Từ ngày 1-11, 7 website nhạc số lớn nhất tại Việt Nam đồng loạt thử nghiệm mô hình thu phí tải nhạc số với mức giá khởi điểm 1.000 đồng/bài. Có nhiều ý kiến nhận định khác nhau trước sự kiện này.
Tiến tới thị trường chuyên nghiệp
Khởi động với 100 album chọn lọc đầu tiên (khoảng 1.000 ca khúc) do MV Corp và RIAV lựa chọn theo tiêu chí được nhiều người yêu thích, ca sĩ có tên tuổi, các bài hát trong đợt thu phí thử nghiệm này đều được chuẩn hóa 320 kbps stereo, đầy đủ ảnh bìa album, ID3 tags (thông tin bài hát, ca sĩ, hãng sản xuất, năm phát hành…). Ông Công cho biết hơn 1.000 album chất lượng cao khác sẽ được chuyển cho các trang web này trong 2 tuần tới.
Các trang web nhạc số thu phí tải nhạc từ ngày 1-11
Giai đoạn thử nghiệm mô hình thu phí tải nhạc số dự kiến kéo dài đến hết năm nay, áp dụng hình thức thu phí đồng bộ trên từng lượt tải. Hình thức thanh toán chủ yếu là tin nhắn và thẻ cào. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể sử dụng hầu hết các phương tiện thanh toán trực tuyến khác như thẻ tín dụng, ngân hàng trực tuyến, Zing xu, Vcoin, NCT xu, iCoin… hoặc thanh toán trực tiếp qua tài khoản di động.
Theo lãnh đạo MV Corp, 2 tháng tới là khoảng thời gian để thử nghiệm hệ thống thanh toán, quản lý, đối soát và thăm dò thị trường. Phương án thu phí qua hình thức thuê bao tháng sẽ được áp dụng vào đầu năm tới, sau khi thị trường tải nhạc được hình thành. Ông Phùng Tiến Công cho biết 11 đơn vị khác đã ký hợp đồng hợp tác với MV Corp và RIAV cũng đang chuẩn bị và cùng triển khai trong thời gian tới (các đơn vị này sẽ khóa chức năng download nhạc với các bài hát trong danh sách thử nghiệm cho đến khi tiến hành thu phí). Trong danh sách này có thể kể đến: VC Corp, FPT, Báo Tuổi Trẻ online, Moore Corp, 123tv…
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhìn nhận sau rất nhiều lần giới nhạc sĩ lên tiếng, hành động này có thể coi là một bước tiến đáng kể trên con đường xây dựng một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp.
Rất ít tác dụng
Tuy nhiên, dù đánh giá cao thiện chí của các website âm nhạc, nhạc sĩ Giáng Son vẫn cho rằng “không kỳ vọng gì nhiều vào việc này vì nó sẽ có rất ít tác dụng”. Tác giả của ca khúc Giấc mơ trưa cho biết chị đã nói chuyện với nhiều người và câu trả lời của họ là nếu vẫn cho nghe miễn phí thì chẳng việc gì phải trả tiền tải nhạc vì 3G có mặt ở khắp nơi. Thậm chí, bằng việc thu phí tải nhạc, số lượng người nghe miễn phí có khi còn nhiều hơn. “Thói quen sử dụng và ý thức về bản quyền của người Việt Nam không cao nên việc thực hiện không hề dễ dàng” – nhạc sĩ Giáng Son nhận xét.
Một nhạc sĩ có tiếng đặt câu hỏi: Liệu các trang mạng thu tiền có thu được đồng nào không, khi mà hàng trăm trang khác vẫn được tải nhạc vô tư? Đã cho nghe miễn phí thì làm gì còn nhu cầu tải nhạc? Khi được hỏi về sự kỳ vọng của mình, chính ông Phùng Tiến Công cũng thừa nhận: “Các bên kỳ vọng vào việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ phụ thuộc hoàn toàn quảng cáo dần dịch chuyển sang mô hình bền vững hơn là bán nhạc cho người tiêu dùng”.
Cũng có ý kiến phân tích rằng chấp nhận ký kết thu phí tải nhạc, các trang web nhạc số này được hợp thức hóa việc khai thác bản quyền các tác phẩm nhạc số phục vụ người nghe miễn phí. Chính số lượng người nghe quyết định nguồn thu lợi từ quảng cáo lâu nay của các trang web âm nhạc chứ không phải lượng người tải nhạc.
Sẽ rắc rối ăn chia Bà Phạm Thanh Thủy cho hay với mỗi lượt tải nhạc, dự kiến tỉ lệ sẽ là 40%-45% cho chủ website, 55%-60% còn lại chi trả cho quyền tác giả, quyền liên quan mà VCPMC là đại diện các nhạc sĩ. “Số tiền dự kiến thu được, tỉ lệ giữa trung tâm với các nhạc sĩ là 20-80” – bà Thủy nói. Tuy nhiên, mức trả và tỉ lệ phân chia cho các quyền liên quan sẽ không đơn giản và không tránh khỏi thiếu công bằng. Chưa hết, với việc thu phí này, các nhạc sĩ có thể “nhờ cậy” VCPMC nhưng các ca sĩ mua độc quyền ca khúc và tự bỏ tiền làm đĩa thì việc tự đi thương thảo với các website để đòi quyền lợi cho mình không phải dễ dàng. Trước băn khoăn này, ông Phùng Tiến Công cho hay với các nghệ sĩ tự làm album, MV Corp sẵn lòng làm cầu nối. |
Theo NLĐ