thì liệu người dân và doanh nghiệp có thể chịu đựng được trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn hiện nay, khi mà họ đã quá nhiều gánh nặng?

Qua trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực giá cả cho rằng có một lựa chọn khác khả dĩ và sẽ được dư luận ủng hộ hơn là giảm thuế để giảm sức ép lên giá. Được biết hiện thuế nhập khẩu xăng đang là 12% (tương đương gần 2000 đồng/lít nếu tính giá xăng là 127 USD/thùng) và dầu diezen là 10%. Không chỉ có thuế, xăng dầu hiện còn đang gánh khá nhiều loại phí. Tại thời điểm hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước nên đánh giá một cách khoa học, chính xác chuyện doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ để chủ động ứng phó với thị trường, giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Theo CAND

Thực hiện: depweb

24/08/2012, 10:23