Đó là kết luận được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) công bố chiều 12/11, tại báo cáo một số kết quả nghiên cứu về xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ ô tô xe máy.
Được biết, đây là đề tài KH-CN độc lập cấp nhà nước do Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì phối hợp với Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hoá dầu – Bộ Công Thương, Viện Cơ khí Động lực- Trường ĐHBK Hà Nội…thực hiện từ tháng 6/2012 đến 11/2013. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tập trung điều tra, nghiên cứu, phân tích một cách toàn diện từ kết cấu xe máy, nhiên liệu, đến thực tiễn người sử dụng phương tiện để xác định nguyên nhân gây cháy, nổ đối với ô tô và xe máy.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ gây cháy nổ từ kết cấu, đặc tính một số hệ thống của phương tiện xe cơ giới được xác định từ hệ thống điện có thể phát sinh nguồn nhiệt, nguồn lửa do chập điện, phát sinh tia lửa điện và nhiệt độ sinh ra trên bộ sạc điện lớn. Bên cạnh đó là do hệ thống dẫn nhiên liệu bị rò rỉ; hệ thống tản nhiệt làm mát và hệ thống xả khí của động cơ gây phát nhiệt cao….
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra nhận định nhiên liệu chính ngạch có chất lượng tốt, đáp ứng Tiêu chuẩn và qui chuẩn Việt Nam không phải là nguyên nhân gây cháy, nổ ô tô, xe máy. Trong khi đó, nhiên liệu pha chế với mục đích gian lận thương mại, sử dụng một số phụ gia tăng RON trong pha chế nhiên liệu dẫn đến thành phần phụ gia vượt tiêu chuẩn… sẽ tác động tới chi tiết của xe, hình thành các hợp chất tự bắt cháy…
Với những nguy cơ trên, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam, chủ nhiệm đề tài kiến nghị, cần hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến phòng, chống cháy nổ đối với các phương tiện giao thông, ô tô, xe máy phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình thực tế ở Việt Nam.
“Nên xóa bỏ xăng A83 và nên xem xét đầu tư chế biến condensat bằng con đường hóa học để hình thành các thành phần có RON cao, tránh tình trạng sử dụng naphtha condensat như là thành phần trực tiếp để pha xăng. Các nhà khoa học cũng kiến nghị cần tăng cường kiểm soát chất lượng nhiên liệu trong việc sử dụng phụ gia tăng RON để pha chế xăng nhiên liệu và quá trình chế biến dầu nhờn thải, dầu biến thế thải, cặn dầu thành phân đoạn DO để pha chế thành nhiên liệu dầu DO đạt tiêu chuẩn thương phẩm”– ông Giao đề nghị.
Đối với người sử dụng phương tiện, cơ quan chức năng cũng đưa ra khuyến nghị chủ cac phương tiện nên mua nhiên liệu từ các trạm nhiên liệu có uy tín về chất lượng. Cùng đó, việc tự ý sử dụng dung dịch hoặc viên tiết kiệm nhiên liệu trôi nổi trên thị trường cũng có thể là nguyên nhân tác động mạnh, có nguy cơ dẫn tới cháy nổ xe.
“Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để xác định toàn diện, đầy đủ căn cứ, cơ sở khoa học về nguyên nhân gây cháy, nổ xe, trong đó tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của phụ gia nhiên liệu và nhiên liệu đến các vật liệu làm các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu, đánh giá khả năng gây cháy từ các bộ phận trong phương tiện, đánh giá ảnh hưởng của các kết cấu, vật liệu tới khả năng cháy nổ phương tiện, đánh giá các nguyên nhân từ thao tác kỹ thuật vận hành, môi trường và địa điểm tổ chức bảo quản phương tiện đến khả năng gây cháy,…Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ tiếp tục được báo cáo Chính phủ và là cơ sở khoa học để đề xuất, kiến nghị áp dụng các giải pháp kỹ thuật, quản lý nhằm phòng chống cháy, nổ đối hiệu quả với ô tô và xe máy” – ông Giao cho biết.