Thực đơn Thanh tịnh tâm hồn

"Nghệ thuật ẩm thực trong món ăn thực dưỡng là không dùng những thành phần gia vị cảm khoái giả như mì chính, bột ngọt… mà từ cách chế biến khéo léo, kết hợp muối hầm với các nguyên liệu tạo nên vị ngon ngọt tự nhiên từ rau củ quả. Đặc biệt món ăn thực dưỡng không bao giờ dùng muối sống vì không tốt cho sức khỏe. 

Những món ăn thực dưỡng giúp cân bằng lại thể trạng và đẩy lùi bệnh tật. Ngày nay, không chỉ có người lớn tuổi mắc các chứng bệnh tiểu đường, ung thư… mà cả lứa tuổi thanh niên cũng có thể mắc các chứng bệnh này, vì thế việc cân bằng dinh dưỡng để điều hòa khí huyết, ổn định thân tâm và thể lực là một điều rất cần thiết.

Quân bình được âm dương chính là nguyên lý của thực dưỡng. Hay nói cách khác, đó là sự quân bình giữa kẽm và axit. Bạn nên ăn nhiều rau củ quả và cá, đó là hai nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá. Tuy nhiên, nên chú trọng cân bằng tính âm dương trong món ăn. Chỉ cần bạn nắm được quy luật âm dương, biết được món nào là âm, món nào là dương rồi kết hợp thì sẽ làm chủ được tính quân bình của thực phẩm, để làm nên những món ăn ngon và bổ dưỡng."

(Cô Phạm Thị Ngọc Trâm, người nghiên cứu thực dưỡng lâu năm)

 

* Công thức dành cho 2 người ăn. Các nguyên liệu đều bán rộng rãi ở các nhà hàng thực dưỡng hoặc siêu thị.
 
1. Bún lứt xào:

Nguyên liệu:
– Bún gạo lứt (dạng khô): 120 gam
– Rong biển Phổ tai: 1 miếng
– Ngưu bàng: 30 gam
– Cà rốt: 1 củ (bào nhỏ)
– Mơ muối: 1 quả
– Muối hầm: 1/4 thìa súp (có bán tại các siêu thị)
– Nước chấm Tamari: 1/3 thìa súp
– Dầu vừng: 1 thìa súp
– Mướp đắng, cà rốt: 1 quả/củ để trang trí
– Rau mùi: 1 mớ
 
Cách làm:
– Ngâm bún khô gạo lứt trong nước lạnh khoảng 5 phút rồi để ráo.
– Rong biển ngâm nước lạnh 5 phút rồi thái miếng vừa ăn.
– Cho rong biển, ngưu bàng, cà rốt, mơ muối, muối hầm, nước chấm Tamari vào nồi nước 250ml, đun nhỏ lửa trong khoảng 30 phút để tiết ra nước ngon ngọt tự nhiên, vớt nguyên liệu ra để ráo.
– Thả bún lứt (đã ngâm) vào nồi nước dùng rồi đun sôi, cho thêm 1 thìa dầu vừng vào đợi đến khi sôi lại thì tắt bếp. Đậy nắp vung lại để bún tự hút lấy nước, 10 phút sau trộn bún với nguyên liệu rong biển, ngưu bàng, cà rốt, mơ muối (vừa vớt).
– Trang trí thêm cà rốt, mướp đắng và rau thơm cho thật đẹp mắt.
 

2. Cơm cốm gạo lứt:

Nguyên liệu:

– Gạo lứt đỏ: 300 gam

– Đậu đỏ: 15 gam

– Đậu xanh (mua sẵn loại đã đồ): 150 gam

– Cốm: 200 gam

– Vừng, hành khô

– Rong biển Phổ tai: 1 miếng to bằng 1/2 bàn tay

– Mơ muối: 1 quả (hoặc vài giọt nước mơ muối lâu năm)

– Nghệ hoặc bột nghệ

– Muối hầm: 1/2 thìa cà phê

 

 

Cách làm:

– Gạo lứt, đậu đỏ vo đãi sạch

– Luộc sôi đậu đỏ rồi vớt ra để ráo.

– Cho gạo, đậu đỏ, mơ muối, phổ tai, bột nghệ, muối hầm vào nồi áp suất với 1 lít nước rồi ngâm trong khoảng 1 – 3 giờ, sau đó vặn chặt nắp và ninh trong 15 phút, tiếp đó hạ nhỏ lửa và đun thêm 20 phút. Hạt cơm và đậu đỏ sẽ căng tròn và dẻo như xôi.

– Trình bày: Cơm gạo lứt đậu đỏ, đậu xanh, cốm bày ra đĩa thành từng lớp, rải thêm hành khô lên đậu xanh, rắc chút vừng lên cơm gạo lứt.

 

3. Cháo gạo lứt:
Nguyên liệu:
– Gạo lứt đỏ: 200 gam
– Đậu đỏ: 15 gam
– Rong biển Phổ tai: 1 miếng to bằng 1/2 bàn tay
– Mơ muối: 1 quả (hoặc vài giọt nước mơ muối lâu năm)
– Nghệ hoặc bột nghệ: chút bột nghệ bằng hạt ngô
– 10 hạt sen tươi hoặc 5 gam sen khô
– Muối hầm: 1/2 thìa cà phê
 
 
Cách làm:
– Gạo lứt, đậu đỏ vo đãi sạch.
– Luộc sôi đậu đỏ rồi vớt ra để ráo.
– Cho gạo lứt, đậu đỏ, hạt sen, phổ tai, mơ muối (cắt nhỏ), bột nghệ, muối hầm ngâm với 1 lít nước trong nồi áp suất khoảng từ 1 – 3 tiếng, rồi ninh khoảng 20 phút, tắt bếp, để nửa tiếng sau đun tiếp lần 2 trong 20 phút.
 
* Có thể lấy cơm lứt nấu thành cháo rất ngon và nhanh.
– Có thể cho thêm rau củ theo mùa vào thành món cháo thập cẩm. Khi cho rau củ thì không ninh ngay từ đầu vì sẽ bị nồng. Nên hầm hoặc luộc rau củ riêng, rồi ninh cùng cháo khi đun lần 2.
– Có thể ăn kèm rau thơm, hành lá.
– Món cháo gạo lứt ăn rất hợp vị với ca-la-thầu (củ cải ngâm tương).
 
4. Cơm lứt cuốn rong biển:
Nguyên liệu:
– Gạo lứt trắng: 200 gam
– Muối hầm: 1/3 thìa cà phê
– Mơ muối: 1 quả hoặc vài giọt dấm mơ muối
– Tía tô rắc cơm (tía tô ngâm nước mơ muối và đem phơi khô tán bột): 2 thìa cà phê. Hoặc có thể dùng lá tía tô tươi
– Rong biển nori sấy khô: hai lá to
– Ca-la-thầu (củ cải dầm tương): 15 gam
 
Cách làm:
– Gạo lứt trắng, mơ muối (xé nhỏ), muối hầm ngâm trong 1 lít nước khoảng 3 tiếng, rồi nấu như bình thường. Có thể nấu nồi cơm điện, hoặc tốt nhất là nấu cách thủy, hạt cơm sẽ dẻo và căng tròn như xôi.
– Nắm cơm thành những nắm nhỏ, cho thêm vài miếng ca-la-thầu làm nhân. Lăn nắm cơm qua “tía tô rắc cơm”, hoặc có thể lấy lá tía tô tươi đem băm vụn, rồi rắc lên bề mặt nắm cơm.
– Rong biển cắt thành miếng dài vừa đủ để cuộn cơm, cuộn chặt tay.
 
5. Rau quả rưới xốt Mi-sô
Nguyên liệu:
– Cà rốt: 3 củ
– Súp lơ: 1 cây
– Khoai tây: 4 củ
– Rong biển phổ tai: một miếng to bằng 1/2 bàn tay
– Dầu hạt điều: 1/2 thìa cà phê
– Dầu vừng: 1/2 thìa cà phê
– Dấm mơ muối: 1/2 thìa cà phê (hoặc nước mơ muối lâu năm)
– Muối hầm: 1/2 thìa cà phê
– Bột sắn: 1 thìa súp
 
Cách làm:
– Rửa sạch rồi cắt nguyên liệu củ quả thành từng miếng vừa ăn. Riêng súp lơ lấy cả thân cây, bỏ vỏ rồi xắt miếng nhỏ.
– Luộc củ quả hoặc hấp chín
– Làm xốt Mi-sô: bào nhỏ 1/2 củ cà rốt, cắt nhỏ miếng rong biển rồi ninh trong 30ml nước (khoảng 20 phút), để lấy nước cốt ngọt tự nhiên. Lọc lấy nước. Khuấy đều bột sắn dây rồi đổ vào nước cốt, thêm 1/2 thìa muối hầm và dấm mơ muối.
– Chưng dầu hạt điều với dầu vừng rồi đổ vào nước cốt để tạo mầu. Hạt điều dầu có tính dương để điều hoà hỗn hợp nước xốt.
– Rưới nước xốt lên trên rau củ.

Thực hiện món: Nhà thực dưỡng số 103/ngách 2, ngõ Thái Thịnh I, Hà Nội
Website tham khảo: www.thucduong.vn

Tổ chức hình ảnh: Thùy Trinh – Chụp hình: Nguyễn Khôi


From the same category