Niềm vui của đôi vợ chồng và thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Huế. (Nguồn: Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp)
Theo giáo sư-tiến sỹ Bùi Đức Phú, trường hợp mang thai hộ đầu tiên đã sinh này là vợ chồng anh Lê Thanh Ân (1982), chị Nguyễn Thị Thuần (1981) ở Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế, lập gia đình từ năm 2008, vợ bị u xơ tử cung lớn có biến chứng nặng phải cắt tử cung nên không thể tự mang thai.
Trường hợp này đã được thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm-mang thai hộ ở Bệnh viện Trung ương Huế.
Bé gái chào đời vào lúc 8 giờ10 phút sáng 28/7, nặng 3,5kg tại Khoa Phụ sản -Trung tâm Điều trị theo yêu cầu & Quốc tế – Bệnh viện Trung ương Huế, đánh dấu việc triển khai thành công thêm một kỹ thuật mới ở Bệnh viện Trung ương Huế.
Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận thêm hồ sơ trên 10 trường hợp mang thai hộ và đã tiến hành thực hiện thành công ba trường hợp đầu tiên; trong đó có trường hợp đã sinh vừa nêu ở trên. Ngoài ra ở đây còn có hơn 1.000 trường hợp em bé ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Hiện có ba bệnh viện trên cả nước được Bộ Y tế cho phép thực hiện mang thai hộ, gồm Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo luật, cặp vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau: Có xác nhận của đơn vị y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi làm thụ tinh trong ống nghiệm; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện: người thân thích cùng hàng của bên vợ (hoặc bên chồng) nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần duy nhất; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của đơn vị y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; nếu người phụ nữ mang thai hộ đã có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý…
Theo VietnamPlus