Thu phí đường bộ ôtô: Thiếu công bằng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết xung quanh dự thảo thông tư về phí sử dụng đường bộ của Bộ Tài chính đề xuất.

Doanh nghiệp vận tải “kêu” mức phí lớn

Theo dự thảo, từ 1/1/2013, xe ôtô chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân sẽ phải đóng 130.000 đồng/tháng; xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe cá nhân) đến các loại xe tải, xe ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên sẽ phải đóng phí từ 180.000- 1.040 triệu đồng/tháng.

Các xe ôtô sẽ đóng phí đường qua chu kỳ đăng kiểm 6 tháng/lần tại cơ quan đăng kiểm.

Doanh nghiệp vận tải kêu khó vì phải nộp phí 6 tháng/ lần.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết: Sau khi biết được nội dung của Thông tư, nhiều doanh nghiệp vận tải đã có phản ứng về phương pháp thu phí.

Các doanh nghiệp cho rằng, mức thu quá lớn, dù được chia ra làm 2 lần nộp trong 1 năm qua đăng kiểm 6 tháng/lần. Hơn nữa, các đơn vị vận tải phải trả tiền trước 6 tháng mới được sử dụng dịch vụ khi thu 6 tháng/lần theo chu kỳ kiểm định.

Theo ông Hùng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu phải đóng ngay một lúc số tiền lớn như vậy, chắc chắn doanh nghiệp vận tải sẽ phải vay mượn ngân hàng để nộp phí sử dụng đường, điều này không hợp tình, hợp lý và gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Hùng cũng bộc lộ băn khoăn khi có những xe không hoạt động vì hỏng hay thiếu hàng thì giải quyết ra sao và liệu xe này có phải nộp phí?

Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bắc Nam cho biết, đơn vị này đang sở hữu hơn 10 xe Container, nếu sắp tới phải đóng phí sử dụng đường bộ 6 tháng/lần trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thì sẽ thêm phần khó cho các doanh nghiệp vận tải nặng có nhiều đầu xe.

“Phương pháp thu phí sử dụng đường theo chu kỳ đăng kiểm thì chỉ thuận lợi, dễ dàng cho cơ quan thu phí, nhưng lại đẩy phần khó về cho doanh nghiệp,” ông Việt Anh bức xúc.

Ngoài ra, ông Việt Anh cũng tỏ ra băn khoăn, bởi sau khi đóng “thuế’ đường rồi nhưng vẫn chưa thể biết được chất lượng đường có cải thiện so với trước không hay xấu đi.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, việc thu phí trên đầu phương tiện cũng làm phát sinh sự thiếu công bằng với xe sử dụng đường bộ nhiều và xe sử dụng đường bộ ít.

“Xe ôtô được sử dụng trong trường lái, xe ôtô bị tai nạn mất thời gian sửa chữa hoặc tạm giữ 3, 4 tháng cũng phải gánh chịu phí sử dụng đường bộ tương tự như những xe chạy nhiều. Do vậy, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm xem xét làm thế nào tạo sự công bằng giữa các phương tiện”, ông Liên nói.

Thu phí xe máy: Không đóng xử lý như thế nào?

Tại dự thảo Thông tư về thu phí sử dụng đường bộ của Bộ Tài chính, đối với phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện cũng phải đóng đóng phí sử dụng đường.

Cụ thể, từ 1/1/2013, người sử dụng xe máy sẽ phải đóng phí từ 50.000 – 150.000 đồng/năm.

Theo ông Hùng, xe đạp điện là phương tiện đang khuyến khích sử dụng góp phần bảo vệ môi trường đồng thời phù hợp đối với học sinh đến trường để hạn chế tình trạng đi xe máy.

“Do vậy, các Bộ ngành cần cân nhắc có nên tận thu đối với loại phương tiện này không?” – ông Hùng băn khoăn.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, chính quyền phường, xã sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác thu phí và việc thu cũng chả được bao nhiêu.

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư mới cũng đưa ra phương thức thu giao cho UBND cấp phường, xã tiến hành thu phí sử dụng đường xe máy trên cơ sở thống kê đăng ký lượng xe máy trên địa bàn.

Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên cho rằng, chính quyền phường xã sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác thu phí và việc thu cũng chả được bao nhiêu.

“Tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn đến kê khai thu phí, chủ sử dụng phương tiện không đóng phí thì sẽ giải quyết như thế nào?” – ông Liên đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, theo ông Liên, thu phí phương tiện xe máy sẽ chỉ trông chờ vào sự tự giác của người dân vì trong thông tư, Nghị định hiện nay vẫn chưa có chế tài để hướng dẫn hay xử phạt chủ xe không chấp hành đóng phí sử dụng đường.

Theo Vietnamnet

From the same category