Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ và những dịch vụ đa phương tiện, có vẻ như những lá thư viết bằng tay đã trở nên “lỗi mốt”. Chúng ngày càng vắng bóng, thay vào đó là email, tin nhắn, Facebook…
Bạn chỉ mất 1-2 phút để soạn một tin nhắn hay viết một cái thư điện tử. Nhưng một bức thư tay, bạn sẽ cần đến 15-20 phút, hay có khi là 1 tiếng đồng hồ, để nắn nót từng chữ, cân nhắc từng câu để người nhận thấy được tình cảm chân thành của mình. Và quan trọng hơn, bức thư sẽ thể hiện tính cách của chính bạn qua từng con chữ, từng câu văn. Có ai muốn người khác nghĩ rằng mình cẩu thả hay mình quá thờ ơ đâu.
Bạn đã khi nào đọc được lá thư ba mẹ hay ông bà bạn viết cho nhau chưa? Nếu có, hẳn bạn sẽ đồng ý rằng, thư tay khiến bạn có cảm giác hồi hộp và giàu cảm xúc hơn rất nhiều. Bạn cảm nhận được con chữ trên trang giấy và tình cảm của người gửi tới bạn… Một cảm giác hoàn toàn khác. Nó là thứ cảm xúc vô hình, nhưng dường như có thể sờ nắn, cầm nắm được. Có lẽ vì thế mà có những bức thư được trân trọng giữ gìn qua hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ.
Có người nói rằng, khi một người viết thư tình tới bạn, nghĩa là họ yêu bạn thật lòng. Vì để viết một lá thư tay, bạn mất nhiều thời gian, cân nhắc từng câu, từng chữ để đối phương hiểu được tấm chân tình. Hành động viết cũng giúp cho trí tưởng tượng của bạn bay bổng và cảm xúc. Khi nhận được những lá thư tay ý nghĩa ấy, người nhận luôn cảm thấy hạnh phúc và xúc động. Họ sẽ cất giữ chúng trong ngăn kéo bàn học, bàn làm việc hay một “kho bí mật” riêng để mỗi khi nhớ có thể đem chúng ra đọc lại.
Theo thời gian, những con chữ có thể bị nhạt đi, lá thư cũng có thể ngả màu nhưng tình cảm ẩn trong đó vẫn còn nguyên vẹn. 10 năm sau, khi bất ngờ đọc lại những bức thư ấy, bạn sẽ thấy những con chữ có sức mạnh khơi gợi cảm xúc của bạn như thế nào. Hãy đôi lần thử viết thư tay, bạn sẽ thấy một nét đẹp kín đáo và lịch sự. Bạn sẽ sống trong chờ đợi, mong mỏi, hồi hộp và rung động.
PV