Thử nấu bah ku teh bổ dưỡng kiểu Trung Hoa

Bah ku teh là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, các phiên bản của nó có mặt rộng rãi tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó nổi bật có Malaysia và Singapore, hai quốc gia có lượng người Hoa đông đảo. Cái tên bah ku teh dịch ra có nghĩa là thịt-xương-trà, trong đó “thịt” và “xương” là nguyên liệu chính của món ăn được hầm nhừ trong thuốc bắc. Theo cách phục vụ truyền thống, món ăn này sẽ được thưởng thức kèm một ly trà ô long, do đó từ “trà” được đưa vào vào tên gọi của món ăn này thành một công thức ẩm thực hoàn chỉnh. Bah ku teh có thể với với cơm, mì, chấm quẩy hoặc ăn suông như canh. Đây là một món ăn bổ và dễ chế biến, thích hợp cho gia đình có người lớn tuổi, người ốm cần bồi bổ cơ thể.

Nguyên liệu: (chế biến cho 4 người ăn)

món ăn kiểu Trung Quốc, món bah ku teh, món xương hầm, sườn hầm

+ 1kg sườn thăn
+ Thuốc bắc: 22g đại nguyên thục, 22g nhân bì, 22g thổ phục linh, 22g sinh địa. Các bạn có thể mua sẵn gói thuốc bắc trong siêu thị, hoặc ở các hàng thuốc nam.
+ Hoa hồi 3 cánh, quế 1 mảnh, hạt mùi 1 thìa canh nhỏ, tỏi 5 tép, tiêu sọ 10 hạt, nấm hương 10 cánh. Đây là gia vị gia giảm để tạo mùi và hương vị khác với món sườn hầm thuốc bắc của Việt Nam, các bạn có thể cho vào hoặc không, tùy khẩu vị.
+ 200g nấm tươi (nấm hương, nấm rơm, nấm mỡ tùy thích…)
+ Xì dầu, tương đen, muối, đường

Cách làm:

– Sườn mua về rửa sạch, để nguyên miếng. Với gia đình có trẻ nhỏ hoặc người già, các bạn có thể thay thế sườn bằng thịt vai heo, tuy nhiên vẫn cần có xương lợn để ninh lấy nước ngọt.

món ăn kiểu Trung Quốc, món bah ku teh, món xương hầm, sườn hầm

– Gừng cạo sạch thái lát, tỏi, tiêu đập dập. Thả tất cả các nguyên liệu khô vào 2 lít nước, đun sôi trong vòng 30 phút.

– Nêm 2 thìa gia vị, 1 thìa đường, 2 thìa xì dầu, 2 thìa tương đen nếu có, thả sườn lợn vào, bật nhỏ bếp và hầm liu riu trong khoảng 2-3 tiếng. Nấm đông cô thái miếng mỏng, thả vào trước khi tắt bếp 30 phút.

món ăn kiểu Trung Quốc, món bah ku teh, món xương hầm, sườn hầm

món ăn kiểu Trung Quốc, món bah ku teh, món xương hầm, sườn hầm

Malaysia và Singapore chịu ảnh hưởng mạnh của ẩm thực Trung Quốc nên thường hầm sườn rất nhừ, trong khoảng 4 tiếng hoặc hơn. Người Việt Nam thường không thích ăn dừ tơi nên các bạn có thể hầm trong khoảng 2 tiếng, sau đó tắt bếp và để nguyên sườn trong nồi thêm 30 phút, khi nào ăn thì đun sôi trở lại.

Bài và ảnh: Dương Vũ Hoàng Anh

logo

PGS TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: “Dựa trên công thức chế biến của món thịt-xương-trà với thành phần chính là sườn, nấm tươi và các vị thuốc bắc thì món ăn này trước hết là giàu chất đạm, chất béo. 
 
Cứ 100g sườn lợn chứa 187 kcal, 17,9g protein, 12,8g lipid ngoài ra còn chứa rất nhiều các khoáng chất và vitamin. Trong nấm tươi, đặc biệt là nấm hương tươi, cứ 100g nấm tươi nấu ăn được đã chứa 39kcal, 5,5gprotein… 

Các vị thuốc bắc như: đại nhân bì, thổ phục linh, sinh địa… và các gia vị như hồi, quế chi.. là những thứ nhằm kích thích tiêu hóa, giúp cơ thể dễ tiêu hóa món ăn giàu chất đạm. Đồng thời món trà uống sau khi ăn sẽ giảm cảm giác béo ngậy của sườn thăn và thịt. 

Một số cảnh báo rằng những người bị ho, cơ thể mệt mỏi, đang bị cảm lạnh, bị tiểu đường, cao huyết áp thì không nên ăn món này. Nhưng thực tế không phải thế, hầu như mọi người đều có thể ăn được món này vì nó rất bổ dưỡng, kể cả người bị tiểu đường hay cao huyết áp tuy nhiên cần ăn nhạt (giảm độ mặn) và ăn ở mức độ vừa phải.

Những đối tượng nên kiêng này là người mắc chứng bệnh gút, người có axit uric trong máu cao vì chất đạm, béo có nhiều trong món ăn sẽ khiến người bện bị đau nhức các khớp. Người mắc bệnh thận, bị suy thận cũng cần phải kiêng món này, hoặc nếu ăn thì cần phải tính toán theo thực đơn của bác sĩ dinh dưỡng. 

Do dưỡng chất chính trong món ăn là đạm nên món này khi chế biến càng ninh nhừ càng khiến cho cơ thể dễ hấp thụ đạm, một số vitamin có mất đi nhưng không đáng kể. Lưu ý, khi uống trà sau ăn, cần uống nước trà loãng, do trong nước trà có chứa nhiều tannin kết hợp với sắt và protein trong thức ăn làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể”. (Lò Thị Mai – ghi)


From the same category