Thực dụng thì sao? - Tạp chí Đẹp

Thực dụng thì sao?

Thời Trang

Có thể nói, chất “khỏe khoắn” của thể thao và vẻ quyến rũ “ưa nhìn” của nhạc pop là hai đặc tính tiêu biểu cho văn hóa ăn mặc và thiết kế thời trang Hoa Kỳ.

Vẻ đẹp Mỹ

Vẻ đẹp Mỹ ở đây không phải là một thái độ phê phán như câu chuyện kịch tính được dựng lên trong bộ phim cùng tên được giải Oscar của đạo diễn Sam Mendes hơn 10 năm về trước.

Đó là vẻ đẹp tròn trịa về mặt thẩm mỹ của trang phục do các nhà tạo mẫu người Mỹ thiết kế, những người xây dựng nên nền công nghiệp thời trang “American Beauty” – Vẻ đẹp mà người Mỹ có quyền tự hào.

 

Một thiết kế trong BST Thu Đông 2012-2013 của Ralph Lauren 

Mẫu số chung cho vẻ đẹp Mỹ

Do cơ cấu xã hội đa chủng tộc bậc nhất thế giới (gồm người gốc Âu, Á, Phi, Nam Mỹ và thổ dân bản địa), cơ thể lẫn bản tính văn hóa của người Mỹ thường không thống nhất. Đặc tính “đa dạng” là một trong những thế mạnh của đất nước này trong các lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, thời trang, nhưng đồng thời cũng khiến người ta khó có thể đưa ra “quy chuẩn” cho một thứ gọi là phong cách kiểu Mỹ. Chẳng hạn trong tạo mẫu, những phong cách cầu kì hay nhiều phá cách, như tính tiên phong về cắt may ở Nhật Bản, truyền thống quý tộc kiểu Anh hay lộng lẫy xa hoa vùng Bắc Ý, sẽ không thể trở thành điểm đặc trưng có ảnh hưởng tại Mỹ. Tuy nhiên, việc hướng tới một phong cách có thể được chấp nhận bởi đa số các tầng lớp xã hội cũng như mức cảm thụ văn hóa – thẩm mỹ vẫn là một quá trình tiến hóa tất yếu trong ngành thời trang Mỹ. Nó không có nghĩa là đồng hóa tất cả mọi thứ và xóa bỏ tính phong phú, mà ngược lại, cố gắng tìm ra tiếng nói chung nhất hòa hợp các khoảng cách.

 

BST Thu Đông 2012-2013 của Marc Jacobs

Chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) đi từ Mỹ mà ra, và dù không hề có ý tổng quát hóa mọi điều, nhưng xét cụ thể trong ngành tạo mẫu, tính thực dụng là một điểm rất thống nhất trong giới thiết kế, khi họ thường lựa chọn lối tiếp cận mang nhiều tính thực tiễn và phù hợp với thẩm mỹ số đông hơn là đẩy sự phá cách đến cực điểm.

Khi nhắc tới hòa hợp tâm lý số đông, tất yếu sẽ bàn tới ảnh hưởng từ âm nhạc và thể thao, bởi đây là hai yếu tố căn bản và nhanh chóng nhất để biểu trưng cho sức mạnh “mềm”của bất cứ xã hội nào. Nói về âm nhạc Mỹ, ta phải kể đến dòng nhạc pop Hoa Kỳ thống trị các bảng xếp hạng trên thế giới, đồng thời là “nhân vật” có ảnh hưởng lớn đến văn hóa ăn mặc của công chúng. Còn trong thể thao, hình tượng khỏe mạnh của các vận động viên nhà nghề (bóng rổ, bóng chày và tennis…) là biểu tượng trong mơ của dân chúng Mỹ, nơi mà trọng lượng cơ thể và hình ảnh cá nhân luôn là nỗi lo triền miên. Bởi thế, ngành công nghiệp tạo mẫu phần nào đó cũng phải thỏa hiệp với những mẫu số chung về thẩm mỹ của số đông. Có thể nói, chất “khỏe khoắn” của thể thao và vẻ quyến rũ “ưa nhìn” của nhạc pop là hai đặc tính tiêu biểu cho văn hóa ăn mặc và thiết kế thời trang Hoa Kỳ.

 

Tính thực dụng là một điểm rất thống nhất trong giới thiết kế, khi họ thường lựa chọn lối tiếp cận mang nhiều tính thực tiễn và phù hợp với thẩm mỹ số đông hơn là đẩy sự phá cách đến cực điểm. 

Polo – hình tượng thể thao của giới quý tộc

Trước khi nói về sự hòa hợp thẩm mỹ, phải xét đến điều quan trọng nhất trong tạo mẫu là cấu trúc trang phục tôn vinh cơ thể người mặc. Vì lẽ đó, việc tìm được mẫu số chung cho nhiều kiểu dáng vóc người dân Mỹ không phải đơn giản. Và kiểu dáng khỏe khoắn, mạnh mẽ là một hình tượng ưa thích và dễ mặc nhất. Một trong những người tiên phong cho dòng thời trang này là nhà thiết kế Ralph Lauren.

Trang phục hơi hướng thể thao không có nghĩa là xuề xòa. Thực vậy, hãy thử nhìn lại bộ phim “Gatsby vĩ đại” phiên bản năm 1974 có phần phục trang do Ralph Lauren thực hiện. Tầng lớp trung và thượng lưu Mỹ ở đây được khắc họa chân thực với phong thái lịch lãm nhưng giản tiện và tiết chế. Họ xuất phát từ vẻ quý tộc châu Âu, nhưng thần thái sang trọng ấy được cộng hưởng với tính tiện dụng và dứt khoát của những người vượt biển chinh phục vùng đất mới. Ralph Lauren đã tạo dựng hình ảnh một người Mỹ có gia sản và biết hưởng thụ tinh tế thành quả lao động của mình qua thẩm mỹ trang phục và thể thao. Sáng lập năm 1967, hãng thời trang này trở thành cái tên tiêu biểu trong quần chúng Mỹ chỉ vài năm sau đó, khi Ralph Lauren cho ra mắt mẫu áo thun cổ bẻ có thêu biểu tượng vận động viên môn polo và đặt tên dòng sản phẩm là Polo Ralph Lauren.

Là người gốc Do Thái, Ralph Lauren thừa hưởng máu kinh doanh tài ba. Không hề được đào tạo về cắt may, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh thời trang từ vị trí bán hàng tại nhà may danh tiếng Brooks Brothers ở phố Mahattan, New York, Ralph Lauren đã nắm đúng thị hiếu của người dân Mỹ và khai thác tối đa gu thẩm mỹ này. Đó là gu thẩm mỹ của một giấc mơ về cuộc sống khá giả, hơi bảo thủ và chú trọng lối sống gia đình nhiều thế hệ, nơi diễn ra các cuộc hội hè thượng lưu, nhóm nam giới mặc áo khoác thêu huy hiệu ở ve áo, hay áo polo với quần kaki ống đứng xỏ giày bốt cao cổ chuyên dùng cưỡi ngựa, hội các bà các cô mặc váy lụa hay bộ vét kín đáo, tinh tế, có màu sắc sáng sủa nhưng không quá nổi bật.

Nhà thiết kế Ralph Lauren

Logo nổi tiếng của Ralph Lauren

 

Một thiết kế trong BST Thu Đông 2012-2013 của Ralph Lauren 

Cú nhảy vượt rào ngoạn mục nhất

Nếu nói về tính thực tế và độ nhanh nhạy kinh doanh trong mảng thời trang hơi hướng thể thao, có một nhân vật xứng đáng được so sánh với “tượng đài” Ralph Lauren, không ai khác hơn chính là Tommy Hifiger. Thắng giải thưởng danh giá thiết kế của năm, hạng mục thời trang nam giới của hội đồng nhà tạo mẫu Hoa Kỳ CFDA năm 1995, Tommy hơi mỉa mai cho rằng ông giành được giải không phải bởi sự công nhận tài năng thiết kế mà bởi tài nghệ kinh doanh của mình. Điều đó phần nào không sai, bởi cũng như Ralph Lauren, Tommy không qua bất cứ hình thức đào tạo cắt may nào, và ông cũng thừa nhận sự thiếu hụt khả năng này của mình trong quá trình thiết kế.

Bắt đầu sự nghiệp thời trang cũng từ mảng kinh doanh, Tommy giàu có nhanh chóng khi chưa kịp tốt nghiệp phổ thông. Nhưng chú ngựa non háu đá ấy liền bị phá sản chóng vánh. Sáu năm sau cú sốc tài chính đầu tiên, một lần nữa cơ hội khác mở ra cho Tommy khi đại tư bản gốc Ấn Mohan Murjani bắt tay mở cửa tập đoàn thời trang mang tên Tommy Hilfiger năm 1984. Ngay năm tiếp theo, với chiêu thức chỉ có thể xảy ra ở Mỹ, Tommy Hilfiger vụt lên hàng ngôi sao sau một đêm, khi tấm bảng đèn khổng lồ ở quảng trường Times, New York, có in hình Tommy sánh vai cùng ba cây đại thụ tạo mẫu Hoa Kỳ là Ralph Lauren, Calvin Klein và Perry Ellis cùng câu quảng cáo “4 nhà thiết kế trang phục nam vĩ đại của nước Mỹ là: R-L, P-E, C-K, T-H”, được dựng lên.

 

Nhà thiết kế Tommy Hilfiger (ở giữa) 

Người Mỹ thích scandal, và họ ngay lập tức yêu thích cái tên Tommy Hilfiger vì sự liều mạng của người đàn ông này. Ngay lập tức, chiếc huy hiệu Tommy Hilfiger màu xanh, đỏ, trắng mô phỏng lá quốc kỳ tràn ngập thị trường Mỹ, từ giới thượng lưu cánh hữu cho tới khu vực trẻ tuổi mê hiphop nghe nhạc Snoop Dogg. Sự thành công của thương hiệu này khiến cho không ít người ghen tị. Calvin Klein, nhà thiết kế được nêu tên trong màn quảng cáo tai tiếng nọ, đã chỉ trích George Lois, người thực hiện nó bởi ông không thể chấp nhận việc Hilfiger, một hãng vô danh trong chốc lát đạt được những gì mà Klein bỏ công trong 20 năm. Cú nhảy của Tommy Hilfiger là một trong những cú vượt rào ngoạn mục nhất trong làng thời trang Hoa Kỳ, thể hiện tính nhanh nhẹn của người Mỹ không chỉ về mặt thể chất trong tập luyện thể thao mà còn trong cuộc chạy đua lợi nhuận của thương trường.

 

Nữ ca sĩ Corinne Bailey Rae

Thanh lịch và thể thao: Mối xung khắc hay sự hòa hợp

Nước Mỹ luôn là quốc gia có nhiều mâu thuẫn về văn hóa và giới tính, nơi có nhiều nhà đấu tranh giới tính nhất, nhưng cũng là một trong những nước phát triển có sự chênh lệch kinh tế giữa nam và nữ khá cao; nước có nhiều biểu tượng tình dục nhưng cũng là nước kiểm duyệt hình ảnh xác thịt trên phương tiện truyền thông chặt chẽ nhất. Chính vì vậy, bản thân 2 chữ “thể thao” trong bối cảnh nước Mỹ đã gợi lên nhiều mâu thuẫn, nhất là khi muốn diễn giải nó trong tạo mẫu. Thể thao là mạnh mẽ, là phái mạnh chăng? Thời trang là vẻ điệu đàng của riêng phái yếu? Làm sao để kết hợp hai yếu tố này mà không quá phá cách đến mức xa rời nhận thức của đám đông? Và người góp phần giải mã bài toán phức hợp này thành công nhất trong làng thời trang Mỹ là Michael Kors.

Nhà thiết kế Michael Kors

Được sinh ra và nuôi dạy bởi một cựu người mẫu đam mê mua sắm, Michael Kors có hai niềm đam mê trong đời là diễn xuất và thiết kế thời trang nhưng ông đã chọn cho mình con đường thứ hai. Dù có lối thiết kế trang phục rất tiết chế chi tiết và màu sắc trung tính, Michael không tự cho mình là một nhà thiết kế theo lối tối giản. Đối với ông, sự thẳng thắn và không diêm dúa của người Mỹ, đặc biệt ở khu vực bờ Đông, là kim chỉ nam định hướng phong cách nhà mốt. Lấy cảm hứng từ các môn thể thao đòi hỏi sự thông minh và khéo léo như tennis, hay có trang phục ôm sát cơ thể như bơi lội, Michael hình thành hình ảnh người phụ nữ nhanh nhẹn, sành điệu và hết sức lịch lãm. Từng là nhà thiết kế chính của nhà mốt Celine Paris từ năm 1997 tới 2004, Michael Kors khẳng định tài năng của ông không chỉ trong biên giới nước Mỹ. Trung thành với các tông màu căn bản chạy từ dải đen, xám, trắng, nâu, be, kem, thiết kế hiệu Michael Kors luôn khiến người mặc thon thả, rắn chắc, không lộ nhiều da thịt nhưng vô cùng gợi cảm bởi đường cắt tôn vinh dáng vóc cơ thể. Làn da nâu rám nắng do luyện tập ngoài trời quyến rũ được lộ ra qua đường xẻ tà váy dài hay chiếc cổ áo chữ V khoét sâu. Vẻ đẹp mạnh mẽ của người phụ nữ Mỹ được Michael Kors đặc tả một cách thanh nhã nhất.

Bộ sưu tập Thu Đông 2012-2013 của Michael Kors

 

Câu chuyện Vẻ đẹp Mỹ

Các bài viết trong chuyên đề:

>> Thực dụng thì sao?

>> Alexander Wang: Hạt giống thời trang Mỹ 

Bài: Arlette Quỳnh Anh Trần


Thực hiện: depweb

13/07/2012, 14:37