Các biên tập viên của các nhà xuất bản giờ đây không còn thụ động chờ các báo ưu ái viết bài giới thiệu sách nữa. Và cũng không đợi các nhà xuất bản năn nỉ, nhiều báo lớn trên thế giới đã có mục điểm sách cực kỳ ảnh hưởng đến thị trường, ví dụ như tờ New York Times, tuần nào cũng có danh sách sách bán chạy. Dĩ nhiên là báo phải có những bài điểm sách, bình giá ít nhiều có tính định hướng.
Ở Việt Nam độ chục năm gần đây, việc điểm sách đã không còn là độc quyền của những tờ báo chuyên văn chương, mà gần như mọi tờ cũng đều ít nhiều dành thiện cảm cho sản phẩm hơi có phần cổ lỗ so với các mảng hát hò nhảy múa hay phim ảnh. Từ thiện cảm đến thương cảm khá gần, thái độ của báo chí dành cho sách cũng như với những người già lạc thời. Lâu lắm rồi những cuốn sách không còn là trung tâm của những trang báo văn hóa nữa.
Tuy thế, những người làm việc điểm sách vẫn cần mẫn hàng tuần, hàng tháng nhặt nhạnh những cuốn sách thích hợp để làm những người Mohican của giới phê bình. Người đọc đã không còn cậy đến những bài phê bình dài lê thê khô như rơm trên những tập san lý luận văn học, họ chỉ có thời gian liếc qua những bìa sách và những lời nhận xét ngắn gọn, trúng nhu cầu đọc của họ: đọc để giải khuây, để trải nghiệm văn chương, hay để biết cách nấu những món bánh kem chẳng hạn.
Nhưng cũng nên nghĩ tới sự công bằng cho người điểm sách tử tế khi họ phải đọc vài cuốn sách một tháng, nghĩa là không ít hơn nghìn trang, để lựa ra được một cuốn để giới thiệu. Nhiều khi cũng không thích thú gì vì không có cuốn thật sự hay, hoặc đơn giản là… chán đọc, trong khi đến hẹn lại lên, phải có bài như đã hẹn.
Đến đây, lại rẽ ra nhánh văn chương phổ thông và văn chương tạm gọi là tiền phong, thứ một số nhà phê bình tương đắc và được số ít độc giả tìm hiểu. Nhưng khái niệm hàn lâm đã không còn được chuộng, mà người ta có vẻ thích đọc đa dạng hơn. Một hai năm gần đây, khi đã no nê và bão hòa việc đi shopping, thì chọn mua một cuốn sách an toàn hơn hẳn, và nhất là làm sang một cách rất căn bản, nó tạo cho bạn một phong cách “hàn sĩ” đúng điệu. Mua cuốn gì, đọc thế nào, hàn thử biểu của các nhà điểm sách lúc này mới tỏ ra có ảnh hưởng. Lúc kinh tế sa sút, sách vở rút cục vẫn chung tình đến tội nghiệp, như một bà vợ luống tuổi vẫn không cằn nhằn gì khi ông chồng lăng nhăng khắp nơi đã về mái nhà xưa.
Trong số các nghề ít người theo, thì điểm sách còn tồn tại là nhờ cái thói yêu sách cộng thêm chút điệu đà kẻ sĩ. Dăm ba bạn đọc ruột ra vào blog hay phần nào trên facebook bàn tới bàn lui làm cho câu chuyện rôm rả hơn chút. Dẫu hơi hiu quạnh, nhưng cũng có vẻ đáng tin hơn cái lối nhấn “like” trên facebook nọ. Bạn đọc của những mục này lâu dần tụ lại thành một xóm, những câu lạc bộ yêu sách (bookaholic gì đó), đắm chìm trong mê cung ngôn từ và họ có “niềm vui khi điên mà chỉ những người điên mới biết được” – lời của nhà thơ Anh John Dryden được lấy làm đề từ cuốn “Forrest Gump” của Winston Groom.
Theo biểu hiện bên ngoài, những người điểm sách và đồng bọn yêu sách đi theo không khác gì những kẻ điên bởi vì xung quanh không mấy ai chia sẻ được. Chỉ có mỗi ông Nguyễn Tuân nhớ đến họ khi nói: “Khi tôi chết, nhớ chôn tôi cùng một thằng phê bình!”. Người thì bảo Nguyễn Tuân ghét bọn điểm sách, cáu quá mới nói thế, có người lại thi vị hóa bằng cách thêm vào vế nữa chẳng giống kiểu ông Tuân tí nào: “Để cùng đàm đạo văn chương”. Không biết chuyện trên có thật hay chỉ là giai thoại, nhưng ở nghĩa trang Văn Điển, bên cạnh mộ nhà văn là mộ của vợ ông. Vợ ông thì hình như không điểm sách hay viết phê bình bao giờ! Đến nguyện vọng của cây bút lớn còn bị bỏ qua như thế, trách gì số người điểm sách mỗi ngày một tụt chỉ tiêu.
Bài: Nguyễn Trương Quý