Từ một video TikTok gây bão, cụm từ “nấm tóc” nhanh chóng trở thành đề tài khiến cộng đồng yêu làm đẹp không khỏi lo lắng. Vậy thực hư ra sao?
Để tóc ướt rồi đi ngủ là một thói quen khá phổ biến của nhiều “công dân bận rộn”, đặc biệt vào những ngày lịch trình dày đặc khiến bạn chỉ kịp gội đầu vội vàng trước giờ ngủ. Tuy từng được cảnh báo có thể gây cảm lạnh, đau đầu hay khiến tóc yếu, nhưng hiếm ai nghĩ rằng thói quen này còn có thể tạo điều kiện cho nấm mốc sinh sôi trên da đầu.
Mối lo này bất ngờ “nóng lên” khi một video TikTok của Kaley (@allthingskaley) lan truyền mạnh mẽ, thu hút hơn 21 triệu lượt xem. Trong video, cô chia sẻ thói quen sấy tóc ngay sau khi gội vì sợ bị “nấm đầu”. Bên dưới phần bình luận, không ít người đồng ý rằng họ cũng thực hiện tương tự với nỗi lo rằng để tóc khô tự nhiên hoặc ngủ khi tóc còn ướt có thể dẫn đến hiện tượng “hair mold” (nấm tóc). Từ đây, chủ đề này trở thành mối quan tâm mới khuấy động cả một làn sóng lo âu trên khắp các cộng đồng làm đẹp.
Nói đến nấm mốc, chúng không hề xa lạ trong thế giới làm đẹp. Chúng có thể “ẩn mình” trong những hũ kem không chứa chất bảo quản, hoặc dễ dàng phát triển trong môi trường nóng ẩm như phòng tắm. Tuy nhiên, theo bác sĩ da liễu Sharon Wong (thuộc Quỹ Da Liễu Anh Quốc), tóc và da đầu, với hệ vi sinh tự nhiên riêng biệt, không phải nơi lý tưởng để loại nấm mốc thông thường trú ngụ. Những loại nấm mốc hình thành trong không khí hay bề mặt ẩm hoàn toàn khác với hệ vi sinh tự nhiên có trên da đầu con người.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta có thể lơ là việc chăm sóc tóc ướt. Trên da đầu chúng ta luôn tồn tại một loại nấm men tên là Malassezia thường vô hại khi môi trường da đầu ổn định. Nhưng nếu tóc ẩm lâu, không được làm khô đúng cách và da đầu đổ nhiều dầu, Malassezia có thể phát triển quá mức. Hậu quả là bạn sẽ gặp các vấn đề phổ biến như gàu, ngứa ngáy hoặc viêm da tiết bã.
Nếu từng thấy vảy trắng lấm tấm rơi xuống vai, hay vùng da đầu xuất hiện mảng bong vảy vàng kèm cảm giác ngứa, rất có thể da đầu bạn đang “biểu tình” vì mất cân bằng hệ vi sinh chứ không phải nấm mốc theo nghĩa đen.
Mặc dù tóc bạn không dễ gì trở thành nơi trú ngụ của nấm mốc, thì gối và vỏ gối lại là một câu chuyện khác. Nếu bạn có thói quen đi ngủ khi tóc còn ướt, độ ẩm sẽ thấm vào gối, khiến vải trở nên ẩm mốc và dễ bốc mùi, từ đó tạo điều kiện lý tưởng cho nấm thật sự phát triển. Nếu bạn thường xuyên ngủ với tóc ướt, hãy thay vỏ gối hằng ngày và đảm bảo vỏ gối được giặt và phơi khô hoàn toàn. Còn nếu tóc đã khô khi lên giường, bạn chỉ cần thay vỏ gối mỗi tuần là đủ.
Câu trả lời là hoàn toàn có thể, miễn là bạn để tóc khô hoàn toàn trước khi đi ngủ. Tóc ướt vốn dễ gãy hơn bình thường. Ngủ khi tóc còn ẩm không chỉ khiến bạn thức dậy với mái tóc xù rối, mà còn khiến da đầu bị “bí”, làm tăng nguy cơ mất cân bằng vi sinh hoặc kích ứng.
Nếu bạn vẫn thích cảm giác để tóc khô tự nhiên, hãy dùng khăn làm bằng chất liệu microfiber siêu thấm hút để thấm bớt nước trên tóc sau khi gội. Loại khăn này nhẹ, hút ẩm nhanh và không gây rối tóc. Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm kem dưỡng hỗ trợ khô tóc tự nhiên, vừa dưỡng ẩm, vừa giữ tóc vào nếp nhẹ nhàng mà không cần dùng nhiệt. Còn nếu bạn chọn sấy tóc, đừng quên xịt dưỡng chống nhiệt trước khi bắt đầu, đồng thời, ưu tiên mức nhiệt vừa phải và sấy từ xa để tránh làm khô da đầu. Với những ai lo ngại tóc hư tổn, các thiết bị hiện đại có khả năng điều chỉnh nhiệt thông minh và giúp sấy nhanh mà vẫn giữ được độ mềm mượt tự nhiên của tóc.




