Thủ môn Bùi Tiến Dũng trình diễn thời trang: Hãy để các cầu thủ tận hưởng sự nổi tiếng! - Tạp chí Đẹp

Thủ môn Bùi Tiến Dũng trình diễn thời trang: Hãy để các cầu thủ tận hưởng sự nổi tiếng!

Giải Trí

Tối 22/4, thủ môn Bùi Tiến Dũng khiến khán giả vô cùng bất ngờ khi xuất hiện tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam trong vai trò người mẫu. Những tràng pháo tay của người hâm mộ dành cho chàng thủ môn của đội tuyển U23 cũng được cho là những tràng pháo tay to nhất, lâu nhất tại Tuần lễ thời trang năm nay.

Nhưng, như mọi khi, trên mạng xã hội lại xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều. Bên cạnh sự hưởng ứng của một số khán giả còn có những ý kiến không đồng tình. Nhiều fan hâm mộ bóng đá cho rằng, Tiến Dũng nên tập trung vào sự nghiệp chính là thủ môn chứ không nên cuốn theo sự hào nhoáng của showbiz.

bui-tien-dung
Thủ môn Bùi Tiến Dũng gây tranh cãi khi tham gia trình diễn thời trang

Ca sĩ Hoàng Bách, BLV Trương Anh Ngọc – những người am hiểu về môn thể thao vua đã chia sẻ quan điểm riêng của mình trước câu chuyện này.

Ca sĩ Hoàng Bách: Hãy để các cầu thủ tận hưởng sự nổi tiếng!

Là người của showbiz và là fan hâm mộ bóng đá, ca sĩ Hoàng Bách đã có những phân tích đa chiều về câu chuyện các cầu thủ tham gia những sự kiện ngoài bóng đá.

Hoàng Bách chia sẻ:

Các thành viên U23 bây giờ rất nổi tiếng, không ai có thể phủ nhận, và chính bản thân các em cũng không thể trốn tránh điều đó. Tại sao lại cứ phải lo ngại, thậm chí chỉ trích vì những việc các em đang làm?!

Theo dõi bóng đá thế giới mỗi ngày cũng như là một thành phần của showbiz, giới mà người ta cho là phức tạp từ mười mấy năm nay, tôi cho rằng, nổi tiếng là một thứ mà người ta không thể “đỡ” được khi nó tới, muốn phủ nhận nó cũng không thể được. Nổi tiếng không xấu, không phải ai nổi tiếng cũng trở nên xấu đi. Điều cần làm để có thể sống tốt, làm việc tốt, chắc chắn không phải là trốn tránh, mà phải là đối mặt, học làm quen và tận dụng nó một cách tích cực. Sẽ có 3 dạng phản ứng khi ngôi sao nổi tiếng chiếu vào mình:

Loại thứ nhất: lẩn trốn, không thích nghi được, kiếm được rất nhiều tiền nhưng cũng rất nhanh chóng bị chính hào quang đó phá hỏng cuộc đời cũng như sự nghiệp của mình, có thể kể ra trong giới cầu thủ là Adriano, Adrian Mutu hay phần nào đó là Maradona (ông này thực ra quá tài năng và may mắn nhưng cũng là dạng không thích nghi được với sự nổi tiếng), Văn Quyến, Quốc Vượng.
Loại thứ hai: thích nghi, ngày càng chỉn chu, chuyên nghiệp trong công việc cũng như hình ảnh, kiếm được rất nhiều tiền và trở thành những thần tượng của xã hội, loại này rất nhiều ở những nền bóng đá chuyên nghiệp, ví dụ như Pele, Beckenbauer, Beckham, Totti, Paolo Maldini,C.Ronaldo, Messi hay Huỳnh Đức, Công Vinh.

Loại thứ ba: không quan tâm đến những gì ngoài công việc chính của mình như Paul Scholes, Xavi, Iniesta cũng như phần lớn các cầu thủ Việt Nam.

31178300_10212204694213476_3642542801456988160_n
Ca sĩ Hoàng Bách: “Các bạn muốn các tài năng đi theo hướng nào – bản năng, lẩn trốn sự chuyên nghiệp, lao vào các cuộc chơi như con thiêu thân rồi lụi tàn hay chuyên nghiệp, sạch sẽ và cống hiến lâu dài cả về chuyên môn lẫn hình ảnh?!”

Các cầu thủ đang rất trẻ, không có nghĩa là họ không được phép làm những việc ngoài bóng đá mà CLB không cấm, HLV không cấm và luật pháp cho phép. Tận dụng hình ảnh của mình để kiếm tiền chẳng những không có gì sai, mà theo tôi, nên khuyến khích, chỉ với điều kiện, họ không bỏ bê công việc chính để làm điều đó.

Chúng ta rất nên làm quen lại với một khái niệm rất cũ, nhưng lại khá lạ lẫm, rằng các cầu thủ, những người có thể mang niềm vui-nỗi buồn đến cho số đông phải là những celebrity, và nên chuyên nghiệp nhất có thể với danh phận đó.

Đời cầu thủ rất ngắn, đặc biệt ở Việt Nam còn ngắn hơn, chính họ và các HLV là những người hiểu hơn ai hết điều đó, nên phải tận dụng để gây ấn tượng trên sân tập, trên sân đấu và cũng phải tận dụng để tạo sự nghiệp ngoài bóng đá cho mình. Khi họ đá dở, chính họ là những người sẽ bị thải loại đầu tiên, và nên nhớ, số tiền họ kiếm được (cho bản thân và CLB) từ hình ảnh sẽ chẳng thấm vào đâu, và khi họ không được ra sân, chỉ một mùa thôi, tên tuổi họ sẽ bị chôn vùi vào quên lãng.

Hãy chỉ trích khi họ cầm một ly rượu, hút một điếu thuốc hay giao du với những thành phần bất hảo.

Hãy cổ vũ khi họ biết chỉn chu mỗi lần xuất hiện, chuyên nghiệp trong tác phong và kể cả “giữ khoảng cách” với người hâm mộ khi cần thiết. Hãy nhìn những tấm gương của Adriano, Văn Quyến hay ngược lại là Beckham, Công Vinh.

Các bạn muốn các tài năng đi theo hướng nào: bản năng, lẩn trốn sự chuyên nghiệp, lao vào các cuộc chơi như con thiêu thân rồi lụi tàn hay chuyên nghiệp, sạch sẽ và cống hiến lâu dài cả về chuyên môn lẫn hình ảnh?!

Xin đừng vì yêu mà biến mình thành những ông bố, bà mẹ cổ hủ, khó tính, hãy để các cầu thủ tận hưởng sự nổi tiếng, và chúng ta sẽ được tận hưởng sự chuyên nghiệp của họ.


Clip màn trình diễn thời trang của thủ môn Bùi Tiến Dũng

Bình luận viên Trương Anh Ngọc: Bạn cứ chỉ trích các cầu thủ nếu muốn, nhưng bạn không sống thay họ được

Còn BLV Trương Anh Ngọc bày tỏ:

Khi nhìn thấy những tấm ảnh đầu tiên về Dũng Bùi Tiến trên sàn catwalk, phản ứng của tôi là kêu lên “chuẩn quá”. Một cầu thủ trẻ, đẹp trai, thành công bước đầu, mặt rất men lì và form người chuẩn mà từ sân cỏ lên sàn diễn thời trang cũng như màn ảnh quả là một điều hợp lý trong thời buổi mà hình ảnh cá nhân của VIP được chú ý và có thể được khai thác theo hướng này.

Nhưng tôi lại thấy nhiều người không thích như thế. Họ lo cho Dũng, sợ rằng Dũng bước vào showbiz thì sẽ hỏng con người mình (ví dụ ở Việt Nam nhiều đấy), sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn, đến vị trí của cậu ở đội Thanh Hoá cũng như tương lai của cậu trong bóng đá Việt Nam. Một số nhà báo thì chỉ trích một cách gián tiếp đội bóng trong việc đưa cậu vào show này, khai thác cậu một cách tối đa, đồng thời không quên chỉ ra rằng, thời điểm của việc Dũng làm những điều này là không “hợp lý”, “không đúng thời điểm” và “đáng lo ngại”.

Dũng trở thành thần tượng của nhiều người, nhất là lớp trẻ, sau thành công của U23 cách đây mấy tháng. Và như một lẽ đương nhiên, một cầu thủ “quốc dân” cũng giống một ca sĩ hay diễn viên được nhiều người yêu mến, sẽ có giá trị lớn về hình ảnh, được các thương hiệu lớn để ý và ký hợp đồng quảng cáo. Việc Dũng lên sàn catwalk, tham gia các hoạt động nọ kia mang tính thương mại, xét cho cùng cũng là bình thường và hợp lý, một khi những hoạt động ngoài sân cỏ của cậu nằm trong những khuôn khổ cho phép. Ở đây, khuôn khổ cho phép, nghĩa là nó được CLB chủ quản đồng ý, các hoạt động đó cũng không “va chạm” quyền lợi với đội bóng xét trên khía cạnh thương hiệu, và nó trong khuôn khổ luật pháp.

24900244_10214480606190519_176535279375638304_n
BLV Trương Anh Ngọc: “Việc Dũng lên sàn catwalk, tham gia các hoạt động nọ kia mang tính thương mại, xét cho cùng cũng là bình thường và hợp lý, một khi những hoạt động ngoài sân cỏ của cậu nằm trong những khuôn khổ cho phép.”

Một cầu thủ chuyên nghiệp chắc chắn biết mình đang làm gì và cần làm gì để bảo vệ cũng như nâng tầm hình ảnh và ảnh hưởng của mình lên, và anh ta chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì anh ta làm, cũng như những hậu quả có thể có. Vấn đề nằm ở hướng tỷ lệ thuận: nếu anh đá tồi, anh sẽ không nổi, các thương hiệu không tìm đến anh, anh nghèo. Ngược lại, nếu anh giỏi, anh đẹp trai, anh đốn tim các cô gái, các thương hiệu tìm đến anh, anh giàu. Chuyện giàu nghèo, nổi tiếng hay tai tiếng nằm cả trong nhận thức này, và đừng nói là Dũng cần chúng ta nhận thức hộ hoặc dạy dỗ một người đã đủ tuổi để nhận thức được hành vi của cậu ra sao, một khi việc cậu ấy làm là chính đáng và nói thật, ảnh đẹp là khác, mình thích.

Đương nhiên, đằng sau những câu chuyện thương hiệu là nhiều câu chuyện khác, và điều này, Dũng hiểu, CLB chủ quản của cậu hiểu, người đại diện của cậu hiểu. Nhưng bóng đá chuyên nghiệp cũng là bóng đá thương mại, và chẳng có lý do gì để chúng ta nói rằng, mày đi đá bóng đi, đừng bén mảng đến bọn gái xinh, đến showbiz làm gì, hỏng người con ạ. Tất cả những gì đang diễn ra là một quá trình tương hỗ và tự điều chỉnh sao cho phù hợp với các chủ thể là cầu thủ, CLB và cả nền bóng đá, cũng như thái độ của các cổ động viên. Bạn cứ chỉ trích các cầu thủ nếu muốn, nhưng bạn không sống thay họ được…

 

Thực hiện: depweb

23/04/2018, 16:00