Thư viện không giá sách

Có một hội chị em phụ nữ sống xa nhà mà tôi quen biết, họ lặng lẽ lên danh mục những cuốn sách, DVD và các ấn phẩm bằng tiếng Việt của mình để chia sẻ với nhau. Khi ai cần, người ấy sẽ lên tiếng mượn và ai có thì sẽ gửi qua đường bưu điện cho người kia.

Những cuốn sách được truyền tay nhau qua rất nhiều thành phố, được đọc bởi rất nhiều người. Có lẽ ý nghĩa hơn nhiều những cuốn sách ở Việt Nam có khi còn mới đã bị để lên giá và chả bao giờ được ngó ngàng nữa. Nếu cuốn sách biết nói, nó sẽ nói nó tuy cũ kỹ và xấu xí nhưng là cuốn sách hạnh phúc bởi đã được trải nghiệm cùng bao người ở nhiều vùng đất xa xôi.

Tôi yêu thích cái cảm giác đọc vài trang sách bằng tiếng Việt trước lúc đi ngủ để có lại cái cảm giác thân quen như đang thở bầu không khí Việt Nam, đang sống bằng chính con người mình, đang đọc tiếng mẹ đẻ. Tôi đọc cho con trai tôi nghe những câu thơ của Xuân Quỳnh trong “Chuyện cổ tích về loài người”: “… Biển có từ thuở đó Biển thì cho ý nghĩ Biển sinh cá sinh tôm Biển sinh những cánh buồm Cho trẻ con đi khắp…”

Thằng bé còn chưa biết nói nhưng tôi tin nó biết “nghe” những câu thơ ấy, biết tiếng Việt ngọt ngào trong từng con chữ, biết cảm nhận tình yêu thương rộng lớn hơn tình cảm trong một gia đình. Và rồi lớn lên, những cuốn sách tiếng Việt sẽ nuôi dưỡng tâm hồn và tình yêu ấy.

Nhật ký một người Việt

Tôi gặp một người đàn ông có gương mặt Á Đông tại một bữa tiệc thân tình đầu hè Hà Nội. Hỏi: – Anh là người nước nào? Trả lời: – Tôi là người Anh.
Lại hỏi: – Anh đến Việt Nam lâu chưa? Trả lời: – Tôi làm việc ở đây 2
năm rồi. À, mà ngày nhỏ tôi cũng sinh ra và lớn lên ở đây.
Câu chuyện trôi qua như bất cứ câu chuyện xã giao nào khác, cho tới cách đây 1 tháng, tôi biết rằng thật ra anh là người gốc Việt. Tôi hiểu rằng, trong thế giới mà một con người có thể có cha là người Mỹ lai Thái Lan, mẹ người Việt lai Pháp, sinh ra và lớn lên ở Đức, mang quốc tịch Nam Phi và hiện sống và làm việc tại Nhật… thì chuyện định nghĩa một con người thuộc về nơi nào đã không còn đúng ý nghĩa, và cũng không còn quan trọng nữa. Nhưng cái ý nghĩ, tại sao một người không thể tự hào nói rằng tôi là người Việt Nam, vẫn ám ảnh tôi.
Chuyên đề bao gồm các bài viết:

1. Thư viện không giá sách

2. Vắng mặt ngày hôm nay tại Hà Nội

3. Người Việt trẻ ăn trầu

4. Một lần nữa tôi lại yêu

5. Việt Nam trong Guidebook

Tổ chức chuyên đề: Danh Quý


From the same category