Chuyện xưa
Trước năm 1945, có một thầy giáo tên là Thứ làm nghề dạy học ở một ngôi trường tư thục. Cuộc sống của thầy giáo Thứ thời ấy vô cùng khó khăn, vất vả (thầy giáo Thứ có lần tự nói về mình là “giáo khổ trường tư” vì bị quan lại và bị chủ trường bóc lột).
Tuy cuộc sống nghèo khó vất vả nhưng lương hàng tháng mà thầy giáo Thứ nhận được vẫn có thể nuôi sống vợ con ở quê. Đặc biệt, thầy giáo Thứ vẫn có tiền để thuê và nuôi “một thằng người” ở trong nhà để sai vặt. Thầy không bao giờ phải xách giỏ ra chợ để rồi đi mặc cả từng đồng, từng cắc với mấy bà “hàng rau, hàng cá” vì mọi chuyện đã có thằng người ở lo hết.
Thầy giáo Thứ cũng không phải tìm mối dạy kèm dạy thêm chỗ nọ chỗ kia… Thời gian để làm những chuyện vặt vảnh ấy, thầy giáo Thứ dành hết cho việc đọc sách, nghiên cứu soạn bài dạy học ở trường.
Đáng nói hơn nữa, dù là dạy một ngôi trường tư, quanh năm chẳng thấy có thanh tra Phòng, Sở, Bộ… nào yêu cầu phải dạy thế này, dạy thế kia, giáo án phải soạn làm sao; hàng năm viết “sáng kiến kinh nghiệm”, đăng ký giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia thê nào…
Vậy mà chỉ sau một năm dạy học thầy giáo Thứ đã giúp cho số lượng học sinh đăng kí vào trường của thầy tăng gấp đôi (nhờ “số học trò đỗ bằng tốt nghiệp so với những năm trước tăng vọt hẳn lên”). Vì vậy mà lúc bấy giờ, tuy cuộc sống khó khăn vất vả nhưng trong mắt của người đời và xã hội, những người như thầy giáo Thứ vẫn rất được kính nể, trọng vọng.
Hẳn quý vị sẽ thắc mắc câu chuyện này có thật không? Xin thưa rằng, câu chuyện này là hoàn toàn có thật. Nếu quý vị nào không tin xin về đọc lại tiểu thuyết “Sống mòn” của nhà văn Nam Cao sáng tác trước năm 1945, mà theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, thì đó là câu chuyện mang bóng dáng đời tư của chính nhà văn Nam Cao lúc bấy giờ.
Chuyện nay
Một hôm, người viết bài này tình cờ gặp lại đứa học trò cũ. Qua trò chuyện hỏi thăm, mới biết sau gần hai năm ra trường, em mới được trở thành giáo viên chính thức (trước đây chỉ là giáo viên hợp đồng) ở một ngôi trường huyện.
Nhưng chua chát thay, để được làm ông “giáo khổ trường công” ấy, đứa học trò cũ phải mất 45 triệu (lẽ ra là tròn 40 triệu sau nhiều lần thương thảo, cò kè “bớt một thêm hai” với những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục địa phương. Nhưng vì phải qua “môi giới” nên phải lót tay trước 5 triệu coi như tiền “cà phê cà pháo”!)
Nhận được quyết định bổ nhiệm của Sở em mừng hết lớn thầy ơi! Kệ, coi như em làm không công một vài năm vậy! Thà vậy còn hơn chứ loay hoay ở ngoài chẳng biết làm gì nuôi vợ con, em oải quá! Cũng may là nhờ bạn bè, người thân nội ngoại hai bên, mỗi người một ít góp vào cho mượn nếu không chắc em… tiêu!
Nghe đứa học trò cũ nói “nhận được quyết định bổ nhiệm của Sở em mừng hết lớn” mà muốn rơi nước mắt. Chợt nhớ lại dịp nhà trường tổ chức phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên, lúc lân la hỏi chuyện các em đã xin việc ở đâu chưa (như một lời thăm hỏi trước lúc thầy trò chia tay). Một em nói: Giờ xin việc khó quá thầy ơi! Em rất muốn xin đi dạy học vì đó là ước mơ của em nhưng ở quê em người ta bảo thẳng thừng: Muốn vô phải có vài chục triệu!
Nghe vậy một em khác chen vào: Vậy là may rồi đó thầy, ở quê em ngoài Bắc người ta đòi gần cả trăm triệu!
Ảnh minh họa
Thử so sánh…
Những “chuyên gia văn học” khi đánh giá tiểu thuyết “Sống mòn” của Nam Cao cho rằng, qua Sống mòn Nam Cao muốn lên tiếng “tố cáo xã hội” đương thời đã vô lương tâm và thiếu trách nhiệm đẩy những người trí thức (thầy giáo Thứ) vào bi kịch của lối “sống mòn” – lối sống của những kẻ “chết trong lúc đang sống”…
Ở đây, người viết không bàn đến chuyện đúng sai, thuyết phục hay không thuyết phục về những đánh giá này, mà chỉ muốn làm một phép so sánh để mọi người có thể hiểu rõ hơn tình cảnh của đại bộ phần thầy, cô giáo trong xã hội ta hiện nay qua hai câu chuyện trên.
Trong cái nhìn so sánh này, có thể nói, đời sống (cả về “vật chất” lẫn “tinh thần”) của mấy triệu thầy cô giáo ở bậc phổ thông hiện nay ở nước ta vất vả và thảm hại hơn rất nhiều nếu so với thầy giáo Thứ trong tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao trước 1945.
Bởi lẽ: Thứ nhất, các thầy cô giáo hiện nay nếu muốn thỏa mãn cái ước mơ của mình, muốn có công ăn việc làm (để không lãng phí bốn năm trời ngồi trên giảng đường đại học), trước đó họ buộc làm cái điều mà họ không bao giờ ngờ tới, đó là “chung chi” cho những “người có trách nhiệm”?
Dĩ nhiên không phải tất cả các thầy cô giáo đều như thế, nhưng phải thừa nhận đây là vấn đề có thật – một xu hướng chung rất đáng buồn trong xã hội ta hiện nay: Muốn có việc hoặc là nhờ “quen biết” hoặc qua “chung chi” hay còn gọi là “chạy việc”.
Thứ hai, dù tất cả đều biết rất rõ là lương bổng của nghề giáo chỉ “ba cọc ba đồng”, tằn tiện lắm cũng chỉ nuôi sống bản thân (chứ đừng nói gì đến nuôi vợ con hay dư dả hơn là thuê người làm như thầy giáo Thứ trong Sống mòn), nhưng người ta vẫn cứ phải bằng mọi cách để chen chân vào.
Có thể nói, bi kịch của các thầy cô giáo chính là ở chỗ này, dù biết con đường phía trước đầy chông gai nhưng vì nhu cầu sinh tồn họ không còn cách lựa chọn nào khác là phải thỏa hiệp với những cái xấu, cái giả dối, cái tiêu cực trong cuộc sống.
Hệ lụy tất yếu
Có thể thấy, với không ít giáo viên ngay từ lúc mới vào nghề đã phải cắn răng mà “chung chi” để có việc làm. Đó là một cú sốc nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân làm họ sa ngã, trượt ngã của họ về sau.
Một suy nghĩ, một toan tính đầy thực dụng tất yếu sẽ nảy sinh, một khi họ trở thành giáo viên chính thức, họ sẽ phải hành xử thế nào, để “bù đắp” lại những khoản “chung chi” trước đó cũng như để trang trải cuộc sống, vì lương bổng hàng tháng của nghề giáo quá eo hẹp?
Việc xoay sở để tìm cách dạy thêm hoặc tệ hơn nữa là nhận tiền “bồi dưỡng” từ phụ huynh học sinh cũng là điều tất yếu sẽ xảy ra nếu như họ không đủ dũng khí; không đủ bản lĩnh để từ chối. Những việc ấy, lúc đầu chỉ đơn giản nhằm trang trải cho cuộc sống khó khăn, nhưng sau nhiều lần như thế sẽ trở thành nếp nghĩ, thành thói quen không dễ gì rứt ra được.
Cho nên mới có chuyện, không ít người tuy cuộc sống đã đầy đủ rồi, nhưng vẫn không sao vượt qua sự cám dỗ, là những khoản thù lao béo bở từ buổi dạy thêm tại nhà; vẫn không biết xấu hổ để liên tục nhận tiền “bồi dưỡng” từ phía cha mẹ học sinh.
Đến đây có thể nói, bản thân là giáo viên, là những nhà quản lý giáo dục mà cuộc sống riêng tư “nhếch nhác” như thế thì làm sao các em học sinh tin vào những “những tấm gương sáng”, “những bài học đạo đức”, “bài học làm người” gì đó?
Đây có thể nói là cái hệ lụy đau lòng nhất của chính sách lương bổng và đãi ngộ dành cho giáo viên cũng như xu hướng muốn có việc phải “chung chi” trong ngành giáo dục hiện nay.
Không dừng lại ở đó, làm giáo viên mà suốt ngày phải đầu tắt mặt tối, bất chấp quy định của ngành, bất chấp cái sĩ diện và lòng tự trọng của “cái nghề cao quý” để tìm cách mưu sinh thì thời gian đâu nữa giành cho việc đầu tư nghiên cứu phục vụ giảng dạy?
Trong cuộc sống, thực ra việc rèn luyện tri thức, rèn luyện trí lực của con người cũng giống như rèn luyện thể lực, rèn luyện sức khỏe. Nếu chúng ta không luyện tập thường xuyên thì lâu dần đâu óc, trí não cũng sẽ trở nên chai lỳ, xơ cứng.
Cho nên với nghề giáo, việc mỗi thầy cô giáo phải dành thật nhiều thời gian cho việc đọc sách trau dồi và rèn luyện trí lực là điều rất quan trọng. Vậy mà vì cuộc sống, hoặc vì áp lực sự vụ hành chính trong trường học, ngày nay các thầy cô giáo ở phổ thông gần như không còn thời gian để làm những điều ấy.
Không ít các thầy cô giáo quanh năm chẳng đụng đến một quyển sách, chẳng đọc thêm một quyển sách nào ngoài những tài liệu và những quyển sách giáo khoa mà Bộ GD và ĐT đã ban hành.
Thử hỏi rèn luyện trí lực như thế thì làm sao việc dạy học đạt hiệu quả? Làm sao có thể phản ứng và xử lý tốt các tình huống sư phạm nảy sinh từ phía học sinh do những tác động của cuộc sống xã hội mà ra.
Từ góc nhìn này có thể thấy, tất cả những phong trào mang tính bề nổi mà ngành giáo dục đã và đang phát động như: “Đổi mới phương pháp giảng dạy”, “viết sáng kiến kinh nghiệm”... với ý nghĩ nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học, thực ra chỉ góp phần… gây lãng phí thời gian và tiền bạc của Nhà nước mà thôi.
Vì sao như vậy? Câu trả lời là, suy cho cùng những cái gọi là “phương pháp mới” hay những “sáng kiến kinh nghiệm” gì gì đó, đều trở nên vô nghĩa nếu như cái cái nền tảng kiến thức, tri thức của giáo viên ngay từ đầu đã hỏng, lại không được thường xuyên trau dồi.
Trong dạy học, tuy “phương pháp” là vấn đề rất quan trọng nhưng cái quan trọng hơn vẫn là nền tảng kiến thức, tri thức của người dạy. “Phương pháp” có thể tiếp thu qua một hai buổi tập huấn nhưng kiến thức, tri thức thì phải học tập thường xuyên và lâu dài.
“Phương pháp” và tri thức trong trường hợp này có thể nói, cũng giống như người đầu bếp và miếng thịt mà anh ta chuẩn bị chế biến. Một miếng thịt ngon, không bị ôi thiu, dù cho tay nghề của người đầu bếp có kém đi nữa thì vẫn có thể ăn được.
Còn một khi miếng thịt đã ôi thiu rồi dù là một đầu bếp trứ danh cũng không thể nào thay đổi được miếng thịt đã ôi thiu kia.
Hơn nữa, trong dạy học, bất cứ một “phương pháp” nào nếu không trải qua quá trình cọ xát của tư duy, không làm cho tư duy người học ngày một năng động hơn thì cũng đều không có giá trị.
“Phương pháp” suy cho cùng chính là cách con người ta tư duy về đối tượng, chứ “phương pháp” không phải là là những “kỹ năng”, “kỹ thuật”, những “phương pháp cơ học” như cách nghĩ của không ít nhà quản lý giáo dục hiện nay.
Đó cũng là lý do vì sao thời gian qua, mặc dù ngành giáo dục năm nào cũng tuyên truyền phát động phong trào“đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học”. Hầu hết các giáo viên phổ thông trên cả nước đều được các “chuyên gia phương pháp” tập huấn, truyền đạt nhiều “phương pháp dạy học mới”.
Đó là chưa kể có hàng trăm công trình, đề tài khoa học, luận án thạc sĩ, tiến sĩ về “đổi mới phương pháp dạy học” ở các viện, trường đại học (với lời nhận xét, đánh xuất sắc) tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc của Nhà nước, nhưng chất lượng giáo dục phổ thông nói chung vẫn cứ “giẫm chân tại chỗ”!?
Nói điều này để thấy rằng, từ một chính sách bất cập của ngành giáo dục – vấn đề lương bổng và những chế độ đãi ngộ dành cho nhà giáo, chính là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy thậm chí là những tiêu cực đáng xấu hổ trong ngành giáo dục hiện nay.
Nếu sắp tới đây, ngành giáo dục tiến hành cải cách toàn diện, nhưng không có cái nhìn sâu xa thấu đáo những vấn đề trên, thì việc cải cách này rất có nguy cơ rơi vào cái lối mòn của những lần cải cách trước đó.
Tức là cùng lắm cũng chỉ đề ra được những giải pháp có tính đối phó, “chữa cháy” nhất thời mà thôi. Việc cải cách giáo dục khi ấy sẽ khó mà thành công như mong muốn của toàn xã hội.
Nếu sắp tới đây, ngành giáo dục tiến hành cải cách toàn diện, nhưng không có cái nhìn sâu xa thấu đáo những vấn đề trên, thì việc cải cách này rất có nguy cơ rơi vào cái lối mòn của những lần cải cách trước đó. |
Theo Vietnamnet