Thu Phương: “Chưa bao giờ nghĩ mình bình yên thực sự”

Thu Phương: Hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa

Sóng gió, đa đoan, mất đấy mà rồi được đấy, Thu Phương cho rằng chị đã được sống hai cuộc đời với hai con người khác, hai tâm thế sống và làm nghề khác. “Hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo”, bởi nỗi “năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn”…

Điều gì đã phả màu lên một giọng ca nếu không phải là năm tháng, trải nghiệm, tình yêu và những giọt nước mắt?

Với “Đẹp +…” lần này, Thu Phương và những người đàn ông đã song hành cùng chị, một lần nữa vẽ lên chân dung của người đàn bà hát “Dòng sông lơ đãng” năm nào…

Đọc thêm:

Dũng Taylor: “Có Phương rồi, chết cũng đáng”


Huy MC: “Nếu ở Việt Nam, Thu Phương còn thành công hơn”


Bằng Kiều: “Thu Phương cứ cất giọng là tha thiết”

                                                                   Thực hiện: Thục Khôi

Thu Phương chia sự nghiệp của mình làm 3 cột mốc: rời Hải Phòng lên Hà Nội, rồi sau đó là rời Hà Nội vào Tp.HCM, và cuối cùng là sang Mỹ. “Dán mác” vào những đoạn đường làm nghề ấy của chị là hai người đàn ông: Huy MC và Dũng Taylor, nhưng nữ ca sĩ đất Cảng cho rằng, họ đều là người đến sau trong sự nghiệp của mình. Và giờ đây, khi sóng gió đã qua, người hát “Dòng sông lơ đãng” ước chi mình lơ đãng để ít ra, có thể lãng quên…

Không nghĩ ở đâu đó mình sẽ có tất cả

– Chị còn nhớ không, về sự bắt đầu nghề hát của mình?

– Tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày chứng kiến những khó khăn vất vả của gia đình, chứng kiến tình yêu văn nghệ của bố. Chính bố là người truyền đam mê nghệ thuật sang ba anh em chúng tôi (anh trai là ca sĩ Quang Minh hiện đang hoạt động nghệ thuật tại Tp.HCM, em gái Kim Oanh một thời đi hát nhưng hiện làm công việc kinh doanh tại Sài Gòn – PV). 10 tuổi tôi tham gia sinh hoạt lớp múa, hát tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng.

Năm 1986, Đoàn Ca nhạc nhẹ thuộc Nhà hát Tuổi trẻ về Hải Phòng tuyển sinh cho lớp đào tạo diễn viên, tôi đã bước lên sân khấu, đứng trước mặt NSND Trần Hiếu và các nghệ sĩ nổi tiếng khác, cất tiếng hát. Tôi bắt đầu bước vào nghề như vậy.

Ngày 25/9/1986, tôi đặt chân tới Hà Nội, năm đó tôi 14 tuổi, chính thức trở thành diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ và học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Bên cạnh niềm hân hoan được thỏa sức với đam mê, tôi bắt đầu những năm tháng cố gắng, có khi đến quá sức với một đứa trẻ để học và làm nghề. Đó cũng là những năm tháng đầu đời đầy nước mắt.

Những năm tháng dự báo trước cho một giọng hát, một con người và một đời người của ngày hôm nay.

– Nhiều người đều mặc định tên chị gắn với những bài ca về Hà Nội và những bản tình ca của Việt Anh. Với riêng mình, chị thấy mình thuộc về những bài hát như thế nào?

– Tôi thấy tâm hồn mình nhạy cảm, và luôn thấy mình dường như vĩnh viễn thiếu một điều gì đó để vin vào rồi ung dung với cuộc đời. Cũng chính vì vậy tôi luôn thấy mình thuộc về những thứ không thuộc về mình. Và một cách tình cờ, tôi thấy bản thân mình trong những tác phẩm của nhạc sĩ Việt Anh. Nhưng tôi không bao giờ hỏi tác giả về những lý do của từng ca khúc. Đúng ra là hai chúng tôi chưa bao giờ nói về điều này.

– Thế khi hát những bản nhạc ngoại cùng Huy MC, chị tìm thấy điều gì?

– Thời kỳ đầu của sự nghiệp, chúng tôi gắn liền tên tuổi, phong cách với lớp trẻ. Chúng tôi ảnh hưởng nhiều đến họ bởi những khát vọng, niềm tin tươi sáng của tuổi trẻ. Phải nói, đó là một giai đoạn ngọt ngào trong sự nghiệp, mà bây giờ mỗi khi nhắc lại, tôi cảm thấy mình đã sống và chia sẻ cùng khán giả của mình từng phút giây.

– Còn Dũng Taylor, anh ấy có vai trò thế nào trong sự nghiệp ở Mỹ của chị?

– Anh Dũng rất giỏi trong việc quản lý, điều hành với kinh nghiệm tổ chức biểu diễn nhiều năm. Từ khi có anh ấy, tôi hoàn toàn yên tâm về tất cả, chỉ cần tập trung vào một việc chuyên môn của mình đó là hát. Tôi luôn quyết liệt trong việc thuyết phục cũng như cho anh Dũng thấy rõ quan điểm và ý nghĩa những việc tôi cần làm trong vai trò là một nghệ sĩ. Bù lại, tôi luôn lắng nghe những góp ý của anh ấy khi cần cân bằng giữa giải trí và thưởng thức, để điều tiết hợp lý trong việc phục vụ khán giả đúng lúc, đúng chỗ.

– Gần 30 năm đi qua những khúc quanh không hề dễ dàng với một người phụ nữ và nhất là trong nghề hát, chị cảm thấy thế nào về con đường mình đã đi qua?

– Trải nghiệm là quý báu, và không phải ai cũng may mắn có được, nên tôi cảm ơn những sóng gió đã đến trong đời sống của tôi. Cá tính là một phần quan trọng tạo nên số phận mỗi người. Là một người mạnh mẽ, tôi không ngại đương đầu với khó khăn và luôn sẵn sàng thử thách đời sống của mình. Gần 30 năm, vì vậy đã có tới ít nhất 3 lần quyết liệt thay đổi: rời Hải Phòng lên Hà Nội, rồi sau đó là rời Hà Nội vào Tp.HCM, và cuối cùng là sang Mỹ…

30 năm – như một bài hát có đủ nốt trầm, nốt bổng. Đầu thập niên 90, tôi là người đầu tiên thành lập nhóm Discovery, có những chàng trai nhảy bigdance và chuyên hát nhạc nước ngoài. Thời đó, tôi rất tomboy, sôi nổi, yêu đời… Có thể nói, tôi đã có một khởi đầu tốt đẹp khi được khán giả yêu thương, một tương lai mà bao nhiêu ca sĩ mơ ước. Nhưng rồi sóng gió đến, và giai đoạn tới Mỹ có thể coi là một trường đoạn đầy khó khăn mà cá tính đã tạo ra, thử thách tôi. Sau đó, tôi lại nhận được những lời mời, và vẫn được đón chờ trở về để hát, như một người mới…

Qua cơn sóng dữ, tôi cảm thấy mình bình lặng hơn, cái bình lặng sau khi thấm mệt, nó giúp mình thấm được những mất mát để trân quý hơn hiện tại. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đó là bình yên thực sự, mình chỉ đang tạm ổn, đủ để có thể hát và kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Và đó là lý do những tác phẩm tôi hát lên như thể hát về chính đời mình. Hóa ra mọi thứ như là đời sống thôi, chẳng có gì ghê gớm cả, và 30 năm ấy bất quá cũng chỉ là năm phút của một tác phẩm trên sân khấu mà thôi. Nên tôi vẫn thấy mình còn nhiều việc phải làm, nhiều ao ước muốn dành cho khán giả…

Hỏi có tiếc nuối ngày xưa không, thì tôi nghĩ là không. Nhưng hỏi có mãn nguyện với hiện tại không, thì câu trả lời lại cũng sẽ là không. Chưa bao giờ tôi sống và làm nghề trong tâm thế đó. Nếu để hát bài ca đời mình, chắc tôi sẽ phải đi hết tận cùng cảm xúc: tận cùng của nhớ, tận cùng của mất, tận cùng của hi sinh, và cả tận cùng của khao khát…

– Có giả định: Nếu Thu Phương không đi Mỹ, có thể chị đã trở thành một diva. Thực ra, có lúc nào chị nghĩ đến điều đó chưa?

– Bạn thấy không, các diva thường có chung một điểm gì đó giống nhau, mà người ta coi đó là tiêu chí để bình xét. Có thể vì tôi luôn khác biệt nên khi nhắc đến tôi, người ta sẽ khó tìm thấy các tiêu chí đó. Song với tôi, đó lại là một điều tuyệt vời, bởi tôi luôn chiếm một vị trí khác biệt trong lòng khán giả, và vị trí ấy, tôi thấy nó vừa vặn với mình, không hề áp lực.

Tôi không được sinh ra trong môi trường thuận lợi để đợi những may mắn đến với mình, những điều có được hôm nay đều do tôi nỗ lực rất nhiều, thay vì thỏa hiệp. Trong mỗi buổi trình diễn, dù nhận được xưng tụng, thì tôi vẫn biết mình đang ở đâu và cần phải làm thêm gì. Nên dù ở Việt Nam hay Mỹ, tôi không nghĩ ở đâu đó mình sẽ có tất cả.

Kể mà dễ tha thứ, hẳn tôi đã không gặp nhiều sóng gió

– Sự nghiệp của chị gắn với hai người đàn ông. Cả hai người đàn ông đó đều in vào đời chị rõ đến mức khán giả có thể phân định: Thu Phương thời Huy MC và Thu Phương thời Dũng Taylor. Chị mạnh mẽ, cá tính đến vậy mà hai người đàn ông vẫn cứ “dán mác” vào đời chị nhỉ?

– Tôi nghĩ đó là một trong những điều tương đối tự nhiên. Tôi đã có hai cuộc hôn nhân với hai đời sống khác hẳn nhau, với hai người đàn ông có hai cá tính khác hẳn nhau. Trong một hoàn cảnh nào đấy, sự mạnh mẽ của tôi vẫn quyết liệt như vậy, nhưng nó ở hai thái cực khác nhau. Ở cuộc đầu, tôi đã sống với một người khi mình còn quá trẻ, lúc ấy kinh nghiệm của cả hai không có bao nhiêu. Cả hai đều thấy đời sống rất đơn giản, đầy hoài bão. Với một người biết rõ điểm xuất phát của mình, biết rõ mình phải nỗ lực rất nhiều, tôi đã sốt ruột và làm rất nhiều điều, nhiều khi vượt quá giới hạn cần thiết, và vô hình trung lấy đi cả bổn phận, trách nhiệm của người đàn ông cùng chung sống. Và, tất nhiên công thức nào sẽ cho ra kết quả đó.

Khi người ta muốn thay đổi đời sống, phải có một công thức khác. Dĩ nhiên mình không cố tình, mà hoàn cảnh số phận và bản tính đã đưa đẩy mình đến với những điều thuận theo tự nhiên ấy. Đến khi gặp người đàn ông thứ hai, tôi đã phần nào có được kinh nghiệm sống để biết căn chỉnh lại mọi việc. Trong cuộc hôn nhân sau, tôi hoàn toàn ở vào một vế khác: biết kìm chế bản thân, biết đi chậm lại và lắng nghe để chỉ làm đúng bổn phận trách nhiệm, đúng vai của mình hơn, còn lại để người tri kỷ bên cạnh làm những điều mà họ phải làm.

Nói đúng ra, cả hai người đàn ông ấy, họ đều đến sau sự nghiệp của tôi, họ đều bước vào đời sống của tôi, khi tôi đã bắt đầu và có sự nghiệp. Nhưng họ đóng góp một phần quan trọng giúp tôi có thêm tự tin, hưng phấn để làm nghề. Và họ cũng chính là những người có thể khiến tôi sẵn sàng hy sinh sự nghiệp để được bình an bên họ, bên tổ ấm của mình.

– Cả hai người đàn ông của chị đều nói Thu Phương là người của gia đình, một “gái đảm” sau khi màn nhung khép lại. Một người phụ nữ như thế vì sao lại từng có lúc không giữ nổi gia đình nhỉ?

– Các cụ nói không sai chút nào, rằng phụ nữ có tài ba đến đâu, hơn nhau cũng chỉ ở tấm chồng thôi. Tôi đã thấy những tấm gương phụ nữ tài năng, xinh đẹp nữa, nhưng không giữ được người đàn ông của mình. Nên chẳng ai dạy khôn ai được, vẫn là do sự may mắn. Tất nhiên sự may mắn ấy có liên quan rất nhiều đến văn hóa sống, đến nền tảng mình bồi đắp mỗi ngày… Đến bây giờ thì tôi nghĩ là người phụ nữ cần mang đến cho gia đình mình tổng thể một tinh thần biết vun đắp, biết giữ đúng vai để biết khi nào làm vợ, khi nào làm mẹ, khi nào làm một người tình…

– Từng định không lấy vợ cho đến khi gặp chị, Dũng Taylor thay đổi, theo chị, là vì sao? 

– Đúng là Dũng từng nói anh ấy sẽ không xây dựng gia đình vì cuộc tìm kiếm người phụ nữ như ý anh ấy chắc là khó quá. Đến khi gặp tôi, nhìn thấy cách chăm sóc con cái, sự khát khao trẻ nhỏ và bản năng người phụ nữ trong tôi, cách tôi nhìn nhận giá trị cuộc sống, trân trọng gia đình…, anh ấy đã bị “thu phục”. Tôi nói với anh Dũng: Người phụ nữ là người mang đến tinh thần cho một gia đình, chính người nữ phải tạo ra một gia đình mà mỗi khi người đàn ông trở về, họ được sống đúng là mình, được làm đúng vai trò của mình, được thấy mình là “khủng khiếp” nhất (cười)…

– Trong 10 năm chung sống, có bao giờ “quá khứ huy hoàng” của Dũng Taylor làm cho đời sống chung trở nên xáo trộn?

– Tôi đã nghĩ về điều đó rất nhiều, kể cả đến bây giờ vẫn nghĩ. Người ta bảo yêu thì yêu luôn quá khứ của nhau, yêu luôn cả cái xấu của họ, nhưng tôi không tin điều đó. Tôi chỉ cố gắng sống làm sao để giữa hai người không bao giờ phải nói lời xin lỗi với nhau hay cần phải dùng đến hai chữ “tha thứ”. Bởi tất cả những điều đáng tiếc, mình có thể bỏ qua, nhưng không bao giờ quên được.

Tôi rất nể những người phụ nữ có thể quên. Kể mà dễ tha thứ, hẳn tôi đã không gặp nhiều sóng gió. Nên tôi vẫn thường nhắc anh Dũng và cả mình rằng, tự mỗi người hãy luôn phải uyển chuyển vai trò của mình và cố gắng hết sức. Đó là thử thách mình đặt ra cho cuộc sống, nhưng đồng thời nó cũng mang đến sự hưng phấn, nhắc nhở rằng mình chớ lơ là nó. Nên dù làm vợ, làm mẹ, làm một nghệ sĩ, hay một người tình, trong suốt 24 tiếng/ngày, tôi đều dồn hết sức lực, tâm trí cho mỗi việc.

– Có thể làm được tất cả, trừ… sự tha thứ?

– Khi có điều gì đó khiến chúng ta cảm thấy phải nói lời xin lỗi với nhau, chúng ta phải nghĩ về sự tha thứ để có thể tiếp tục bình yên, sự nỗ lực cho điều đó khủng khiếp lắm. Chúng ta phải làm gấp bao nhiêu lần mới khỏa lấp được điều đó. Vết thương giống như vết đinh đóng vào tường, đinh có thể nhổ đi, nhưng lỗ hổng thì vẫn còn đó. Nghĩ về những điều đó, tôi càng thương anh Dũng hơn. Bởi ít nhiều, anh ấy phải chịu áp lực từ quá khứ đè nặng của tôi. Tôi biết anh sẽ phải yêu tôi nhiều hơn, phải cố gắng nhiều hơn để bù đắp cho tôi. Đó cũng là lý do tôi và anh Huy bây giờ luôn dành cho nhau sự cư xử chân thành và quý mến tối đa, để làm sao tất cả cảm thấy những mất mát đã qua không vô nghĩa. Đời sống đã dạy tôi rằng, sự tế nhị là rất quan trọng. Mình sống được với một người tinh tế, cuộc đời của mình luôn bình yên. Và chỉ có hai điều thôi, tất nhiên may mắn là yếu tố rất quan trọng, nhưng sự tế nhị chính là yếu tố góp vào sự may mắn đó.

Nếu lơ đãng, tôi đã không khổ

– Được biết việc nuôi dạy con cái của chị rất thành công ở Mỹ. Con gái của chị từng được Tổng thống Mỹ khen thưởng vì thành tích học tập…

– Đó là con gái Thanh Thảo của tôi, năm nay cháu đang học kỳ 2 của lớp 9. Hai con lớn của tôi – con trai 21 tuổi đàn giỏi, hát hay nhưng đang học thiết kế, còn Thanh Thảo có ước mơ trở thành ca sĩ giống mẹ. Tôi tôn trọng mọi sở thích của các cháu.

– Chị đã nuôi dạy các con thế nào?

“Người mình nhìn thấy sau cùng của một ngày chính là người đàn ông bên cạnh. Sẽ may mắn nếu người đó là bố của con mình…”
– Tôi thừa hưởng sự dạy dỗ và cách chăm sóc con cái giống hệt mẹ mình. Tôi không giáo dục con bằng cách nói mỗi ngày, mà chỉ để ý các cháu sinh hoạt, phát ngôn và hành động, nếu có gì chưa ổn thì căn chỉnh. Gia đình bắt buộc phải có bữa ăn tối cùng nhau, bữa ăn đó do tôi tự tay chuẩn bị. Con trai lớn của tôi có lần thắc mắc tại sao bạn bè ở trường không phải ăn tối như gia đình mình, tôi nói với con, khi nào con có đời sống riêng, tách ra khỏi bố mẹ, lúc đó bố mẹ sẽ uyển chuyển cách sinh hoạt, còn bây giờ con phải tuân thủ nguyên tắc gia đình. Anh Dũng còn cổ điển hơn tôi vì anh ấy có một tuổi thơ không có sự ổn định. Nên bây giờ anh ấy hay nhắc các con phải giữ được truyền thống gia đình. Đó cũng là phần tôi thấy mình có nhiều hơn khi ở Mỹ, bởi nếu ở Việt Nam, biết đâu môi trường thay đổi mình lại thấy những sinh hoạt kia là bình thường.

 
– Giờ tôi thấy chị là một dòng sông, mà không hề lơ đãng!

– Không hề, vì nếu lơ đãng, tôi đã không khổ. Tôi được như hôm nay là do tôi may mắn có khoảng thời gian đã thay đổi đời sống của mình, cho mình được sống thêm, có thêm và biết thêm những môi trường sống khác, thêm những khát khao để mình cố gắng không ngừng. Những lúc khó khăn nhất trong đời sống, tôi từng nghĩ đó là khủng khiếp nhất rồi. Nhưng đến giờ phút này, khi mọi thứ đã lắng xuống, tạm bình yên, tôi lại có những nỗi lo khác, những nỗi sợ khác. Tôi nghĩ, có thể một điều khủng khiếp nào đó mình không chịu đựng được lại đang đón chờ mình ở tương lai thì sao. Nếu như mình lơ đãng, nếu như mình vô tâm hơn một chút thì mọi thứ sẽ đơn giản theo cách chuyện gì đến sẽ đến. Nhưng tôi không thể phó mặc, bởi mình vẫn phải thực hiện bổn phận trách nhiệm của mình mỗi ngày. Đó cũng có thể là lý do mỗi khi hát lên, tôi thấy từng bài hát của mình vẫn đầy trăn trở. Sự không bình yên cũng có giá trị của nó.

– Lúc yếu lòng, chị thường vịn vào đâu để đứng dậy?

– Những đứa con của tôi.

– Còn những người đàn ông, họ đứng ở đâu trong đời chị?

– Họ là một phần khi mình nghĩ đến những đứa con, nên thành ra họ cũng là máu mủ ruột thịt. Tôi luôn trân trọng khi nhắc đến người đàn ông đã đi qua, người đàn ông đang ở bên cạnh, bởi họ là cha của những đứa con mình. Họ là những người yêu thương con mình nhất. Tôi nghĩ rất nhiều về điều này. Khi đã có những đứa con, có nghĩa mình sẽ luôn đồng hành cùng họ, dù họ ở bên cạnh hay ở một nơi nào đó khác. Chúng ta chẳng thể lãng quên họ, dù muốn hay không. Đó cũng là điều tôi nghĩ đến sau cùng, sau tất cả những bổn phận và trách nhiệm của một ngày.  

Người mình nhìn thấy sau cùng của một ngày chính là người đàn ông bên cạnh. Lúc đó có lẽ đã mệt nhoài, nhưng mình có thể cầm tay họ chỉ để nói một câu “Good Night”. Và mỗi ngày sẽ trôi qua như thế. Sẽ may mắn nếu người đó là bố của con mình…

 Bài: Thục Khôi

Ảnh: Cao Trung Hiếu

logo


From the same category